Xu thế tất yếu ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến thương mại

15:20' - 11/11/2021
BNEWS Cục Xúc tiến thương mại đang xây dựng kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 để hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp triển khai đồng bộ và tiết kiệm chi phí.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại đã bước đầu phát huy được hiệu quả, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí cũng như khắc phục những khó khăn về khoảng cách, về địa lý và thời gian; từng bước hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng trong sản xuất và kinh doanh, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.

Thông tin này được ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nhấn mạnh tại hội nghị quốc tế về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến xuất khẩu, kết hợp tổ chức giao thương trực tuyến trên nền tảng số do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử (VECOM), sàn thương mại điện tử Alibaba.com, Công ty TNHH phần mềm quản lý khách hàng Việt Nam (Online CRM) và các đơn vị cung cấp giải pháp chuyển đổi số tổ chức sáng 11/11 tại Hà Nội.

*Từng bước tiếp cận

Theo ông Hoàng Minh Chiến, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những công nghệ mới đã và đang phát huy những ưu thế, thúc đẩy những bước tiến vượt bậc, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới, sáng tạo, thúc đẩy việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Thực tế, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số đang trở thành một xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội.

Trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở tận dụng hiệu quả hội nhập kinh tế để tăng trưởng chất lượng hơn, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thông qua tăng hàm lượng đóng góp của khoa học công nghệ.

Trong quá trình này, ứng dụng của công nghệ số trong các công đoạn của chuỗi giá trị đang dần trở nên phổ biến hơn như: ứng dụng blockchain trong logistics, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mô hình thương mại không giấy tờ,... 

Ông Hoàng Minh Chiến cho hay, trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ đã và đang đẩy nhanh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số.

Các nội dung, phương thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại không ngừng biến đổi và ngày càng đa dạng hơn. Đặc biệt, động lực thực sự của xu hướng dịch chuyển nói trên xuất phát từ thực tế mọi loại hình kinh doanh, mọi doanh nghiệp bất kể lớn nhỏ trên toàn cầu.

Dịch COVID-19 kể từ đầu năm 2020 đã kéo theo những đứt gãy, gián đoạn của các chuỗi cung ứng và thương mại ở bình diện toàn cầu. Qua đó, đòi hỏi mọi mô hình kinh doanh và quản lý theo truyền thống phải thay đổi một cách căn bản và thích ứng.

Thực tế, các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống hỗ trợ xúc tiến đầu ra cho sản phẩm như: hội chợ, hội thảo, hội nghị kết nối cung cầu, hoạt động giao dịch thương mại ở nước ngoài... bị huỷ hoặc hoãn cả trong nước và trên hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn.

Trước tình hình này, Cục Xúc tiến thương mại đã triển khai và điều chỉnh nhiều hoạt động xúc tiến thương mại phù hợp với tình hình thực tiễn thông qua phối hợp với các đối tác trong nước và quốc tế tiến hành các hoạt động theo phương thức mới, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp.

Cụ thể, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với với sàn Alibaba.com triển khai trên 20 sự kiện và tổ chức 6 khoá huấn luyện trực tuyến. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động kết nối, tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã trên các sàn thương mại điện tử trong nước như: Postmart, Voso, Lazada, Shopee, Tiki, Sendo, Foodmap.

Đáng chú ý, trong thời gian này, Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Vnpost) và Tổng công ty Bưu chính Viettel triển khai các hoạt động huấn luyện cho các hợp tác xã và hộ kinh tế kỹ năng bán hàng trực tuyến, các khoá huấn luyện đã và đang triển khai tại Hoà Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai.

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện của sàn thương mại điện tử Alibaba.com cho biết, với hơn 20 năm kinh nghiệp trên lĩnh vực này, nhu cầu mua hàng của người tiêu dùng không hề mất đi mà đã dịch chuyển sang các nền tảng số khác. Alibaba.com đang nỗ lực đa dạng hoá, nhằm nâng cao trải nghiệm cho người tiêu cùng cũng như hướng tới mở rộng thị trường đến 17 quốc gia lớn như: Hoa Kỳ, Canada, Hàn quốc…

Không chỉ vậy, trên thế giới, nhiều quốc gia cũng đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng trên cơ sở tận dụng hiệu quả hội nhập kinh tế để tăng trưởng chất lượng hơn, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh thông qua tăng hàm lượng đóng góp của khoa học công nghệ.

Trong quá trình này, ứng dụng của công nghệ số trong các công đoạn của chuỗi giá trị đang dần trở nên phổ biến hơn như: ứng dụng blockchain trong logistic, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, mô hình thương mại không giấy tờ…

“Phương thức ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại không ngừng biến đổi và ngày càng đa dạng hơn. Động lực thực sự của xu hướng dịch chuyển nói trên xuất phát từ thực tế mọi loại hình kinh doanh, mọi doanh nghiệp bất kể lớn hay nhỏ trên toàn cầu đã và đang phải đối mặt với một thị trường thay đổi nhanh chóng. Vì vậy, đòi hỏi mọi mô hình kinh doanh và quản lý theo truyền thống phải thay đổi một cách căn bản và thích ứng”, đại diện sàn thương mại điện tử Alibaba khuyến cáo.

*Chủ động thích ứng

Với mong muốn hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, ông Bùi Cao Học - Giám đốc Công ty TNHH phần mềm quản lý khách hàng Việt Nam (Online CRM) cho biết, CRM mong muốn được đồng hành với Cục Xúc tiến thương mại, cộng đồng doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và hợp tác xã… từng bước tiếp cận và ứng dụng thành công giải pháp chăm sóc khách hàng nói riêng và các giải pháp công nghệ khác nói chung.

Thực tế cho thấy, dịch COVID-19 khiến hành vi mua sắm của người tiêu dùng thay đổi đáng kể, mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến. Cùng với đó, thương mại điện tử trở nên rất cần thiết đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho hay, doanh nghiệp đã nhìn thấy rõ lợi ích tất yếu liên quan đến vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đó chính là ưu tiên thay đổi phương thức tiếp thị, tương tác khách hàng và phân phối thông qua thương mại điện tử.

Do đó, các doanh nghiệp thực phẩm và đồ uống cũng đang tập trung phát triển các chiến lược toàn diện liên quan đến quản trị, chiến lược sản phẩm, ứng dụng công nghệ.

"Sự phát triển của thương mại điện tử sẽ là chìa khoá thành công cho sự phát triển của ngành thực phẩm và đồ uống Việt Nam. Chắc chắn sẽ là xu hướng bắt buộc mang tính liên tục và không thể đảo ngược do sự thay đổi liên tục của công nghệ, nhu cầu khách hàng và xu hướng thị trường”, bà Lý Kim Chi nhấn mạnh.

Đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quá trình xúc tiến thương mại, ông Hoàng Minh Chiến khẳng định: Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tập trung vào các hoạt động nâng cao nhận thức và xây dựng năng  lực cho các tổ chức xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hợp tác xã kinh doanh trong lĩnh vực này.

Cùng với đó, Cục Xúc tiến thương mại sẽ cùng các đối tác công nghệ tập trung xây dựng Hệ sinh thái xúc tiến thương mại số, nhằm hỗ trợ hiệu quả cho các tổ chức và doanh nghiệp xúc tiến thương mại hiệu quả trên môi trường số.

Đặc biệt hiện nay, Cục Xúc tiến thương mại đang từng bước xây dựng kế hoạch về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2025 để hướng dẫn các địa phương, tổ chức xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp triển khai bài bản và đồng bộ, tiết kiệm chi phí, phối kết hợp hoạt động một cách khoa học.

Với hơn 1.400 đại biểu tham dự, hội nghị sẽ diễn ra từ ngày 11-12/11/2021 để các chuyên gia, doanh nghiệp cùng trao đổi các vấn đề về công nghệ và các giải pháp khả thi trong việc tiếp cận đối tác tiềm năng. Điều này nhằm mang lại những hiệu quả thiết thực cho hoạt động xúc tiến thương mại, góp phần nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường xuất khẩu./.

Tin liên quan

  • Để trái cây Việt vươn xa DN cần biết

    Để trái cây Việt vươn xa

    16:26' - 19/10/2021

    Để mở rộng thị phần, cũng như bám chắc thị trường quốc tế, theo các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu trái cây Việt còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.


Tin cùng chuyên mục