Xuất khẩu điện hạt nhân: Rủi ro đối với Nhật Bản

05:30' - 04/01/2018
BNEWS Một số hiệp định liên quan đến hạt nhân chỉ ra những rủi ro mà Nhật Bản phải đối mặt như tranh cãi về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân hay các thảm họa môi trường tiềm ẩn.
Lò phản ứng số 3 và số 4 tại Nhà máy điện Takahama, ngày 28/3. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Tạp chí The Diplomat gần đây có bài viết với tựa đề “Xuất khẩu điện hạt nhân của Nhật Bản: Rủi ro đối với các doanh nghiệp.

Sự kiện Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện vào tháng 10 vừa qua đã khiến dư luận tập trung vào các cuộc tranh luận về việc thay đổi Hiến pháp. Điều này làm cho một vấn đề tranh cãi lớn khác là điện hạt nhân không còn được chú ý, dù đây là nội dung rất quan trọng.

Năm 2012, thời điểm dư luận phản đối điện hạt nhân một cách kịch liệt nhất sau sự cố tại Fukushima, ông Abe đã quay trở lại nắm quyền lực với chính sách xuất khẩu điện hạt nhân, một trong những trụ cột của kinh tế Nhật Bản.

Việc thúc đẩy xuất khẩu điện hạt nhân như một biện pháp giải quyết thâm hụt thương mại. Trong bối cảnh Nhật Bản đình chỉ toàn bộ các lò phản ứng điện hạt nhân, nhìn từ khía cạnh an ninh nội địa, chính phủ của ông Abe sẽ phải đối mặt với một số rủi ro về chính trị, tài chính và chiến lược khi triển khai chính sách này.

Xuất khẩu điện hạt nhân đóng góp đáng kể vào việc theo đuổi các mục tiêu kinh tế và chính trị của Nhật Bản ở nước ngoài, giúp Tokyo tăng cường các mối quan hệ song phương quan trọng và mở ra cơ hội đầu tư vào các nền kinh tế mới nổi.

Dù vậy, một số hiệp định liên quan đến hạt nhân lại chỉ ra những rủi ro mà Nhật Bản phải đối mặt như tranh cãi về vấn đề phổ biến vũ khí hạt nhân hay các thảm họa môi trường tiềm ẩn, trong khi những lợi ích tài chính lâu dài của việc đầu tư này chưa được rõ ràng.

Hơn nữa, một số nhà phân tích cho rằng "dị ứng hạt nhân", một "căn bệnh mãn tính" của xã hội Nhật Bản, kèm theo các nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân sẽ gây ra sức ép cả trong lẫn ngoài nước đối với chương trình xuất khẩu hạt nhân của Nhật Bản. Tokyo đã bị chỉ trích vì làm thụt lùi các nỗ lực chống vũ khí hạt nhân trong quá khứ.

Việc Nhật Bản đã bỏ qua nội dung đề cập tới một hiệp định cấm các khả năng tạo ra vũ khí hạt nhân trong phiên vận động phi hạt nhân hóa thường niên của Liên hợp quốc (LHQ) là dấu hiệu cho thấy nước này sẽ kiên trì xuất khấu điện hạt nhân bất chấp vô số rủi ro đối với danh tiếng quốc tế và an ninh toàn cầu nói chung.

Các thỏa thuận hạt nhân dân sự gần đây với Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã giúp Nhật Bản thu được những lợi ích kinh tế và tăng cường quan hệ song phương. Tokyo đã ký thỏa thuận xuất khẩu hạt nhân đầu tiên sau khủng hoảng Fukushima với Ankara hồi năm 2013. Thỏa thuận xây dựng tổ hợp lò phản ứng điện hạt nhân thứ hai tại Sinop bên bờ Biển Đen trị giá 22 tỷ USD.

Thổ Nhĩ Kỳ đã chọn Nhật Bản với mong muốn phát triển nguồn năng lượng ổn định cho đất nước và tìm kiếm các giải pháp an toàn cho điện hạt nhân khi nước này thường xuyên xảy ra động đất.

Về phía Nhật Bản, thỏa thuận đã giúp quảng bá công nghệ điện hạt nhân của nước này và thúc đẩy triển vọng đầu tư ở Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi thỏa thuận chính thức có hiệu lực vào năm 2015, Nhật Bản và Thổ Nhĩ Kỳ đã nâng quan hệ lên "đối tác chiến lược".

Tiếp sau Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản đã ký một thỏa thuận hạt nhân dân sự với Ấn Độ. Thỏa thuận đã góp phần giúp Tokyo tăng cường quan hệ với New Dehli, cùng chia sẻ "các mối quan tâm đối với chính trị, kinh tế, và chiến lược", đặc biệt là nỗ lực nhằm chống lại ảnh hưởng kinh tế xã hội của Trung Quốc trong khu vực.

Thực tế, các dự án hợp tác kinh tế, cơ sở hạ tầng mang tính lâu dài ngoài việc tạo ra các lợi ích chung còn mở ra cơ hội đầu tư cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Dù đạt được những lợi ích như trên, song hai thỏa thuận hạt nhân dân sự với Ankara và New Dehli đều dẫn đến những rủi ro đáng kể đối với Tokyo. Những trận động đất lớn nhất tại Thổ Nhĩ Kỳ thường xảy ra gần khu vực Sinop.

Các đánh giá về an toàn địa chấn do những công ty nghiên cứu của Chính phủ Nhật Bản đưa ra là đáng nghi ngờ. Nghị viện châu Âu kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ từ bỏ việc xây dựng một lò phản ứng tại Akkuyu do quan ngại một thảm họa nghiêm trọng về môi trường có thể xảy ra.

Những quan ngại này cũng nhắm đến khu vực Sinop. Nếu thảm họa xảy ra, Tokyo sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi phức tạp về luân lý và đạo đức, uy tín công nghệ hạt nhân của Nhật Bản cũng sẽ mất hoàn toàn.

Trong khi đó, Ấn Độ - nước không tham gia Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân - sẽ khó có thể khẳng định được rằng họ không sử dụng công nghệ hạt nhân của Nhật Bản để sản xuất vũ khí. Thỏa thuận hạt nhân với Ấn Độ đã bị chỉ trích không tuân thủ nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân của Nhật Bản. Bên cạnh đó, một thỏa thuận dự kiến trong tương lai với Saudi Arabia về hạt nhân dân sự lại một lần nữa tiếp tục làm cho Tokyo đi ngược lại nguyên tắc trên.

Sáng kiến tầm nhìn đến năm 2030 giữa Nhật Bản và Saudi Arabia hướng tới sự hợp tác về kinh tế và năng lượng. Trong bối cảnh Riyadh đang mâu thuẫn với Tehran về tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân, Saudi Arabia có tiềm năng trở thành đối tác hạt nhân thứ ba của Nhật Bản sau Thổ Nhĩ Kỳ và Ấn Độ.

Nếu Nhật Bản và Saudi Arabia đạt được một thỏa thuận hạt nhân, hai hậu quả lớn sẽ xảy ra, đó là nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm hạn chế tham vọng hạt nhân của Iran trở nên vô nghĩa và Tokyo cũng khó có thể khôi phục quan hệ với Tehran để đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.

Lợi ích kinh tế lâu dài của chính sách xuất khẩu hạt nhân cũng không được rõ ràng. Các công ty Nhật Bản đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt trong việc giành các hợp đồng xây dựng từ những đối thủ của Trung Quốc, Nga, Pháp và Hàn Quốc.

Hơn nữa, những rủi ro về tài chính có thể xảy ra, như trường hợp một công ty con của Toshiba là Westinghouse. Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Mỹ của Westinghouse đã bị đình chỉ, gây ra một khoản lỗ lớn khiến Toshiba bên bờ vực phá sản. Các thỏa thuận về điện hạt nhân cũng dễ bị hủy bỏ.

Nếu không xuất phát từ nhu cầu trong nước, nhiều công ty liên quan đến lĩnh vực điện hạt nhân sẽ phải đối mặt với rủi ro tài chính trong bối cảnh thị trường điện hạt nhân ngoài nước ngày càng thu hẹp.

Xét từ bất cứ khía cạnh nào cũng có thể thấy rõ những rủi ro lớn khi Chính phủ của ông Abe kiên trì theo đuổi mục tiêu xuất khẩu hạt nhân. Tuy nhiên, trong tương lai gần, trước nhu cầu năng lượng của thế giới gia tăng và lợi ích kinh tế, ngoại giao trước mắt, Nhật Bản sẽ tiếp tục kiên trì chính sách này.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục