Xuất khẩu vũ khí của Pháp sang Trung Đông ngày càng tăng mạnh

05:00' - 07/06/2019
BNEWS Do có nền công nghiệp quốc gia vững mạnh, Pháp bán tất cả các loại dụng cụ chiến tranh cho tất cả các khu vực, trong đó 50% xuất sang các nước Trung Đông.
Máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ tại Triển lãm hàng không quốc tế Paris, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo cáo thường niên của Chính phủ Pháp vừa được trình tại Quốc hội nước này, kim ngạch xuất khẩu vũ khí của Pháp trong năm 2018 tăng 30% so với năm 2017, đạt 9,1 tỷ euro.

Trong năm 2018, 50% đơn hàng đến từ các quốc gia Trung Đông và 15% từ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, báo cáo không tiết lộ chi tiết các loại vũ khí theo đơn đặt hàng hay loại vũ khi được Pháp bàn giao cho khách hàng trong năm ngoái.

Việc sắp xếp thứ hạng khách hàng trong một năm được dựa vào các hợp đồng mua bán vũ khí có giá trị lớn (trên 200 triệu euro) được ký kết với các đối tác.

Chẳng hạn, trong bảng tổng hợp khách hàng của Pháp giai đoạn 2009-2018, Ấn Độ đứng vị trí số một nhờ hợp đồng đặt mua 36 chiếc chiến đấu cơ Rafale trị giá 8 tỷ euro, được giao năm 2016.

Xếp ở vị trí thứ hai là Saudi Arabia, quốc gia Trung Đông đã chi 11,3 tỷ euro để mua vũ khí của Pháp chỉ trong 10 năm. Riêng năm 2018, Riyadh đặt hàng gần 1 tỷ euro mua tàu tuần tra của Pháp.

Xếp ở vị trí thứ ba là Qatar, với đơn hàng trị giá 11 tỷ euro. Năm 2018, Qatar là khách hàng lớn nhất của Pháp khi ký đơn hàng đặt mua máy bay trực thăng trị giá 1,5 tỷ euro và máy bay chiến đấu Rafale trị giá 1,1 tỷ euro.

Xếp sau Qatar lần lượt là Ai Cập và Brazil. Từ năm 2009, Ai Cập đã ký với Pháp các hợp đồng mua máy bay chiến đấu Rafale trị giá 7,5 tỷ euro. Trong khi đó, Brazil năm 2009 cũng ký một hợp đồng khổng lồ mua tàu ngầm lớp Scorpene.

Việc một số quốc gia Trung Đông trở thành khách hàng hàng đầu mua vũ khí của Pháp đã làm dấy lên những quan ngại trong cộng đồng quốc tế. Từ nhiều tháng qua, các tổ chức phi chính phủ từng nhiều lần chỉ trích “những kẻ hiếu chiến” sử dụng vũ khí của Pháp để tấn công vào Yemen nay tiếp tục có cơ hội để công kích.

Nhà hoạt động Tony Fortin, thuộc tổ chức “Đài quan sát vũ khí”, nhận xét con số kỷ lục các hợp đồng và những đợt bàn giao vũ khí cho các quốc gia bị cáo buộc gây tội ác chiến tranh (Saudi Arabia) hay quốc gia bị cáo buộc đàn áp công dân của mình (Ai Cập) cho thấy Pháp đang vi phạm các cam kết trong khuôn khổ Hiệp ước Thương mại Vũ khí (ATT).

Còn theo nhà hoạt động Jon Cerezo của tổ chức Oxfam, từ 2015, doanh thu từ xuất khẩu vũ khí của Pháp sang các nước Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã tăng xấp xỉ 6 tỷ euro. Ông Jon Cerezo cho rằng đã đến lúc Pháp cần phải hành động và ngừng ngay việc “đồng lõa” với những quốc gia gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trên thế giới và những đau khổ mà người dân Yemen phải chịu đựng từ hơn bốn năm qua.

Về phần mình, Pháp luôn tìm cách biện minh cho cho lập trường của Paris trong hoạt động xuất khẩu vũ khí. Trả lời phỏng vấn báo giới, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, bà Florence Parly cho biết 3% số lao động trong ngành công nghiệp ở Pháp hiện làm việc trong lĩnh vực sản xuất vũ khí. Theo bà Parly, chính sách xuất khẩu vũ khí cũng rất quan trọng đối với chính sách ngoại giao của Pháp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục