Yếu tố nào có thể cản đà tăng giá của đồng USD?

06:30' - 19/12/2021
BNEWS Khó có thể tưởng tượng một điều gì đó sẽ ngăn cản đồng USD tăng giá, tuy nhiên, theo tờ The Economist, có một số lý do cho thấy sức mạnh của đồng USD có thể suy yếu trong năm 2022.

Chỉ số đồng USD (DXY) - chỉ số đo lường giá trị của đồng USD với đồng tiền của các nước phát triển khác - đã tăng gần 7% kể từ đầu năm nay. Chỉ số chung của đồng USD, thước đo đồng USD so với 26 đối tác thương mại của Mỹ, đã tăng rõ rệt kể từ tháng Sáu.
Thật khó để tưởng tượng có điều gì đó sẽ ngăn cản đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, theo tờ The Economist, có một số lý do cho thấy sức mạnh của đồng USD có thể suy yếu trong năm 2022.

Sức mạnh hiện tại của đồng USD gắn liền với kinh tế Mỹ. Chỉ số S&P 500 của Mỹ luôn vượt trội so với thị trường chứng khoán của các quốc gia khác. Nền kinh tế Mỹ đã được chứng minh là một nguồn tăng trưởng đáng tin cậy.
Nền kinh tế này đã phục hồi sau đại dịch mạnh mẽ hơn bất kỳ các nền kinh tế tiên tiến nào khác. Sau một thời gian ngắn bị "hụt hơi" hồi mùa Hè, nền kinh tế hàng đầu thế giới đang thể hiện sức sống mới.
Kết quả là lạm phát ở mức cao. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell đã nói rằng Fed sẽ tiến nhanh hơn trong việc dừng mua trái phiếu, mở đường cho việc tăng lãi suất.
Ở những nơi khác, tình hình ít nóng hơn. Tốc độ tăng trưởng GDP của Trung Quốc chậm lại. Ở châu Âu, một làn sóng COVID-19 nữa bùng phát và dẫn đến một số hạn chế đối với các hoạt động kinh doanh.
Và trong khi chưa biết rõ ràng những tác động đầy đủ của biến thể Omicron, có cảm giác chung rằng đây sẽ là một cơn gió kinh tế ngược lớn hơn đối với các khu vực bên ngoài nước Mỹ.
Một đồng tiền đã theo kịp đồng USD là đồng nhân dân tệ (NDT). Điều này là do dòng tiền đang chảy vào Trung Quốc lớn hơn nhiều dòng tiền thoát ra. Xuất khẩu sang Mỹ mạnh mẽ đã góp phần tạo ra thặng dư thương mại lớn cho Trung Quốc.
Danh mục vốn đầu tư đang tăng lên. Các nhà đầu tư nước ngoài đang mua trái phiếu và cổ phiếu của Trung Quốc. Trong khi đó, dòng tiền chảy ra bên ngoài ít hơn. Chi tiêu ở nước ngoài của du khách Trung Quốc đã không còn nhiều như trước đây do các quy định hạn chế đi lại. 
Tuy nhiên, rủi ro dường như nghiêng về việc đồng NDT giảm so với đồng USD. Trung Quốc đang hướng tới việc thiết lập chính sách tiền tệ nới lỏng hơn, khi các nhà hoạch định chính sách phải vật lộn với khó khăn trong lĩnh vực bất động sản. Việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng có thể là một tín hiệu rằng Bắc Kinh muốn đồng NDT yếu hơn.
Đặt tất cả những điều này lại với nhau, cơ sở để một đồng USD mạnh dường như khá vững chắc. Tuy nhiên, tình hình này dễ thay đổi. Có một khả năng là đồng USD sẽ đạt đỉnh trong những tháng tới và sau đó sẽ suy yếu.
Để kịch bản đó xảy ra, cần phải đáp ứng ba điều kiện. Thứ nhất, khoảng cách tăng trưởng toàn cầu thu hẹp. Nền kinh tế của Mỹ đã phục hồi mạnh và các quốc gia khác rồi cũng sẽ đuổi kịp tốc độ tăng trưởng này. Hiện nay, sự chậm chạp của châu Á bị cho là do Trung Quốc tăng trưởng chậm lại và khu vực này chịu tác động lâu dài của đại dịch.
Châu Âu vẫn chưa thể mở cửa trở lại hoàn toàn. Và các gói kích thích tài chính từ quỹ phục hồi của EU chỉ đang trong quá trình giải ngân. Mỹ có thể vẫn dẫn đầu, nhưng cuộc đua sẽ sít sao hơn.
Điều kiện thứ hai là lạm phát thấp hơn. Giá dầu đã giảm. Có những dấu hiệu cho thấy những “nút thắt cổ chai” trong chuỗi cung ứng đang dần được giải quyết. Các cuộc khảo sát doanh nghiệp tại các trung tâm sản xuất hàng hóa cho thấy có sự cải thiện về thời gian giao hàng. 
Mansoor Mohi-uddin, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Bank of Singapore, cho biết, nếu những tiến triển này khiến lạm phát giảm, Fed có chuyển sang quan điểm ít "diều hâu” hơn - điều kiện thứ ba khiến đồng USD yếu hơn. Thật khó để có quan điểm mềm mỏng với lãi suất khi lạm phát đang ở mức cao như vậy.
Nhưng nếu lạm phát giảm trong năm 2022 và nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, trọng tâm của Fed có thể dễ dàng quay về nhiệm vụ thúc đẩy việc làm. Đến mùa Xuân hoặc đầu mùa Hè, các thị trường có thể thấy họ đang kỳ vọng vào các đợt tăng lãi suất nhiều hơn kế hoạch mà Fed định thực hiện.
Bên cạnh đó, các ngân hàng trung ương khác cũng thực hiện chính sách tiền tệ. Kit Juckes, từ ngân hàng Pháp Société Générale, cho biết nền kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) đang phục hồi có thể dễ dàng kích động Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất. Đây có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với các thị trường tiền tệ.
Đối với những người đầu cơ đồng USD, điều này nghe có vẻ hơi xa vời. Rất nhiều tâm huyết của họ đã đặt vào lạm phát cao và những tác động của nó đối với lãi suất. Nhưng theo chuyên gia Steven Englander của ngân hàng Standard Chartered, lạm phát không phải là lý do tốt cho việc tăng giá một đồng tiền.
Nếu lạm phát ở Mỹ vẫn dai dẳng trong trung hạn, điều đó rõ ràng cũng không có lợi cho đồng USD. Hiện tại, "đồng bạc xanh" là đồng tiền chiến thắng, nhưng vẫn có một số tình huống mà nó có thể trở thành đồng tiền thua cuộc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục