Xuất khẩu cao su sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2022

16:44' - 24/01/2022
BNEWS Trong giai đoạn 2022-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần nên xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Trước tình hình lạc quan của thị trường cao su, các bộ ngành đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành cao su trong năm 2022. Cùng với đó, giá cao su có thể sẽ bật tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao trong khi sản lượng cao su toàn cầu giảm do diện tích giảm và yếu tố biến đổi khí hậu.
Theo nhận định từ các chuyên gia, cùng với việc thế giới thiếu hụt cao su tự nhiên trong năm 2021, giá dầu tăng mạnh trở lại sẽ kéo theo giá cao su khởi sắc, dự báo giá cao su sẽ tăng trở lại đến hết quý I/2022.
Nhiều chuyên gia dự báo, trong giai đoạn 2022-2024, cao su thế giới có thể sẽ bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần nên xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá.

Chế biến mủ cao su xuất khẩu tại nhà máy của Công ty TNHH Một thành viên Cao su Chư Păh, Gia Lai. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 1,97 triệu tấn, trị giá 3,3 tỷ USD, tăng 12,9% về lượng và tăng 39% về trị giá so với năm 2020.
Việc xuất khẩu cao su của Việt Nam năm qua tăng trưởng cao là do các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ, Hà Lan, Cộng hòa Séc, Canada... tăng nhập khẩu cao su của Việt Nam.
Cũng theo Cục Xuất nhập khẩu, tại thị trường trong nước do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại các tỉnh sản xuất chính như Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương nên tháng 12/2021, giá mủ cao su tiểu điền được thu mua dao động quanh mức từ 290 - 320 đồng/độ TSC, giảm từ 5 - 8 đồng/độ TSC so với cuối tháng 11/2021.
Đáng chú ý, trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) đạt khoảng 100 nghìn tấn, tương đương 175 triệu USD, tăng 33,7% về lượng và tăng mạnh 72,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Đặc biệt, EU là một trong các thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam. Vì thế, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam - EU (EVFTA) được ví như đòn bẩy để ngành cao su liên kết sâu rộng vào thị trường lớn, có giá bán cao...
Bởi, với Hiệp định EVFTA, cao su tổng hợp và các chất dẫn xuất sẽ không có lợi thế mới vì thuế suất đã đang là 0%. Tuy nhiên, các loại ống ghép nối bằng cao su và lốp cao su được miễn thuế ngay lập tức từ mức 3% - 4,5% trước đây.
Hơn nữa, các loại băng tải, băng truyền, hoặc đai tải bằng cao su sẽ được giảm theo kỳ hạn 5 năm từ 6,5% là động lực thúc đẩy xuất khẩu cao su và sản phẩm từ cao su.
Ngoài ra, ngành công nghiệp, sản xuất và tiêu dùng tại EU đang phát triển mạnh mẽ, nhu cầu tiêu thụ của EU đối với cao su và các sản phẩm từ cao su rất lớn, nhất là các chủng loại cao su cao cấp (SVR CV) và chủng loại SVR 10, SVR 20. Dự báo đà tăng trưởng nối tiếp của mặt hàng này trong những năm tiếp theo.
Thế nhưng, các yêu cầu về tính hợp pháp và bền vững tại thị trường này đối với các sản phẩm ngày càng chặt chẽ hơn cả từ khía cạnh quản lý và thị trường.
Do vậy, để đáp ứng yêu cầu của thị trường EU, ngành cao su cần hướng tới mục tiêu sản xuất cao su bền vững theo tiêu chuẩn chứng nhận nguồn gốc cho gỗ (FSC).
Theo các chuyên gia, tuy Việt Nam là nước đứng thứ 4 trên thế giới về xuất khẩu cao su nhưng vẫn đang phải đối mặt với một số áp lực để đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu cho các sản phẩm cao su thiên nhiên.
Bởi vậy, các công ty cao su Việt Nam vẫn cần nỗ lực hơn nữa để đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn để mở rộng thị trường xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục