Xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đang phụ thuộc khối FDI

09:41' - 16/02/2021
BNEWS Theo Bộ Công Thương, ước tính tháng 1/2021, cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD; trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài FDI (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.

Theo báo cáo từ Bộ Công Thương mới đây, ước tính tháng 1/2021, cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD; trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 3,1 tỷ USD.

Điều này cho thấy động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Bộ Công Thương cho hay, đầu năm nay, sản xuất công nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số ngày làm việc của tháng 1/2021 nhiều hơn năm trước.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 1/2021 giảm 3,2% so với tháng trước và tăng 22,2% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 27,2%, đóng góp 21,6 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp chế biến ước đạt 23,96 tỷ USD, tăng 1% so với tháng 12/2020 và tăng 54,5% so với cùng kỳ, chiếm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong đó, kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong tháng 1/2021, đạt 5,8 tỷ USD, tăng khá mạnh 25,9% so với tháng 12/2020.

Xuất khẩu mặt hàng này tăng mạnh do hãng Samsung cho ra mắt bộ ba sản phẩm mới là Samsung Galaxy S21, Samsung Galaxy S21 Plus và Samsung Galaxy S21 Ultra. Đây được xem là những chiếc điện thoại cao cấp Android mở màn cho làng công nghệ trong năm mới 2021.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, Việt Nam đã vươn lên trở thành một trong những quốc gia có nền công nghiệp thuộc vào nhóm các quốc gia có năng lực cạnh tranh toàn cầu ở mức trung bình cao.

Đến nay, Việt Nam đã hình thành được một số ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế như: Khai thác, chế biến dầu khí; điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin; luyện kim, sắt thép; dệt may, da giày;..., tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn, cũng như thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, công nghiệp hóa đất nước.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, sản xuất công nghiệp của Việt Nam hiện nay nhìn chung vẫn đang tập trung chủ yếu vào các hoạt động sản xuất ở công đoạn cuối cùng, đem lại giá trị gia tăng thấp; cùng đó là sự phát triển thiếu đồng bộ, thiếu kết nối giữa các mắt xích trong nội ngành và giữa các ngành công nghiệp dẫn tới sự phát triển thiếu tính bền vững.

Điều này khiến động lực trong sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp của Việt Nam hiện nay vẫn đang chủ yếu được thúc đẩy bởi khu vực FDI, chiếm xấp xỉ 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Đây là hệ quả của mối liên kết yếu giữa doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước trong chuỗi cung ứng, cho thấy năng lực cạnh tranh còn hạn chế của các doanh nghiệp trong nước để có thể tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Đào Phan Long, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam, việc chưa tham gia được sâu và rộng vào chuỗi giá trị toàn cầu cho thấy năng suất thấp và khả năng cạnh tranh còn yếu của khu vực kinh tế trong nước.

Các doanh nghiệp trong nước đa phần quy mô nhỏ và siêu nhỏ (chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế), có trình độ công nghệ không cao, năng lực tài chính hạn chế, khả năng tích tụ và đầu tư đổi mới công nghệ thấp, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao...

Trong khi đó, các doanh nghiệp quy mô vừa và lớn của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất nhỏ (khoảng 2%), chưa thực sự đóng vai trò dẫn dắt cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong việc liên kết chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, ông Long nhận định. 

Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Đức Cường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại Hikari Việt Nam, ngoài việc thiếu tính liên kết thì chi phí thương mại của Việt Nam vẫn đang còn ở mức cao, cao hơn mức trung bình của ASEAN về chi phí logistics, chi phí tuân thủ các quy định tại cửa khẩu và sau khi thông quan.

Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp tác động tới chi phí giá thành của sản phẩm và ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam chưa thực sự hinh thành các cụm công nghiệp chuyên môn hóa để phát triển liên kết các doanh nghiệp theo chuỗi sản xuất, giúp giảm chi phí và nâng cao khả năng tham gia chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu của doanh nghiệp Việt.

Để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định thương mại để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới; ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.

Ngoài ra, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của 2 Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam.

Hiện 2 Trung tâm này đã có các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp cơ khí tại một số địa phương trên cả nước như hỗ trợ đào tạo hệ thống quản trị sản xuất, hệ thống quản lý kinh doanh; nâng cao năng lực đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Các Trung tâm đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn này.

Bộ cũng tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp hạ nguồn; trong đó có một số ngành như công nghiệp năng lượng, các ngành công nghiệp về cơ khí chính xác cũng như một số ngành cơ khí chế tạo để đảm bảo cho công nghiệp hỗ trợ có điều kiện phát triển./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục