Zika - thách thức lớn đối với thế giới

06:28' - 16/03/2016
BNEWS Nỗi khiếp sợ mang tên virus Zika tiếp tục lây lan nhanh, đe dọa gây ra nhiều thiệt hại cho các nền kinh tế trên thế giới.
Zika là thách thức lớn đối với nhân loại. Ảnh: Reuters

Rất nhiều du khách hiện đã hủy kế hoạch tổ chức đám cưới cũng như các chuyến du lịch sinh con (babymoon) tại vùng Caribe và các nước Mỹ Latinh, do lo ngại về sự lây lan của virus Zika tại khu vực và mối liên hệ tiềm tàng giữa virus Zika và các trường hợp thai nhi bị teo não, chủ yếu ở Brazil.

Virus Zika cũng đã được đặt trong cùng hạng mục với dịch bệnh Ebola sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu, khi “nỗi khiếp sợ” này lây lan nhanh đe dọa gây ra nhiều thiệt hại cho các nền kinh tế.

Nguy cơ lây lan

WHO trong báo cáo mới nhất ngày 3/3 cho biết tại châu Mỹ cho tới nay ghi nhận 2.765 người đã được xác nhận nhiễm virus Zika, chủ yếu tại Mỹ Latinh, trong khi số người bị nghi ngờ nhiễm virus này là 134.000 trường hợp. Hiện, trên toàn thế giới đã có gần 40 quốc gia ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika, đặc biệt trong đó có bảy quốc gia xác nhận nhiều trẻ sơ sinh mắc chứng teo não.

Đáng quan ngại hơn cả là “tâm chấn” Brazil – nơi kể từ tháng 10/2015 tới nay đã ghi nhận hơn 500 trường hợp trẻ sơ sinh teo não và hơn 5.000 trường hợp khác đang chờ kết quả xét nghiệm. Ít nhất đã có ba trường hợp tử vong được các bác sĩ khẳng định là có liên quan tới virus Zika.

Thêm bằng chứng mới về liên hệ giữa virus Zika và những tổn thương não bộ ở trẻ em. Ảnh: heavy

Còn theo báo cáo mới nhất của Viện Y tế quốc gia Colombia, tại nước này đã có hơn 20.200 trường hợp nhiễm virus Zika tại nhiều tỉnh thành, trong đó ca lây nhiễm ở phụ nữ mang thai là hơn 2.100 người. Như vậy, sau Brazil với hơn 1,5 triệu trường hợp lây nhiễm, Colombia là nước bị ảnh hưởng nặng nề thứ hai do virus Zika.

Trước diễn biến nghiêm trọng trên, WHO đã phát động chiến dịch toàn cầu mang tên “Khuôn khổ ứng phó chiến lược và Kế hoạch hành động chung”, nhằm hướng dẫn các quốc gia trên thế giới thực hiện các biện pháp ngăn chặn virus này lây lan.

Chiến dịch tập trung chủ yếu vào việc kêu gọi hợp tác giữa các đối tác, các chuyên gia, cũng như huy động nhiều nguồn tài chính nhằm giúp các quốc gia tăng cường kiểm soát virus Zika. 

Cuộc chiến gian nan

Trong chuyến thị sát tình hình dịch bệnh do virus Zika, cũng như các biện pháp phòng chống bệnh lây lan tại Brazil mới đây, Tổng Giám đốc WHO Margaret Chan cảnh báo cuộc chiến chống virus Zika sẽ kéo dài và hết sức khó khăn.

Bởi theo bà, muỗi Aedes truyền bệnh là loài rất khó tiêu diệt. Bà khẳng định từ kinh nghiệm phòng chống sốt xuất huyết và sốt rét vàng cũng do muỗi Aedes gây ra, có thể tiên đoán tới đây sẽ còn có thêm rất nhiều trường hợp nhiễm bệnh mới.

Tháp tùng bà Chan đến Brazil còn có Giám đốc Tổ chức Y tế liên Mỹ Carissa Etienne cùng nhiều chuyên gia và các nhà khoa học quốc tế. Trong buổi làm việc với Tổng thống Brazil Dilma Rousseff, Tổng giám đốc Chan đã đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ và toàn xã hội Brazil trong việc đối phó với virus Zika.

Về phần mình, Tổng thống Rousseff khẳng định chính phủ nước này sẽ huy động mọi nguồn lực cần thiết để đối phó với dịch bệnh do virus nguy hiểm này gây ra. Hiện Chính phủ Brazil đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống dịch bệnh lây lan, cũng như hợp tác với Mỹ trong việc nghiên cứu vaccine phòng bệnh.  

Theo một nghiên cứu mới được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, virus Zika có thể gây ra thiệt hại kinh tế lên tới 4 tỷ USD cho Mỹ Latinh và Caribe. Trong số này khoảng 3,5 tỷ USD là từ các nguồn thu nhập bị mất đi do tác động của dịch bệnh và khoảng 420 triệu USD là thiệt hại vật chất do dịch bệnh trực tiếp gây ra.  

WB cũng ước tính rằng một nhóm các nước phụ thuộc nhiều vào du lịch, đặc biệt là tại khu vực Caribe, có thể chịu tổn thất vượt mức tương đương 1% GDP và do đó cần hỗ trợ thêm của cộng đồng quốc tế để ngăn chặn tác động kinh tế tiêu cực từ dịch bệnh này.

Ngân hàng Thế giới (WB) cảnh báo các nước phụ thuôc vào du lịch ở Mỹ Latinh và Caribe có thể chịu tổn thất tương đương 1% GDP do dịch bệnh từ virus Zika. Ảnh minh họa: zimbio.com

Thể chế tài chính quốc tế này cũng nhận định đây chưa phải là con số cuối cùng và các thiệt hại về kinh tế sẽ tiếp tục được đánh giá, khi có thêm các chi tiết về mức độ lây lan và hậu quả trực tiếp.  

Trước đó, WB đã thông báo sẵn sàng viện trợ khẩn cấp 150 triệu USD cho các nước Mỹ Latinh và Caribe để đối phó với loại virus có tốc độ truyền nhiễm rất nhanh này, cũng như gửi kỹ thuật viên tới những điểm “nóng” của dịch bệnh.  

Bên cạnh đó, viện trợ của WB cũng sẽ hướng tới các hoạt động tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân về nguy cơ lây nhiễm Zika, cũng như phối hợp nhiều thành phần xã hội, ngành nghề khác nhau trong các chiến dịch chống dịch bệnh này.

Nhằm ngăn ngừa virus Zika, theo WHO, hiện có ít nhất 15 công ty và các nhóm chuyên gia đang nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống Zika. Điển hình như Inovio của Mỹ, Bharat Biotech của Ấn Độ, Sanofi của Pháp và Viện Y tế Quốc gia Mỹ…

Hiện chưa có vaccine phòng ngừa hay phương pháp điều trị bệnh do virus Zika gây ra được WHO chấp nhận hoặc được thử nghiệm lâm sàng.

Theo Phó giám đốc phụ trách các hệ thống y tế và sáng kiến của WHO, bà Marie-Paule Kieny, hiện thời có hai loại vaccine “hứa hẹn nhất”, gồm loại vaccine do Viện Y tế quốc gia Mỹ phát triển và một loại khác của Tập đoàn công nghệ sinh học Bharat có trụ sở tại Ấn Độ.

Tuy nhiên, WHO ước tính sẽ cần ít nhất 18 tháng nữa mới có thể tiến hành thử nghiệm các vaccine phòng chống virus Zika trên quy mô lớn.

Trong một động thái mới nhất, ngày 17/2, nhà sản xuất dược phẩm Inovio cho biết khi thử nghiệm vaccine phòng virus Zika trên chuột, vaccine này đã thúc đẩy phản ứng tích cực ở kháng thể. Inovio sẽ tiếp tục thử nghiệm vaccine này trên linh trưởng cũng như bắt đầu sản xuất sản phẩm ứng dụng trong điều trị.

Nguồn cơn của “nỗi khiếp sợ” Zika

Virus Zika lần đầu tiên được phát hiện trên loài khỉ Rhesus trong rừng Zika ở Uganda vào năm 1947. Sau đó, bệnh tiếp tục được ghi nhận ở Nigeria vào năm 1954 và trở thành chủng virus lưu hành tại nhiều nước thuộc khu vực châu Phi.

Tại châu Á, trường hợp mắc bệnh đầu tiên được ghi nhận vào năm 2007 tại đảo Yap thuộc Liên bang Micronesia.

Virus Zika thuộc họ virus Flaviviridae, rất gần với các virus gây nên bệnh sốt xuất huyết. Cũng giống như sốt xuất huyết, bệnh được lây truyền qua vật chủ trung gian là muỗi Aedes (muỗi lan truyền bệnh sốt xuất huyết).

Muỗi là trung gian truyền nhiềm virus Zika. Ảnh: wrcbtv.com

Người mắc bệnh sẽ có những triệu chứng tương tự như khi mắc sốt xuất huyết như: sốt, xuất huyết nội, đau mỏi cơ khớp, viêm kết mạc, nhức đầu, phát ban…

Thời gian ủ bệnh do virus Zika là từ 3-12 ngày. Hầu hết các trường hợp nhiễm virus Zika có biểu hiện triệu chứng nhẹ và vừa, hoặc không có biểu hiện triệu chứng, do đó nhiều trường hợp mắc bệnh có thể không phát hiện được.

Thực chất, virus này không được xếp vào dạng nguy hiểm với người trưởng thành. Nhưng đối với phụ nữ đang mang thai, virus này để lại dị tật lớn cho thai nhi với chứng teo não. Trẻ em mắc phải hội chứng này não bộ sẽ không phát triển bình thường từ khi ở trong bụng mẹ. Kết quả, đứa trẻ ra đời với một cái đầu nhỏ bất thường, khiến trẻ học tập và vận động khó khăn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục