Yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble của Nga làm khó khách hàng châu Âu

14:39' - 25/03/2022
BNEWS Các công ty dịch vụ tiện ích công cộng của Đức hôm 24/3 kêu gọi chính phủ xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt.

Các công ty dịch vụ tiện ích công cộng của Đức hôm 24/3 kêu gọi chính phủ xây dựng một hệ thống cảnh báo sớm để giải quyết tình trạng thiếu khí đốt, sau khi Chính phủ Nga yêu cầu chuyển các khoản thanh toán hợp đồng khí đốt bằng đồng ruble.

Tổng thống Vladimir Putin đã công bố yêu cầu nêu trên hôm 23/3, sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu hợp tác đưa ra một loạt lệnh trừng phạt nhằm vào nước này liên quan đến xung đột tại Ukraine.

 

Trong hơn 50 năm, kể cả trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Nga đã đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt cho Đức, khách hàng lớn nhất của Nga cho loại nhiên liệu này. Nhà xuất khẩu khí đốt chính của Nga, Gazprom, có hơn 40 thỏa thuận dài hạn với các đối tác châu Âu.

Yêu cầu thanh toán bằng đồng ruble của Tổng thống Putin đã làm thị trường thêm lo lắng, đặt ra câu hỏi về cam kết rằng Nga là một nhà cung cấp khí đốt đáng tin cậy bất kể tình hình địa chính trị ra sao.

Giữa bối cảnh như vậy, Hiệp hội tiện ích công của Đức BDEW, bao gồm cả những khách hàng của Gazprom, đã thúc giục chính phủ thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm trong trường hợp Nga ngừng cung cấp khí đốt.

BDEW cho biết Cơ quan quản lý năng lượng quốc gia, Bundesnetzagentur, cần đưa ra các tiêu chí để xác định nguồn cung khí đốt cho các ngành và lĩnh vực, trong khi khách hàng hộ gia đình được bảo vệ theo các quy định hiện hành.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết nước này không cần cơ chế cảnh báo sớm và nguồn cung đã được đảm bảo. Song ông nói thêm rằng vẫn cần theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết các hợp đồng mua năng lượng từ Nga đều đã nêu rõ loại tiền tệ nào sẽ được dùng trong việc thanh toán. Thủ tướng Italy Mario Draghi cũng chia sẻ quan điểm này, nói thêm rằng yêu cầu của ông Putin là hành động vi phạm hợp đồng.

Yêu cầu của Nga khiến các khách hàng châu Âu rơi vào tình thế khó xử: từ chối thanh toán bằng đồng ruble và đối mặt nguy cơ không nhận được khí đốt, hoặc tuân thủ và chịu rủi ro giá cao hơn khi các hợp đồng được đàm phán lại và các giao dịch dài hạn có lợi hơn bị loại bỏ.

Khi được hỏi liệu Mỹ có cho phép các quốc gia châu Âu, những nước không thể sống thiếu khí đốt của Nga, thanh toán bằng đồng ruble mà không vi phạm lệnh trừng phạt hay không, một quan chức Nhà Trắng cho biết chính phủ nước này đang tham khảo ý kiến của các đồng minh.

Tại Ba Lan, công ty năng lượng PGNiG – bên có hợp đồng với Gazprom đến cuối năm nay - cho biết không thể đơn giản chuyển sang thanh toán bằng đồng ruble cho phía Nga. “Gã khổng lồ” năng lượng của Đan Mạch, Orsted cho biết tác động tiềm tàng của động thái này là không rõ ràng.

Công ty cũng có hợp đồng take-or-pay (loại hợp đồng trong đó bên mua chấp nhận trả một khoản phí nhất định cho bên bán dù sau này có quyết định nhận hàng hay không) dài hạn với Gazprom.

Giới quan sát cho rằng các khoản thanh toán bằng đồng ruble sẽ nâng đỡ đồng nội tệ của Nga, vốn đã giảm mạnh kể từ khi căng thẳng với Ukraine trở thành xung đột quân sự vào ngày 24/2. Chỉ riêng trong ngày 23/3, bài phát biểu của ông Putin đã giúp đồng ruble tăng tới 9% so với đồng USD.

Trong khi đó, các nhà phân tích cho biết các nước vẫn có thể thanh toán bằng đồng ruble mà không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU. Vì các lệnh này vốn không ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn cung dầu và khí đốt mà nhắm vào các ngân hàng có thể tham gia vào các giao dịch bằng đồng ruble./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục