Xử phạt trên 100 triệu đồng với 42 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế

18:20' - 11/02/2020
BNEWS Trong ngày 11/2, lực lượng quản lý thị trường trên cả nước đã kiểm tra 169 cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, hiệu thuốc kinh doanh mặt hàng khẩu trang và nước sát khuẩn.
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Bắc Giang kiểm tra việc kinh doanh khẩu trang và các sản phẩm sử dụng phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Đồng Thúy-TTXVN

Trong số các cửa hàng bị kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện 42 cửa hàng vi phạm với tổng số tiền xử phạt hơn 103 triệu đồng. Tạm giữ 184.254 khẩu trang các loại.

Như vậy, cộng dồn từ ngày 31/1 đến ngày 11/2, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra, xử lý 3.828 vụ việc vi phạm.

Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho biết, nhu cầu về trang thiết bị phòng dịch, đặc biệt là khẩu trang y tế, nước sát khuẩn đang tiếp tục tăng cao.

Theo báo cáo của lực lượng quản lý thị trườn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành nghiêm việc niêm yết giá theo quy định. Tuy nhiên, do nguồn hàng cung cấp còn hạn chế dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa, nhất là mặt hàng khẩu trang y tế.

Tại Hà Nội, hiện tượng khan hiếm khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn diễn ra tại nhiều nơi. Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình địa bàn, bảo đảm xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, lợi dụng dịch bệnh tăng giá bất hợp lý và kinh doanh sản phẩm không bảo đảm chất lượng.

Ngày 10/2, Đội Quản lý thị trường số 13 phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường (C05) Bộ Công an và Công an phường Trung Hoà đã kiểm tra điểm tập kết hàng hóa của ông Giáp Ngọc Cảnh tại sảnh khách sạn City Hotel, số 177 Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Do có dấu hiệu lợi dụng việc mặt hàng khẩu trang khan hiếm và lên giá do bệnh dịch nCoV nhằm bán kiếm lời, thu lợi bất chính, Đoàn kiểm tra đã tạm giữ 30.000 chiếc khẩu trang để tiếp tục xác minh, xử lý theo quy định.

Ngoài ra, với địa bàn Lạng Sơn, vào hồi 13 giờ 30 phút, ngày 10/2 Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp với Đồn Công an Tân Thanh, Công an huyện Văn Lãng, Đồn Biên phòng Tân Thanh kiểm tra xe ô tô tải biển kiểm soát 29H-121.06 tại Khu Tái định cư thôn Bản Thẩu, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn do ông Lê Bằng Giang, sinh năm 27/9/1991; địa chỉ thường trú tại thôn Trung Lương, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam điều khiển phương tiện.

Qua kiểm tra hàng hóa trên xe phát hiện có 119.000 chiếc khẩu trang không có hóa đơn chứng từ; trong đó 103.000 chiếc khẩu trang không có nhãn hàng hóa; 7.500 chiếc khẩu trang y tế 3 lớp nhãn hiệu HAPHA; 4.500 chiếc khẩu trang y tế nhãn hiệu FACEMASK; 4.300 chiếc khẩu trang nhãn hiệu MASK; trị giá số hàng hóa trên khoảng 200 triệu đồng.

Hiện nay Đội Quản lý thị trường số 7 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa, phương tiện, tiến hành lấy mẫu hàng hóa để kiểm nghiệm, xác minh, xử lý theo quy định.

Đặc biệt, tại Tp. Hồ Chí Minh, do nguồn cung hạn chế nên nhiều nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế phòng dịch trên địa bàn chưa có khẩu trang, nước sát trùng để bán.

Các Đội Quản lý thị trường tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát và phối hợp lực lượng chức năng phòng, chống dịch bệnh viêm phổi cấp trên địa bàn thành phố.

Ngày 10/2, Đội Quản lý thị trường số 16 kiểm tra chi nhánh Công ty TNHH đầu tư, sản xuất Trâm Anh Hồ, địa chỉ số 840/36, đường Hương lộ 2, phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân. Qua kiểm tra phát hiện cơ sở đang sản xuất khẩu trang chưa công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định. Đội đã lập biên bản tạm giữ 25.450 cái để tiếp tục xác minh, làm rõ.

Đáng lưu ý, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, số lượng người dân đi đến các cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, dược phẩm để mua khẩu trang, nước sát trùng đã giảm so với những ngày trước. Hiện nay, phần lớn các nhà thuốc đã hết khẩu trang y tế để bán do nguồn cung mặt hàng này đang rất hạn chế.

Trong khi đó, trước nhu cầu sử dụng khẩu trang để phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus nCoV gây ra, tỉnh Thừa Thiên- Huế đang triển khai nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu của người dân, bình ổn thị trường đối với mặt hàng được xem là "khan hiếm" ở thời điểm này.

Tỉnh Thừa Thiên- Huế hiện đã đặt hàng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Kim Sora chuyên sản xuất khẩu trang (chi nhán tại huyện Nam Đông) sản xuất 15.000 chiếc khẩu trang/ ngày để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Theo Phó Chánh văn phòng Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên- Huế Nguyễn Đình Bách, với số khẩu trang này, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên- Huế sẽ thu mua để cấp phát cho người bệnh, đồng thời, sẽ công khai các địa điểm bán khẩu trang với giá gốc cho người dân là 45.000 đồng/hộp/ 50 chiếc. Điều này sẽ góp phần đảm bảo ổn định nguồn cung và giá cá mặt hàng này trên thị trường.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Dệt may Huế đang triển khai sản xuất 50.000 chiếc khẩu trang kháng khuẩn đạt chất lượng theo tiêu chuẩn của Nhật Bản tặng tỉnh Thừa Thiên- Huế để phân bổ hợp lý.

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh nCoV, ở các điểm tham quan di tích, khách sạn, bệnh viện trên địa bàn tỉnh đều đang triển khai việc cấp phát khẩu trang miễn phí cho người dân và du khách. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu và sử dụng khẩu trang đúng cách, bệnh cạnh những biện pháp phòng dịch khác.

Liên quan tới hoạt động xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giao Sở Công Thương triển khai các nội dung liên quan đến các hoạt động này trên địa bàn thành phố. 

Theo đó, việc xuất nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa qua biên giới tiếp tục thực hiện theo quy định; bảo đảm phòng chống dịch, không làm gián đoạn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với người điều khiển phương tiện vận chuyển chuyên chở hàng hóa (không có hành khách) qua biên giới, tổ bay, thủy thủ đoàn từ vùng có dịch được xuất nhập cảnh qua biên giới gồm cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu quốc gia đường bộ, đường biển, đường sắt, đường hàng không, nhưng phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, quản lý, giám sát y tế chặt chẽ, nghiêm ngặt; chỉ được đi đến điểm giao nhận hàng hóa, điểm cách ly tại khu vực cửa khẩu, không đi sâu vào trong nội địa; bảo đảm loại trừ hoàn toàn các rủi ro có thể lây nhiễm dịch bệnh.

Tp. Hồ Chí Minh được xem là cửa ngõ giao lưu quốc tế hàng đầu của khu vực cũng như của cả nước với hoạt động giao thương, đi lại sôi động thông qua Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất với hàng trăm chuyến bay đi đến mỗi ngày; hệ thống cảng biển quy mô lớn như Cát Lái, Hiệp Phước cũng như hệ thống giao thông thường bộ, đường sắt kết nối liên vùng với khối lượng vận chuyển hàng hóa, người dân rất lớn mỗi ngày.

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh do chủng mới của virus Corona (nCoV), tính đến ngày 11/2, trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có 3 trường hợp dương tính với nCoV; trong đó có 1 trường hợp đã khỏi bệnh và xuất viện. Bên cạnh đó, toàn thành phố có 27 trường hợp nghi ngờ đã có kết quả âm tính./.

>>> Xử phạt đối tượng tung tin sai về dịch do virus Corona ở Ninh Bình và Đắk Lắk

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục