Xuất khẩu hồ tiêu: Giảm khối lượng nhưng tăng mạnh về giá trị

16:36' - 05/03/2024
BNEWS Trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 35.000 tấn với giá trị 143 triệu USD, giảm 12,3% về khối lượng nhưng tăng 12,9% về giá trị.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 35.000 tấn với giá trị 143 triệu USD, giảm 12,3% về khối lượng nhưng tăng 12,9% về giá trị.

Thị trường tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ với tỷ trọng 29%, tiếp đến là Ấn Độ 8%, Đức 6%...

Tính chung 2 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam ước đạt mức 4.041 USD/tấn, tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng cũng khiến cho giá hồ tiêu trong nước liên tục tăng. Đặc biệt, giá hồ tiêu liên tục bứt phá từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2024.

 
Ở trong nước, thị trường hồ tiêu ngày 5/3 tăng 500 đồng/kg ở vài nơi so với hôm qua. Hồ tiêu được giao dịch từ 93.000 - 96.000 đồng/kg tùy địa phương.

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) cho biết, nguyên nhân chính khiến giá hồ tiêu tăng cao đó là yếu tố cung cầu. Sự tác động lớn nhất khiến giá hồ tiêu tăng nhanh do đang bắt đầu vào vụ thu hoạch nên khối lượng chưa được nhiều.

Trong khi đó, giới đầu cơ trong nước đang tập trung mua nhiều, vì họ đoán định rằng hồ tiêu sẽ bắt đầu vào chu kỳ tăng giá trong nhiều năm (thường kéo dài 10 năm).

Cùng đó, người trồng hồ tiêu không có áp lực bán ra lớn, bởi đa số những người trồng hồ tiêu hiện nay đều đã trồng thêm sầu riêng, cà phê hoặc có những thu nhập khác.

Ngoài ra, nhu cầu tăng của các thị trường khác nhau như Mỹ, EU, châu Á và châu Phi đối với các đơn hàng giao ngay trong quý I/2024 cũng là một trong những nguyên nhân thúc đẩy giá hồ tiêu tăng mạnh.

Theo các chuyên gia, với giá hồ tiêu tăng cao như hiện nay khiến các doanh nghiệp gặp khó trong vấn đề xuất khẩu, nhất là các đơn hàng đã ký trước đó.

Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) dự báo sản lượng hồ tiêu năm 2024 của Việt Nam sẽ giảm khoảng 10 - 15% xuống còn 160.000 - 170.000 tấn.

Trong những nước có sản lượng hồ tiêu lớn, Brazil đã qua mùa thu hoạch, Việt Nam đã bước vào mùa thu hoạch, trong khi chính vụ của Indonesia và Malaysia vào tháng 7 hàng năm. Trong khi nguồn cung từ các nước Indonesia, Brazil, Malaysia, Campuchia không bù đắp đủ cho lượng giảm xuất khẩu của Việt Nam sẽ đẩy giá hồ tiêu tăng nóng ngay từ đầu vụ. Dự báo thị trường hồ tiêu toàn cầu sẽ diễn ra sôi động.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, sau Tết Nguyên đán, là thời điểm các thương lái Trung Quốc gia tăng sức mua hồ tiêu trên thị trường, nhất là đầu quý II hàng năm. Các thị trường khác cũng sẽ bắt đầu tăng mua trở lại, làm cho lượng hàng tồn kho tiếp tục giảm, điều này tiếp tục hỗ trợ cho giá tiêu trong nước.

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo giá hồ tiêu toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng trong quý I/2024 do sản lượng tiếp tục giảm ở các nước sản xuất chính. Điều kiện thời tiết bất lợi do hiện tượng El Nino gây ra đang ảnh hưởng đến năng suất và thu hoạch hạt tiêu.

Nhìn lại lịch sử thị trường hồ tiêu đã trải qua nhiều chu kỳ lên xuống giá và chu kỳ gần nhất cho thấy, chu kỳ lên giá của hồ tiêu thường kéo dài từ 8 - 10 năm và dự báo giá sẽ lên tới đỉnh và sẽ cao hơn của chu kỳ trước (năm 2015, hồ tiêu đạt đỉnh với giá hơn 250.000 đồng/kg), ông Hoàng Phước Bính nhận định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục