Xuất khẩu bền vững: Hướng tới giá trị gia tăng cao hơn

06:39' - 07/11/2016
BNEWS Đối với xuất khẩu, chúng ta phải hướng tới không chỉ đạt kim ngạch cao mà phải đạt được giá trị gia tăng cao. Bởi khi đạt kim ngạch cao mà giá trị gia tăng thấp thì lợi ích đạt được không nhiều.
TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công Thương, Bộ Công Thương. Ảnh: Quốc Huy/BNEWS/TTXVN.

10 tháng đầu năm 2016, tình hình xuất khẩu hết sức khó khăn, tốc độ tăng trưởng chỉ đạt trên 7%. Đây là mức thấp và khá xa so với mục tiêu 10% mà Chính phủ đặt ra. Điều đáng nói, rất nhiều các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam như dệt may, thủy sản, lương thực… cũng khó đạt mục tiêu đề ra.

Để cùng tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng trên và giải pháp trong thời gian tới, BNEWS có cuộc trao đổi với TS. Lê Quốc Phương, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công Thương, Bộ Công Thương.

BNEWS: Ông có thể đánh giá khái quát về tình hình xuất khẩu trong 10 tháng qua? Và những nhóm ngành hàng nào xuất khẩu khó khăn nhất?

T.S Lê Quốc Phương: Trong 10 tháng đầu năm 2016, trong bối cảnh xuất khẩu của nhiều nước tăng rất thấp, thậm chí có nước âm, xuất khẩu của Việt Nam vẫn đạt được hơn 7%. Đây cũng là điểm đáng khích lệ. Tuy nhiên, so với mục tiêu 10% do Quốc hội đề ra thì vẫn chưa đạt được.  

Trong 10 tháng đầu năm nay, nhóm hàng gặp khó khăn nhiều nhất là nhóm nhiên liệu và khoáng sản (giảm gần 40% kim ngạch); trong đó, dầu thô giảm rất mạnh, tiếp theo là than đá và cuối cùng là quặng và loại khoáng sản khác.

Nhóm thứ 2 là nhóm nông, lâm thủy sản. Nếu tính tổng chung cả nhóm thì tăng trên 7%, nhưng trong nhóm này những mặt hàng như gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn đều giảm rất mạnh.

Nhóm thứ 3 là nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo. Đây là nhóm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Dù đã tăng khoảng 9% nhưng vẫn không đủ mạnh để kéo kim ngạch xuất khẩu của nước ta lên 10%.

BNEWS: Tình hình xuất khẩu nói chung là khó khăn, ngay cả các mặt hàng chúng ta có lợi thế. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

Ts. Lê Quốc Phương: Có 2 nhóm nguyên nhân chính: nguyên nhân khách quan đến từ kinh tế thế giới và nguyên nhân chủ quan do nội tại nền kinh tế nước ta.

Về nguyên nhân khách quan, vài năm trở lại đây nền kinh tế thế giới nhìn chung là trì trệ và tương đối ảm đạm. Do đó, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá giảm nhiều. Điều này dẫn tới giá của hàng hoá của thế giới trong năm 2016 không tăng. Chính vì vậy, xuất khẩu của nước ta bị ảnh hưởng tiêu cực về cả về lượng và về giá.

Về nguyên nhân chủ quan, theo đánh giá của rất nhiều chuyên gia thì việc xuất khẩu các mặt hàng ngành nông, lâm, thủy sản của nước ta đã tới hạn và đã đạt được ngưỡng nhất định. Nhưng để mở rộng được tiếp lĩnh vực nông, lâm, thủy sản không phải là việc đơn giản, vì phải đòi hỏi tái cơ cấu.

Trong khi đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu (chiếm 80% xuất khẩu của nước ta), nhưng ở thời điểm hiện tại cũng chưa xuất hiện những mặt hàng tạo ra kim ngạch tăng đột biến như mặt hàng điện thoại di động cách đây vài năm.

Để gỡ khó cho xuất khẩu chúng ta phải tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu về mặt thủ tục hành chính. Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại để tiếp tục mở rộng thị trường tìm kiếm đối tác. Ngoài ra, chúng ta cần tận dụng tối đa các hiệp định thương mại mà nước ta đã kí như FTA.

BNEWS: Số liệu thống kê cho thấy, những tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu của khu vực trong nước và khối ngoại cùng giảm, tuy nhiên xuất khẩu của khối ngoại giảm tốc mạnh hơn. Liệu đây có phải tín hiệu cho thấy xuất khẩu của Việt Nam ít phụ thuộc hơn vào khối ngoại?

Ts. Lê Quốc Phương: Trong năm 2016 có hiện tượng tốc độ tăng trưởng của khối ngoại có giảm, và giảm mạnh hơn tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp Việt Nam. Điều đó vừa mừng vừa lo, điểm mừng là với tỉ trọng như vậy thì vai trò của doanh nghiệp Việt Nam so với của nước ngoài đã có sự chuyển biến theo chiều hướng tích cực.

Việt Nam gặp nhiều thách thức để mục tiêu xuất khẩu 2016. Ảnh minh họa: Đình Huệ - TTXVN

Ngược lại, điểm đáng lo là khi các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thì lập tức xuất khẩu của chúng ta sẽ giảm tốc độ tăng trưởng. Bởi vì xuất khẩu của nước ta phụ thuộc 70% vào các doanh nghiệp FDI.

BNEWS: Việt Nam đang tham gia nhiều hiệp định thương mại nhưng mới đang ở giai đoạn đầu. Theo ông, đâu là những thách thức và thuận lợi cho xuất khẩu Việt Nam đến từ các hiệp định thương mại quốc tế, nhất là Hiệp định FTA với EU, TPP hay với Liên minh kinh tế Á- Âu vừa có hiệu lực?

Ts. Lê Quốc Phương: Khi tham gia FTA thì Việt Nam được mở rộng và tiếp cận tới các thị trường lớn nhưng đồng thời chúng ta cũng phải mở cửa thị trường nội địa cho hàng hóa và dịch vụ nước ngoài vào nước ta.

Trong điều kiện năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng xuất khẩu, năng lực cạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam còn thấp, đây là khó khăn lớn nhất.

Thêm nữa, khi các hiệp định FTA đươc ký Việt Nam cũng phải mở cửa cho các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp nước ngoài vào nước ta. Đây cũng là khó khăn và thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng và cho cả nền kinh tế nói chung.

BNEWS: Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, xuất khẩu của Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh ngay bởi các thị trường trong khu vực Đông Nam Á. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Ts. Lê Quốc Phương: Việt Nam đã tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế trong khu vực Đông Nam Á, nhất là đã tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Điều đó có nghĩa là 10 nước ASEAN sẽ mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, lao động... cho tất cả các nước thành viên. Đây là cơ hội rất lớn cho Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng đồng thời cũng đặt ra thách thức rất lớn cho nước ta.

Như đã nói ở trên, năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, năng lực cạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của Việt Nam còn tương đối thấp nên đã khó cạnh tranh được với các nền kinh tế trong ASEAN.

Ngoài ra, Việt Nam có cơ cấu kinh tế khá tương đồng với rất nhiều nước trong ASEAN, vì thế mức độ cạnh tranh lại càng cao.

BNEWS: Theo ông, cần làm gì để xuất khẩu của Việt Nam có thể nắm bắt được cũng như đối diện với thách thức khi tham gia các hiệp định thương mại quốc tế?

Ts: Lê Quốc Phương: Thứ nhất, chúng ta cần thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Thứ hai, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu lĩnh vực xuất khẩu đề nền kinh tế phát triển bền vững hơn.

Đối với lĩnh vực xuất khẩu, chúng ta phải hướng tới không chỉ đạt kim ngạch cao mà phải đạt được giá trị gia tăng cao.  Bởi khi đạt kim ngạch cao mà giá trị gia tăng thấp thì lợi ích đạt được không nhiều.

Để tận dụng được cơ hội từ FTA mang lại thì nước ta phải chuyển dần từ xuất khẩu nguyên liệu thô sang xuất khẩu các sản phẩm chế biến. Bên cạnh đó phải chuyển từ gia công lắp ráp sang xuất khẩu các mặt hàng có tỉ lệ nội địa cao và có giá trị gia tăng cao hơn.

Với những giải pháp như vậy, chúng ta mới có thể thúc đẩy xuất khẩu phát triển thực chất  và phát triển bền vững.

BNEWS: Xin cảm ơn!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục