Yếu tố chi phối quá trình chuyển đổi năng lượng ở châu Á

05:30' - 15/10/2023
BNEWS Châu Á là nơi có một số nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và các quốc gia trong khu vực đang có mức độ cam kết khác nhau đối với quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Sự phụ thuộc lâu dài của thế giới vào nhiên liệu hóa thạch tiếp tục đặt ra mối lo ngại lớn về môi trường. Trong hội nghị Năng lượng châu Á tổ chức tại Malaysia vào tháng Sáu, Tổng thư ký Haitham Al Ghais của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cho biết, dầu mỏ là mặt hàng không thể thay thế trong tương lai gần. Theo ước tính, nhu cầu dầu toàn cầu sẽ tăng lên 110 triệu thùng/ngày vào năm 2045, chiếm 29% nguồn cung cấp năng lượng.

Ông Datuk Omar Siddiq, Giám đốc điều hành ngân hàng HSBC tại Malaysia, nhận định xu hướng sử dụng năng lượng và gây phát thải khí nhà kính nhiều hơn là quá trình đã diễn ra ở hầu hết các quốc gia phát triển trong những thập kỷ gần đây. Châu Á là nơi có một số nước phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới và các quốc gia trong khu vực đang có mức độ cam kết khác nhau đối với quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Theo ông Omar Siddiq, việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực tài chính để phân bổ nguồn vốn cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng là rất quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính trên quy mô lớn.

Cơ hội của châu Á

Châu Á đang trong quá trình chuyển đổi công nghệ để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng. Với việc áp dụng nhanh chóng các công nghệ phát thải carbon thấp, tốc độ của một số quốc gia trong khu vực đã vượt qua các nền kinh tế tiên tiến trên thế giới.

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Trung Quốc được dự báo sẽ lắp gần một nửa công suất năng lượng tái tạo mới trên toàn cầu từ năm 2022 đến năm 2027. Ấn Độ cũng có mục tiêu lắp đặt 500 GW năng lượng tái tạo vào năm 2030, trong đó 280 GW năng lượng Mặt Trời và 140 GW năng lượng gió. Vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng tích cực thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân vào công nghệ điện gió, trong khi Hàn Quốc đang củng cố vị thế dẫn đầu trong ngành vận tải biển toàn cầu bằng cách đóng tàu chạy bằng methanol.

Mặc dù ngày nay một số công nghệ chuyển đổi năng lượng đã được phổ biến rộng rãi, song điều này chỉ đạt hiệu quả với việc phát triển quy mô lớn và nguồn vốn đầu tư dồi dào nhằm giảm rủi ro khi áp dụng các công nghệ mới.

Tầm quan trọng của ngành tài chính

Ngành tài chính đóng vai trò quan trọng trong việc giảm lượng phát thải nhà kính thông qua thúc đẩy hợp tác với khách hàng, song quá trình này phải đối mặt với nhiều thách thức và cần nhiều thời gian hơn để hiện thực hóa. Điều này có nghĩa là cần có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực tạo ra lượng phát thải cao, qua đó giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch.

Ngành tài chính có thể làm việc, hợp tác với các nhà hoạch định chính sách để giải quyết các thách thức thực sự trong việc phát triển thị trường năng lượng sạch. Tại Malaysia, từ năm 2024, các tổ chức tài chính bắt buộc phải công bố rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu dựa trên Hướng dẫn đăng ký công bố tài chính liên quan đến khí hậu (TCFD). Đây là yếu tố rất quan trọng để tăng cường tính minh bạch của thị trường, giúp các tổ chức tài chính cân nhắc rủi ro và đưa ra quyết định kinh doanh. Hiện, ngân hàng HSBC Amanah là ngân hàng đầu tiên ở Malaysia công bố báo cáo TCFD.

Việc tạo ra một môi trường đầu tư bền vững, đáng tin cậy là rất quan trọng tại Malaysia. Tăng trưởng bền vững chậm lại ở nhiều thị trường mới nổi đã làm giảm niềm tin của nhà đầu tư và làm gia tăng mối lo ngại về rủi ro tín dụng. Các chính phủ cần đưa ra các chính sách hỗ trợ và khung pháp lý cũng như đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Mở rộng huy động vốn thông qua tài chính hỗn hợp

Quan hệ đối tác công-tư có thể đẩy nhanh quá trình đổi mới thông qua các biện pháp thu hút vốn từ khu vực tư nhân để thúc đẩy thương mại, tài trợ cho các dự án có trọng điểm, quan trọng. Quỹ tài chính công không phải là vô hạn, trong khi đó, Malaysia phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng trong việc đáp ứng các mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Do vậy, việc kết hợp các quỹ này với vốn tư nhân là yếu tố quan trọng, có thể thúc đẩy đầu tư trong khu vực tư nhân bằng cách ban hành các khung chính sách nhằm giảm thiểu rủi ro trong phát triển cơ sở hạ tầng và áp dụng công nghệ mới.

Công ty Pentagreen Capital, liên doanh của ngân hàng HSBC và công ty đầu tư toàn cầu Temasek, thuộc sở hữu của chính phủ đang là đối tác cho phát triển cơ sở hạ tầng bền vững với trọng tâm ban đầu là ở khu vực Đông Nam Á. Nền tảng này nhằm mục đích thúc đẩy các dòng vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững, thông qua triển khai tài chính hỗn hợp trên quy mô lớn.

Mô hình Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) cũng là khuôn khổ quan trọng trong việc thu hút vốn từ khu vực công và tư nhân. Trong mô hình JETP tại Indonesia và Việt Nam, HSBC đang đóng vai trò chủ trì, giúp xác định các rào cản đối với đầu tư tư nhân cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể cho từng quốc gia.

Lộ trình chuyển đổi năng lượng quốc gia mà Malaysia công bố vào tháng Bảy vừa qua nhằm mục đích đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng của đất nước, qua đó thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng tái tạo. Điều này mang lại cho khu vực tư nhân một tín hiệu thị trường tích cực để đầu tư vào các dự án trong lĩnh vực này.

Hợp tác để hỗ trợ thách thức và bỏ chặn các rào cản

Trong bối cảnh tính bền vững là một phần cốt lõi trong chiến lược chuyển đổi năng lượng, các tổ chức tài chính cần có kế hoạch cụ thể nhằm đảm bảo khách hàng có sự phù hợp giữa lợi nhuận và mục tiêu giảm phát thải. Các kế hoạch ở cấp quốc gia đã được thực hiện và hiện là thời điểm mà các công ty cần thể hiện vai trò của mình.

Bằng cách hợp tác với các công ty trong lĩnh vực năng lượng, các ngân hàng có thể cung cấp nguồn vốn cần thiết để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình chuyển đổi một cách minh bạch và công bằng, tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng địa phương và củng cố sự phát triển của các doanh nghiệp. Điều này là yếu tố rất quan trọng để nhấn mạnh sự cần thiết phải cân bằng giữa an ninh năng lượng đảm bảo phát triển kinh tế ở châu Á.

Việc hỗ trợ khách hàng bao gồm việc thu hút các công ty tham gia vào các kế hoạch chuyển đổi năng lượng, khuyến khích và hỗ trợ họ áp dụng công nghệ giảm phát thải carbon và đa dạng hóa các mô hình cung cấp năng lượng. Các công ty cần lưu ý đến việc lập kế hoạch chuyển đổi chi tiết, qua đó tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng nhanh chóng hỗ trợ, đầu tư./.                                                                                                                                                                               

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục