Xuất khẩu nỗ lực vượt cơn gió ngược

18:59' - 09/04/2025
BNEWS Sau khi đạt kim ngạch xuất khẩu gần 103 tỷ USD trong quý I/2025, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái thì đầu quý II, xuất khẩu đã phải đối diện với khó khăn khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối ứng tới 46%.

Để duy trì đà tăng trưởng cho xuất khẩu, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Cần có cả biện pháp tổng thể, chiến lược và cả giải pháp cụ thể, có trọng điểm và diện rộng; thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Tô Lâm. Coi đây là cơ hội để phấn đấu, vươn mình, vượt lên góp phần cơ cấu lại nền kinh tế, cơ cấu lại thị trường, sản xuất và xuất khẩu”.

Những gam màu sáng

Theo Bộ Công Thương, cùng với sự cải thiện trong hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của nước ta tiếp tục được đẩy mạnh. Cụ thể, quý I/2025, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 202,5 tỷ USD, ước tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Trong số đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 102,8 tỷ USD, ước tăng 10,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 99,68 tỷ USD, ước tăng 17% so với cùng kỳ năm 2024 và cao hơn tăng trưởng của kim ngạch xuất khẩu cho thấy hoạt động sản xuất trong nước đang khởi sắc với nhu cầu nguyên liệu, linh kiện, máy móc phục vụ cho sản xuất và xuất khẩu tăng mạnh. Cán cân thương mại 3 tháng đầu năm 2025 tiếp tục duy trì trạng thái thặng dư, ước xuất siêu 3,15 tỷ USD.

Nhận định từ các chuyên gia, nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn đang duy trì xu hướng tích cực với tăng trưởng tháng sau cao hơn tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng ước đạt 10,6% trong quý I/2025 vẫn thấp hơn so với mục tiêu tăng trưởng 12% đặt ra cho cả năm 2025 nhưng cao hơn kịch bản của ngành công thương xây dựng tương ứng với tăng trưởng kinh tế 8% trở lên (kịch bản quý I/2025 tăng 7,9%).

Thế nhưng, các chuyên gia cũng chỉ ra rằng: Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu trong quý II có thể gặp nhiều khó khăn hơn khi Chính quyền Hoa Kỳ mới đây công bố mức thuế quan đối ứng áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam ở mức cao tới 46% kể từ ngày 9/4/2025. Hơn nữa, Hoa Kỳ là thị trường chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là lợi thế nhưng cũng là điểm yếu trong hoạt động xuất khẩu của nước ta. Nhìn vào các mức thuế quan mà Hoa Kỳ công bố, mức thuế xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ cao hơn so với đối thủ cạnh tranh 10 - 20%. Điều này sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ.

Thông tin về việc Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài cho biết điều này có thể gây tác động đáng kể và đa chiều đến hoạt động xuất khẩu tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới. Bên cạnh đó, động thái này tạo ra tác động không tốt đối với hoạt động xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, ảnh hưởng đến phát triển của một một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút đầu tư FDI, đầu tư trong nước, cũng như liên quan đến dịch vụ, việc làm của lao động trong nước.

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực như máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác; dệt may, da giày…; phần sản phẩm xuất khẩu vào Hoa Kỳ thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo đối mặt nguy cơ giảm kim ngạch xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Lam - Giám đốc điều hành Công ty CP Lâm Việt chia sẻ: Hiện tại, Hoa Kỳ đang chiếm 50% doanh thu của công ty. Về chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump, doanh nghiệp rất tin tưởng và kỳ vọng vào sự đàm phán của Chính phủ.

Công ty cũng đã nhận đơn hàng đến hết tháng 9; trong đó, có khách hàng đến hết quý II, có khách hàng đến hết quý III/2025. Đặc biệt, công ty đã đàm phán với đối tác khách hàng và thống nhất rủi ro sẽ cùng chia sẻ. Tuy nhiên, công ty đang hướng đến xuất khẩu trực tuyến, bớt khâu trung gian. Dự kiến, trong tháng 4 này, sẽ có 3 container hàng được xuất khẩu và thử bán trên sàn thương mại điện tử Amazon.

Ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và các biến động kinh tế - chính trị quốc tế ngày càng phức tạp, việc chủ động khai phá các thị trường mới nổi, thị trường ngách hoặc các thị trường thay thế là yêu cầu cấp thiết. Đây là hướng đi không chỉ nhằm đa dạng hóa thị trường, mà còn giúp chúng ta tăng cường tính bền vững cho kim ngạch xuất khẩu, giảm lệ thuộc vào một vài thị trường trọng điểm.

“Cục Xúc tiến thương mại đặc biệt chú trọng tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết. Bởi, vệc khai thác hiệu quả các FTA không chỉ là câu chuyện về giảm thuế mà còn là nâng cao chất lượng sản phẩm, quy chuẩn hóa và tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo tiêu chuẩn quốc tế”, ông Lê Hoàng Tài nhấn mạnh.

Đối diện thách thức

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) cho rằng: Việc phải chịu thuế đối ứng từ Hoa Kỳ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do đã ký kết hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỷ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, châu Phi… nhằm giảm phụ thuộc vào thị trường Hoa Kỳ trong dài hạn.

“Doanh nghiệp xuất khẩu cần tận dụng thế mạnh sẵn có, đó là 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương. Bộ Công Thương sẽ mở rộng hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tốt hơn về kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu”, ông Tạ Hoàng Linh nhấn mạnh.

Nhấn mạnh về giải pháp mở rộng thị trường xuất khẩu, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Để đạt được mục tiêu này, vai trò của Bộ Công Thương rất quan trọng trong việc tìm kiếm, nắm bắt thông tin thị trường thông qua các thương vụ, đại sứ quán, trước hết là các thị trường ký FTA. Bởi, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng cơ hội từ FTA đã có nhưng hiệu quả chưa cao. Đồng thời, Bộ Công Thương cần xúc tiến tìm kiếm thị trường mới, đa dạng hóa hoạt động xuất khẩu, tránh quá tập trung vào một số ít thị trường. Việc này giúp doanh nghiệp tránh được những cú sốc khi Hoa Kỳ thay đổi trong chính sách hay trục trặc trong nền kinh tế.

Nhìn từ góc độ ngành hàng, doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho hay: Để duy trì thương mại bền vững, phải tính toán lại cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Riêng ngành dệt may có thể gia tăng sử dụng bông nhập khẩu từ để giảm cán cân thương mại, đồng thời đáp ứng yêu cầu nguồn gốc xuất xứ khi xuất khẩu hàng sang Hoa Kỳ.

Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG bày tỏ: TNG không có quá nhiều lo ngại bởi đã làm việc với tất cả các khách hàng tại Hoa Kỳ đang nhập hàng của TNG và đều trả lời rằng vẫn tiếp tục mua hàng. Tính đến thời điểm đơn hàng đến tháng 7/2025, TNG đạt 26%, nếu có tăng cùng lắm lên 30%. Đặc biệt, TNG chủ trương các thị trường đều không quá 30% thị phần, phân bổ đều, tránh rủi ro khi thị trường đó bị biến động.

"Trước đây, TNG đã có một chi nhánh và sẽ thêm một chi nhánh nữa tại thị trường này. Thị phần tại thị trường Nga đang chiếm 9-10%. Công ty đang tập trung nâng tỷ trọng ở thị trường Nga và EU", ông Nguyễn Văn Thời bày tỏ.

Theo Thứ trưởng Trương Thanh Hoài, thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức nên các bộ, ngành sẽ phối hợp chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư kinh doanh tại Việt Nam thực hiện hiệu quả giải pháp đề ra nhằm đạt được sự tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025.

Để giảm thiểu rủi ro từ các biến động thương mại quốc tế, Thứ trưởng khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp. Hơn nữa, trên cơ sở FTA đã có, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu như khai thác hiệu quả thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.

Mặt khác, đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, chú trọng trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại; tăng năng lực phòng vệ thương mại, nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thường xuyên thông tin và tham gia khóa đào tạo liên quan.

“Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước những biến động của thương mại quốc tế và duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp Việt Nam trong nỗ lực xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và nghiên cứu mở rộng thêm thị trường xuất khẩu tiềm năng”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài khẳng định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục