Yếu tố nào khiến thương mại, vận tải và du lịch giảm mạnh trong tháng 8?

12:00' - 30/08/2021
BNEWS 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.044 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%.
Triển khai dịch vụ “đi chợ hộ” qua sàn thương mại điện tử Voso. Ảnh chụp màn hình: BNEWS

Tổng cục Thống kê cho biết, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp trên cả nước, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg nên đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động thương mại, vận tải và du lịch.

Theo đó, trong tháng 8, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, vận tải hành khách ước tính đạt 60,7 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 75,9% so với cùng kỳ năm trước. Còn vận tải hàng hóa ước tính đạt 91,1 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 39,3%. Khách quốc tế đến Việt Nam ước tính đạt 9,3 nghìn lượt người, tăng 24,4% so với tháng trước và giảm 43%.

Như vậy tính chung 8 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 3.044 nghìn tỷ đồng, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2%. Vận tải hành khách đạt 1.926 triệu lượt khách vận chuyển, giảm 18,8%; vận tải hàng hóa đạt 1.069,3 triệu tấn hàng hóa vận chuyển, giảm 3,5%. Khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 105 nghìn lượt người, giảm 97,2% so với cùng kỳ năm trước.

Để thúc đẩy thị trường bán lẻ phát triển trong dịch COVID-19, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các chương trình, biện pháp cụ thể để kích cầu tiêu dùng, phát triển thị trường trong nước hiệu quả, bền vững.

Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các chương trình, giải pháp kích cầu tiêu dùng, phát triển mạnh thị trường trong nước; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu tại địa phương tạo thuận lợi và đáp ứng kịp thời nhu cầu tiêu dùng của người dân.

Bộ Công Thương cũng đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử và các mô hình kinh doanh mới phù hợp với đặc điểm tình hình mới. Hơn nữa, Bộ Công Thương chú trọng phòng chống buôn lâu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Từ đó, góp phần bảo vệ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong nước để thị trường bán lẻ phát triển bền vững trong tình hình mới.

Đối với ngành du lịch, để khắc phục khó khăn trước ảnh hưởng của dịch COVID-19,  ngành du lịch sẽ hoàn thiện chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, ngành đẩy mạnh phát triển du lịch thông minh và chuyển đổi số du lịch; đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về quản lý cơ sở lưu trú du lịch; hoàn thiện đề án phát triển kinh tế đêm, kinh tế chia sẻ; kích cầu du lịch nội địa và chuẩn bị kế hoạch đón khách quốc tế hậu COVID-19…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục