Xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó vì hàng loạt quy định mới 

11:13' - 19/12/2021
BNEWS Bất chấp sự phản đối của hàng loạt quốc gia trên thế giới, từ ngày 1/1/2022, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc.

Xuất khẩu nông sản, thủy sản và các mặt hàng thực phẩm, đồ uống vào Trung Quốc sắp tới sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì hàng loạt quy định, tiêu chuẩn mới được Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GAC) ban hành để áp dụng từ đầu năm 2022.

Đáng chú ý, "cánh cửa" xuất khẩu tiểu ngạch qua đường biên mậu sẽ khép lại, các doanh nghiệp phải xây dựng tiêu chuẩn, thay đổi cách thức sản xuất để đáp ứng các yêu cầu mới có thể tiếp tục xuất khẩu ổn định sang thị trường đông dân nhất thế giới này.

Quy định khắc nghiệt

Bất chấp sự phản đối của hàng loạt quốc gia trên thế giới, từ ngày 1/1/2022, Trung Quốc chính thức áp dụng Lệnh 248 (Quy định Đăng ký doanh nghiệp nhập khẩu thực phẩm) và Lệnh 249 (Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm nhập khẩu).

Theo đó, toàn bộ doanh nghiệp nước ngoài sản xuất thực phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc đều phải đăng ký với Hải quan Trung Quốc và cơ quan này cũng yêu cầu các mặt hàng thực phẩm, trong đó có nông sản, nhập khẩu vào nước này sẽ phải đáp ứng quy định mới về đăng ký, kiểm tra và dán nhãn.

Cuối tháng 10 vừa qua, các quan chức ngoại giao từ nhiều nền kinh tế, trong đó có Mỹ, Anh, Nhật Bản, Australia, Canada, Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sỹ đã gửi thư cho Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Trung Quốc Nghê Nhạc Phong bày tỏ quan ngại và phản đối quy định này.

Họ yêu cầu Trung Quốc trì hoãn áp dụng biện pháp trên trong ít nhất 18 tháng để tránh gây thêm gián đoạn cho chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang rất căng thẳng do tác động của đại dịch. Các nhà ngoại giao này cho rằng Trung Quốc không đưa ra những hướng dẫn rõ ràng về cách thực hiện quy định mới.

Họ lo ngại nguy cơ hàng hóa bị ùn ứ, đình trệ vào phút chót, làm trầm trọng hơn tình trạng tắc nghẽn nguồn cung hàng hóa toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc cho biết động thái này sẽ giúp tạo ra một “hệ thống quản lý vệ sinh và an toàn thực phẩm hiệu quả” và đảm bảo rằng thực phẩm nhập khẩu đáp ứng các quy định quốc gia và tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.

GAC đã không giải thích nhiều về lý do tại sao tất cả các loại thực phẩm, ngay cả những thực phẩm được coi là có nguy cơ thấp như rượu vang, bột mì và dầu ô liu, đều bị yêu cầu tuân thủ các quy định mới này.

Mặc dù các quy định mới được GAC thông báo từ hồi tháng Tư năm nay, song các hướng dẫn chi tiết về quy trình lấy mã đăng ký theo quy định mới chỉ được GAC ban hành vào tháng 10 và trang web để các công ty nước ngoài tự đăng ký mới đi vào hoạt động từ tháng 11, một tháng trước hạn chót. Các chi tiết rõ hơn nữa về việc này hiện vẫn rất ít.

Bởi vậy, nhiều nhà sản xuất đang phải “chật vật” để “chạy cho kịp” với thời hạn trên. Hạt cà phê chưa rang, dầu ăn, ngũ cốc và các loại hạt đã xay xát nằm trong số 14 danh mục hàng hóa mới bị hải quan Trung Quốc coi là có “rủi ro cao”, nghĩa là chúng phải được các nước xuất khẩu đăng ký vào cuối tháng 10.

Các nhà sản xuất nhóm thực phẩm và đồ uống “rủi ro thấp” có thể tự đăng ký thông qua một trang web, song họ chỉ có vài tuần để hoàn tất thủ tục đăng ký bán hàng tại Trung Quốc trước khi quy định mới được thực thi. Hiện chưa rõ Trung Quốc sẽ xử lý thế nào với những hàng hóa tới nước này mà chưa có mã đăng ký bắt buộc được dán trên bao bì.

Andy Anderson, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại nông nghiệp khu vực phía Tây nước Mỹ (WUSATA), phát biểu: Chúng tôi chưa từng gặp bất cứ quy định nào khắc nghiệt như lần này”. Đại diện của tổ chức chuyên xúc tiến xuất khẩu thực phẩm của Mỹ đã mô tả các quy định này là “hàng rào thương mại phi thuế quan”.

Nhiều nhà phân tích cho rằng, rượu whisky của Ireland và rượu Bourbon của Mỹ có thể nằm trong số những loại hàng hóa bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi quy định mới này.

Thích ứng với những thay đổi

Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu thực phẩm lớn thứ sáu trên thế giới. Các chuyên gia cho rằng, các quy định trên là nỗ lực nhằm giám sát tốt hơn lượng lớn thực phẩm nhập khẩu vào Trung Quốc, đồng thời đặt trách nhiệm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhà sản xuất, thay vì cơ quan quản lý nước này.

Trung Quốc đã cố gắng áp dụng các quy định kiểm soát thực phẩm nhập khẩu này từ nhiều năm qua, nhưng vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của các nước. Tháng 9/2017, EU đã khiếu nại quyết định này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Kết quả là Trung Quốc đã dời ngày thực hiện các quy định mới từ 1/10/2017 đến 30/9/2019. Hạn chót lại dời một lần nữa đến đầu năm 2022. Tuy nhiên, các quy định lại càng thêm phiền phức khi kèm theo các điều kiện mới của chính sách “zero COVID” của Trung Quốc.

Vào thời điểm này, thông tin mà các bên nhận được từ nhà chức trách Trung Quốc là sẽ không có bất cứ giai đoạn ân hạn hay miễn trừ nào nữa. GAC cho biết họ "đã cân nhắc đầy đủ, tích cực chấp nhận các đề xuất hợp lý" và tuân thủ nghiêm ngặt các thỏa thuận của WTO về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng thời khẳng định đã trả lời thắc mắc của các doanh nghiệp.

Trước tình hình này, ông Ngô Xuân Nam, Phó giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), kiến nghị các doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức, cách tiếp cận trong việc xuất khẩu nông sản.

Đặc biệt, phải chuẩn bị tốt các điều kiện về vùng trồng, vùng nuôi, tăng cường các công tác thanh, kiểm tra, đồng thời chủ động nắm bắt thông tin, yêu cầu mới của thị trường Trung Quốc.

Trong khi đó, ông Lê Thanh Hòa, Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, nhấn mạnh: “Những yêu cầu từ phía Trung Quốc đang dần tiệm cận với những nước phát triển. Vì thế, doanh nghiệp cần lưu ý tuân thủ nghiêm ngặt các quy định trong Lệnh 248, 249, tránh bị ngưng trệ việc xuất khẩu”./.

>>Chủ động kế hoạch sản xuất nông sản phù hợp với thị trường Trung Quốc

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục