"Khát" vốn và công nghệ để đầu tư hạ tầng chất lượng cao tại các đô thị Châu Á

15:26' - 07/12/2017
BNEWS Các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam đã cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như kế hoạch hợp tác đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Trong khuôn khổ Hội chợ Quốc tế Việt Nam lần thứ 15 diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 7/12, Bộ Kinh tế - Thương mại - Công nghiệp Nhật Bản tổ chức buổi đối thoại về “Hệ thống cơ sở hạ tầng chất lượng - Kiến tạo tương lai Châu Á”.

Tham gia buổi đối thoại, các chuyên gia đến từ Nhật Bản và Việt Nam đã cùng chia sẻ kinh nghiệm cũng như kế hoạch hợp tác đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực giao thông đối với các thành phố có tốc độ đô thị hoá nhanh.

Ông Junichi Kawaue, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, Việt Nam đang là quốc gia đóng góp vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khu vực Asean. Vì thế việc duy trì và phát triển bền vững cơ sở hạ tầng chất lượng cao về đường bộ, đường sắt, đường biển... có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn tăng cường kết nối giao thông trong khu vực.

“Giữ vai trò trung tâm kinh tế của Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh cần có hệ thống hạ tầng cơ sở chất lượng cao. Phía Nhật Bản mong muốn tiếp tục đóng góp các công trình giao thông quan trọng như tuyến Metro số 1 để góp phần phát triển hạ tầng cho thành phố.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng đang nghiên cứu các dự án tại Việt Nam nhằm tăng cường kết nối cảng Đà Nẵng với hành lang kinh tế Đông Tây, cảng Cái Mép – Thị Vải kết nối hàng lang kinh tế phía Nam”, ông Junichi Kawaue chia sẻ thêm.

Theo ông Lê Văn Khoa, Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh, thành phố mong muốn hợp tác chặt chẽ với Nhật Bản để đầu tư cơ sở hạ tầng, có tính kết nối cao, qua đó xây dựng thành phố phát triển bền vững, trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, khoa học của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Trong thời gian qua, thành phố đã đầu tư và đưa vào khai thác nhiều dự án giao thông trọng điểm như đường Mai Chí Thọ, đại lộ Đông Tây, hầm vượt sông Sài Gòn, nạo vét luồng Soài Rạp, tuyến Metro số 1, số 2...

Qua đó đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hoá tăng cao của người dân, tăng kết nối liên vùng đồng thời tổ chức lại không gian đô thị, phân bổ lại dân cư theo hướng văn minh, hiện đại, tạo động lực và sức bật để thành phố luôn giữ vai trò động lực kinh tế của cả nước.

Thành phố đã và đang quy hoạch phát triển quỹ đất sạch phục vụ sản xuất kinh doanh, đầu tư kết cấu hạ tầng trong các khu công nghiệp.

Trong thời gian tới, thành phố tập trung xây dựng hệ thống cầu vượt, các nút giao thông trọng yếu dưới hình thức hợp tác công tư; phấn đấu hoàn thành tuyến đường vành đai 3, vành đai 4, hoàn thiện 1 hoặc 2 trong 4 tuyến đường trên cao, xây thêm 25 hầm, cầu lớn bắc qua sông Sài Gòn, Đồng Nai, Nhà Bè, Lòng Tàu, Thị Vải...

“Là thành phố trẻ, năng động, có nguồn nhân lực dồi dào, Tp. Hồ Chí Minh đang hội nhập và học hỏi các kinh nghiệm các thành phố lớn trên thế giới; trong đó có lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở chất lượng cao. Để có thể triển khai được các dự án này, thành phố đang kêu gọi các đối tác quốc tế; trong đó có Nhật Bản về tư vấn, công nghệ, tài chính. Thành phố cam kết tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong và ngoài nước chung tay phát triển thành phố”, ông Lê Văn Khoa chia sẻ thêm.

Dưới góc độ đơn vị hỗ trợ vốn, ông Nobusuke Takahashi, đại diện Ngân hàng Nhật Bản nêu quan điểm, kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển “nóng” nên cần phát triển hệ thống hạ tầng chất lượng cao. Muốn vậy Chính phủ phải xây dựng công cụ huy động vốn của người dân, doanh nghiệp trong và ngoài nước; tính toán kỹ tài chính hơn 10 năm cho mỗi dự án được triển khai, đồng thời xây dựng quy trình “thu mua” dự án một cách rõ ràng.

Trong việc tuyển chọn nhà thầu cần kiểm định chặt chẽ về lịch sử làm việc, các dự án quá khứ từng triển khai để đảm bảo dự án có tính khả thi cao nhất./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục