Xuất khẩu lương thực thực phẩm ít hưởng lợi từ TPP

18:00' - 08/08/2016
BNEWS Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), không mang lại cơ hội cho xuất khẩu lương thực thực phẩm Việt Nam tăng nhiều, trong khi nhập khẩu sẽ tăng mạnh.
Xuất khẩu lương thực thực phẩm ít hưởng lợi từ TPP. Ảnh: TTXVN

Đây là thông tin được khẳng định tại hội thảo "Cơ hội và thách thức đối với ngành chế biến lương thực thực phẩm" do Sở Công Thương và Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh tổ chức ngày 8/8.

Hiện nay, Việt Nam có thặng dư thương mại khoảng 3,3 tỷ USD trong lĩnh vực lương thực thực phẩm đối với các quốc gia trong khối TPP.

Trong đó, phần lớn các sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam đều có thuế suất nhập khẩu vào khối TPP thấp, gồm thủy sản, cà phê... do đó TPP không ảnh hưởng nhiều đến xuất khẩu các mặt hàng này.

Mặt khác, các mặt hàng Việt Nam có thể hưởng lợi từ giảm thuế nhập khẩu vào khối TPP là gạo, rau củ, quả... nhưng các mặt hàng này có kim ngạch xuất khẩu thấp.

Tại Tp. Hồ Chí Minh, đa số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong ngành lương thực thực phẩm chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất hạn chế về quy mô vốn và công nghệ.

Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm chủ động tìm hiểu và chuẩn bị cho hội nhập kinh tế chiếm tỷ lệ ít so với tổng số doanh nghiệp trên địa bàn.

Vì vậy, doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của các thị trường xuất khẩu cũng như tiêu chuẩn để được hưởng ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do (FTA) còn rất hạn chế.

Tiến sỹ Dương Như Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật Tp. Hồ Chí Minh cho biết, TPP sẽ mở rộng thị trường, dẫn đến cạnh tranh theo quy mô, thương hiệu và nhà phân phối giữ vai trò quan trọng.

Đặc biệt, đối với lĩnh vực lương thực thực phẩm đòi hỏi đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cao, kiểm soát nguyên vật liệu đầu vào và quy trình sản xuất.

TPP mang lại quyền lợi tự do thương mại cho các nước thành viên nhưng yêu cầu chặt chẽ về xuất xứ sản phẩm.

Để vượt qua những thách thức hội nhập kinh tế, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh cho rằng doanh nghiệp Việt Nam phải có những bước chuẩn bị, chủ động thay đổi để phát triển và hội nhập khi TPP có hiệu lực.

Điển hình, doanh nghiệp lương thực thực phẩm cần tận dụng ưu đãi từ các FTA đã ký kết để nhập khẩu máy móc, công nghệ hiện đại và đa dạng nguồn nguyên vật liệu để cắt giảm chi phí đầu vào, đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành cạnh tranh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục