Yếu tố nào kích thích tăng trưởng cho Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn?

09:08' - 17/05/2021
BNEWS Trong khi hệ sinh thái ngành hàng không đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn lội ngược dòng với các chỉ số doanh thu và lợi nhuận tích cực.

Trong khi hệ sinh thái ngành hàng không đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, Công ty cổ phần Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn (Mã chứng khoán: SCS) vẫn lội ngược dòng với các chỉ số doanh thu và lợi nhuận tích cực. Doanh nghiệp này được mong đợi tiếp tục tăng trưởng trong nửa cuối năm 2021 khi nhu cầu vận chuyển hàng hóa không bị gián đoạn như vận chuyển hành khách.

Thực tế, dù nền kinh tế đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng ngành vận tải hàng hoá nói chung và ngành logistics hàng không nói riêng vẫn phát triển mạnh. 

Sản lượng vận chuyển hành không quý I năm 2021 của Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn tăng so với cùng kỳ từ 53.665 tấn lên 56.220 tấn, tương đương mức tăng trưởng 4,8%, kéo theo doanh thu dịch vụ tăng 12,5 tỷ đồng, tương đương tăng 6,8%.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Research and Markets, thị trường vận tải hàng hóa hàng không trong giai đoạn 2020-2025 dự kiến sẽ tăng trưởng do nhiều yếu tố; trong đó nhu cầu vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu khi kinh tế và thương mại thế giới bước vào giai đoạn phục hồi hậu COVID-19.

Ngoài ra, vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cũng được thúc đẩy bởi sự gia tăng của thương mại điện tử. Theo đó, hai mô hình kinh doanh thương mại điện tử chính trên thị trường là giao dịch giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp (B2B) và giao dịch giữa doanh nghiệp và khách hàng (B2C).

Với các hình thức này, hàng hoá được giao dịch trên các sàn giao dịch thương mại điện tử và được vận chuyển bằng nhiều hình thức nhanh, siêu tốc như đường hàng…, thay vì chuỗi cung ứng hậu cần truyền thống như: chào mua, chào bán tại cửa hàng, tivi…

Hiện nay, tuyến vận chuyển hàng không chủ yếu của Việt Nam là châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu (EU) và Bắc Mỹ. Cụ thể, Bắc Mỹ là thị trường hàng không phát triển nhanh nhất còn châu Á-Thái Bình Dương chiếm tỷ trọng lớn nhất trong vận tải hàng không toàn cầu và của Việt Nam.

Thống kê của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA) chỉ ra rằng, sản lượng vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam tăng trưởng khoảng 11% trong giai đoạn 2010-2019 và dự báo khoảng 12% trong giai đoạn 2020-2030 nhờ thương mại điện tử. Đây chính là một yếu tố kích thích sản lượng vận tải hàng không trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, 25% giá trị xuất, nhập khẩu của Việt Nam được vận chuyển bằng đường hàng không với thị trường quan trọng là Trung Quốc, Hàn Quốc và Mỹ; trong đó cơ cấu hàng hóa vận chuyển bằng phương thức chủ yếu là mặt hàng điện tử với tỷ lệ giá trị chiếm 84% đối với hàng hóa xuất khẩu và 65% đối với hàng hóa nhập khẩu.

Với dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng mạnh trong ngành điện tử cùng với sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do (FTAs), tỷ trọng nhóm hàng này có nhiều tiềm năng duy trì ở mức cao trong những năm tới. Với sự phát triển của thương mại điện tử, sản lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không sẽ gia tăng. Giới phân tích còn kỳ vọng, cơ cấu hàng hóa sẽ được mở rộng với các mặt hàng chủ lực như thủy sản, trái cây, hàng đông lạnh…

Cùng với đó, theo quan sát của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt, Việt Nam đã đạt được thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine từ AstraZeneca theo lộ trình đến quý IV năm 2021. Do yêu cầu về bảo quản nên vaccine sẽ được vận chuyển bằng đường hàng không, giúp gia tăng sản lượng hàng hóa tại các cảng trong 2 - 3 năm tới.

Với công nghệ và công suất kho lạnh cao và dải nhiệt độ rộng giúp tiết kiệm thời gian tiếp nhận/trả hàng hóa, Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn được các chuyên gia của Bảo Việt phân tích có lợi thế trong việc tham gia vào chuỗi cung ứng vaccine COVID-19.

Ngoài mảng dịch vụ logistics hàng không, doanh nghiệp này đang có kế hoạch xây dựng khu văn phòng số 2 với mục đích cho thuê trên khu đất có diện tích là 14.000 m2. Khu văn phòng này có diện tích gấp đôi khu văn phòng hiện tại 7.200 m², dự kiến sẽ đem lại doanh thu khoảng hơn 20 tỷ đồng trong năm đầu tiên hoạt động.

Trước đó, Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn là doanh nghiệp dịch vụ hàng không duy nhất báo lãi trong quý I năm 2021; theo đó lợi nhuận sau thuế đạt 137,3 tỷ đồng, tăng 13% cùng kỳ quý I năm 2020.

Đại diện Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn cũng lý giải, trong quý này, doanh nghiệp đã quản lý tốt dòng tiền, thu nhập tài chính tăng đáng kể so với cùng kỳ góp phần làm tăng lợi nhuận sau thuế.

Tính đến thời điểm 31/3/2021, tổng tài sản của Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn là 1.240 tỷ đồng; trong đó, 37,8% tổng tài sản là tiền và tiền gửi ngân hàng. Vốn của chủ sở hữu 579 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối 521 tỷ đồng. Công ty không ghi nhận các vay nợ.

Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên giao dịch ngày 14/5, cổ phiếu SCS của Dịch vụ hàng hoá Sài Gòn đang niêm yết ở mức 128.000 đồng/đơn vị, với hệ số giá trên lợi nhuận một cổ phiếu (P/E) là 13,37. Khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên là 14.260 đơn vị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục