Xuất khẩu 2016: Bài 1- Nhiều khó khăn nảy sinh

06:39' - 05/11/2016
BNEWS Năm 2016, mặc dù được đánh dấu là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước sau hàng loạt các FTA được ký kết, nhưng ngành công thương đã phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp mới nảy sinh.
Xuất khẩu 2016: Bài 1- Nhiều khó khăn nảy sinh. Ảnh: Quang Nhựt/TTXVN

Vượt qua những khó khăn từ thị trường, ngành công thương đang nỗ lực nhiều giải pháp đưa kim ngạch xuất khẩu năm 2016 chạm ngưỡng 181,5 tỷ USD.

Dẫu biết đây là nhiệm vụ nặng nề nhưng trước những cố gắng cùng với những giải pháp xuyên suốt, đồng bộ từ Bộ Công Thương tới địa phương và từng doanh nghiệp, hy vọng mục tiêu tăng trưởng 10% sẽ được hoàn thành trong hai tháng còn lại của năm.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn cần có những giải pháp dài hơi để nâng cao tính cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu nhằm thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu bền vững.
Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2016, mặc dù được đánh dấu là năm có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước sau hàng loạt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết, nhưng ngành công thương đã phải đối diện với nhiều khó khăn, phức tạp mới nảy sinh.

Đưa ra minh chứng cụ thể, ông Dương Duy Hưng nhấn mạnh: Đến thời điểm hiện tại, kinh tế toàn cầu vẫn chưa mấy khả quan, nhiều nền kinh tế chủ chốt trên thế giới tiếp tục gặp khó khăn. Cùng với đó, thương mại thế giới ở nhiều khu vực thị trường là bạn hàng lớn cả về xuất khẩu và nhập khẩu của Việt Nam đang có dấu hiệu giảm hoặc tăng chậm lại.

Đại diện Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) bà Phan Thị Diệu Hà lý giải, mặc dù Bộ trưởng đã chỉ đạo quyết liệt nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng nhưng những tháng đầu năm thời tiết không thuận lợi, hạn hán và xâm nhập mặn đã ảnh hưởng không nhỏ tới nhiều mặt hàng nông sản.

Cùng với đó, sự suy yếu và bất ổn về chính trị tại một số thị trường xuất khẩu là nguyên nhân tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Việt Nam. Hơn nữa, giá dầu thô cũng tác động lớn đến xuất khẩu và nhập khẩu do những diễn biến khó lường.

Việc các nước nhập khẩu tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại, rào cản kỹ thuật cũng như các nước có cơ cấu xuất khẩu những mặt hàng tương tự như Việt Nam gia tăng sản xuất khiến xuất khẩu của Việt Nam càng thêm khó khăn.

Bà Phan Thị Diệu Hà cũng thừa nhận, sản xuất nội tại của các doanh nghiệp trong nước cũng là một trong những nguyên nhân cản trở xuất khẩu. Đơn cử với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, mặc dù đã thực hiện các biện pháp tái cơ cấu sản xuất nhưng vẫn ở qui mô nhỏ; nhiều nơi vẫn còn tự phát và theo thị trường.

Chế biên cá tra xuất khẩu tại Công ty Bianfishco, thành phố Cần Thơ. Ảnh: Huy Hùng-TTXVN

Còn đối với mặt hàng công nghiệp là nhóm hàng luôn đóng góp xuất khẩu tăng trưởng lớn nhất trong những năm vừa qua, nhưng thời gian này nhóm hàng công nghiệp chế biến lại giảm so với cùng kỳ năm trước chứng tỏ nguồn hàng cho xuất khẩu có giảm đi.

Để gỡ nút thắt cho xuất khẩu trong hai tháng còn lại, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát hệ thống văn bản; trong đó văn bản không phù hợp, gây cản trở cho việc xuất khẩu sẽ điều chỉnh ngay cho phù hợp.

Bên cạnh đó, Cục Xuất Nhập khẩu cũng kêu gọi doanh nghiệp tận dụng lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) bởi đây là một trong những nội dung tạo sức cạnh tranh cho doanh nghiệp.

Bà Phan Thị Diệu Hà cho biết thêm, hiện Cục đã  hoàn thành Đề án xuất khẩu đối với nhóm hàng nông sản. Đây là nhóm hàng nhạy cảm nhất, dễ phát sinh và dễ có những tác động do thị trường trong nước cũng như sản xuất.

Ngoài ra, Cục Xuất Nhập khẩu cũng đang phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Công nghệ Thông tin nâng cấp mức độ cấp Chứng nhận xuất xứ (C/O) từ cấp độ 3 lên cấp độ 4 nhằm giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.

Cùng với đó, Cục còn kết nối với Vụ Thị trường trong nước cũng như Vụ Thị trường nước ngoài và các Thương vụ để thực hiện ngay chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về đẩy mạnh xuất khẩu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, hiện ngành công thương đóng góp 60% cho GDP của đất nước, do vậy trong những tháng còn lại, Bộ Công Thương sẽ tăng cường các giải pháp về thị trường, đồng thời ban hành các chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất, qua đó nâng cao giá trị xuất khẩu.

Riêng những vấn đề ngoài thẩm quyền của Bộ Công Thương, Bộ sẽ tập hợp và chuyển đến các Bộ, ngành liên quan, thực hiện tham mưu cho Chính phủ để tháo gỡ ngay khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm đảm bảo chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2016, góp phần thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của cả nước.

Xem tiếp:

>> Xuất khẩu 2016: Bài 2 - Chiến lược mới trong tình hình mới

   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục