Xử nghiêm các sai phạm trong khai thác cát trên sông Krông Nô

10:05' - 05/10/2019
BNEWS Tình trạng khai thác cát sai vị trí, ranh giới được cấp phép trên sông Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đã xảy ra nhiều năm nay.

Đây là vấn đề gây bức xúc trong nhân dân, dẫn tới nhiều hệ lụy phức tạp. Mới đây nhất, 4 tàu khai thác cát trái phép đã bị lực lượng chức năng bắt quả tang hút cát sát bờ, trực tiếp gây sạt lở đất ven sông.

Tình trạng khai thác cát sai vị trí, ranh giới được cấp phép vẫn diễn ra nhiều năm nay. Ảnh: Ngọc Minh - TTXVN

Anh Nguyễn Xuân Trang, một người dân ngụ thôn Cao Sơn, xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô (Đắk Nông) là một hộ dân có đất ven sông Krông Nô cho biết, tình trạng sạt lở ven sông Krông Nô mấy năm nay diễn biến phức tạp. Hiện hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng bởi tình trạng sạt lở đất ven sông này.

Theo một số người dân, xã Buôn Chóah có thể được coi là điểm nóng nhất trên sông Krông Nô về tình trạng khai thác cát trái phép, sai quy định.

Lái tàu thường cập tàu sát bờ sông để hút cát, bởi lượng cát giữa lòng sông ngày càng ít ỏi, chất lượng không cao.

Nếu người dân ra xua đuổi, hoặc dùng điện thoại quay phim, ghi hình, các tàu này sẽ di chuyển tàu ra phía ngoài.

Nhiều hộ dân ven sông đã phải bán đất cho các đối tượng hút cát với giá rẻ (khoảng 20 – 25 triệu đồng/1.000m2), vì nếu để cũng bị sạt lở xuống sông, còn canh giữ hàng đêm lại không hiệu quả.

Theo ông Lương Văn Đoàn, Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah, hiện chỉ có một đơn vị được cấp phép khai thác cát ở đây là Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Tây Nguyên.

Cũng theo ông Đoàn, sau nhiều năm khai thác cát trên quy mô lớn, trữ lượng cát tại khu vực lòng sông còn không đáng kể. Thêm nữa, từ khi một số đập thủy điện được xây dựng, vận hành trên thượng nguồn, trữ lượng cát “bồi” về hàng năm cũng giảm mạnh, không còn dồi dào như trước.

Theo quy định, các đơn vị được cấp phép khai thác cát chỉ được tiến hành việc khai thác trong khung giờ từ 6 – 18 giờ hàng ngày. Nhưng trên thực tế, hoạt động hút cát tại tại Buôn Chóah chủ yếu được tiến hành vào ban đêm (từ 2 – 3 giờ hàng ngày).

Thêm nữa, không chỉ đưa tàu vào sát bờ để hút cát, một số đối tượng còn di chuyển tàu ngang dọc khắp sông, có những địa điểm cách xa nhiều km so với vị trí được cấp phép. Đây đều là những hành vi vi phạm nghiêm trọng, coi thường pháp luật.

“Việc khai thác ban đêm là để các đối tượng có thể đưa tàu sát bờ để hút cát, hoặc di chuyển tàu ra xa vị trí được cấp phép mà không bị phát hiện, ghi hình hoặc ngăn chặn” – lãnh đạo xã Buôn Chóah khẳng định.

Ông Lương Văn Đoàn cho rằng, tình trạng các tàu khai thác cát vào ban đêm, tại những vị trí sát bờ sông hoặc cách xa địa điểm được cấp phép kéo đã theo nhiều hệ lụy về an ninh – trật tự tại địa phương. Cụ thể, có thời điểm người dân tập trung ra nhắc nhở, xua đuổi đã xảy ra xô xát, các đối tượng khai thác cát đánh người gây thương tích nặng rồi nhảy lên tàu bỏ trốn.

Việc xác minh, điều tra sau đó cũng không xác định được đối tượng do các tàu hoạt động trong đêm tối và đều không đăng ký đăng kiểm, không thể nhận dạng được.

Ngày 25/9, Công an huyện Krông Nô và các ngành chức năng liên quan đã bắt quả tang 4 tàu hút cát trực tiếp gây sạt lở bờ sông, đoạn qua thôn Cao Sơn, xã Buôn Chóah.

Các lái tàu đều khai nhận mình khai thác thuê cho Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Tây Nguyên.

Đáng chú ý hơn, khi ngành chức năng huyện Krông Nô đối chiếu với giấy phép do UBND tỉnh Đắk Nông cấp cho đơn vị này (giấy phép số 12/GQ-UBND ngày 25/8/2015 về việc cho phép khai thác cát xây dựng tại mỏ cát B, thôn Buôn Chóah, xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông), vị trí 4 tàu bị bắt quả tang hút cát gây sạt lở bờ sông cách vị trí Công ty được cấp phép là 4km.

Báo cáo của Công an huyện Krông Nô xác định chỉ riêng 4 tàu bị tạm giữ vào ngày 25/9, Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Tây Nguyên đã có 3 hành vi vi phạm, bao gồm: Tiến hành việc khai thác khoáng sản vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép; sử dụng tàu chưa được đăng ký với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào hoạt động khai thác; tự ý sửa chữa tàu khai thác so với hồ sơ thiết kế đã được cơ quan chức năng thẩm định.

Các hành vi phạm này được quy định tại các Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước - khoáng sản và Nghị định số 132/2015/NĐ-CP ngày 25/12/2015 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa.

Đối chiếu với các quy định, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính với số tiền từ 100 – 150 triệu đồng do các hành vi vi phạm, Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Tây Nguyên còn bị rút giấy phép/tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản trong thời gian từ 3 – 6 tháng.

Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, các mức phạt này đều vượt thẩm quyền của huyện. UBND huyện Krông Nô đang báo cáo và phối hợp với các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông như Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh Đắk Nông tham mưu UBND tỉnh ra quyết định xử phạt.

Trên thực tế, mặc dù đã được cấp phép khai thác cát hơn 4 năm, nhưng đến nay, theo báo cáo (số 666/UBND-TNMT ngày 8/5/2019) của UBND huyện Krông Nô, Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng Tây Nguyên vẫn chưa đăng ký với ngành chức năng tỉnh Đắk Nông số lượng tàu khai thác và thời gian khai thác.

Đây là doanh nghiệp duy nhất trong tổng số 6 doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trên sông Krông Nô chưa đăng ký hai nội dung này.

Về vấn đề trên, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Đắk Nông đã nhiều lần liên hệ với ông Nguyễn Duy Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần vật liệu xây dựng Tây Nguyên chi nhánh nhánh Đắk Nông để trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan nhưng không được phản hồi, hợp tác.

Tình trạng khai thác cát trên sông Krông Nô, đoạn qua xã Buôn Chóah, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông đang gây ra nhiều hệ lụy như đất đai bị sạt lở, tình hình an ninh – trật tự phức tạp. Theo đó, các ngành chức năng tỉnh Đắk Nông cần có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý kịp thời theo đúng các quy định pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục