25 thành phố lớn trên thế giới cam kết cắt giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0

12:29' - 13/11/2017
BNEWS Ngày 12/11, thị trưởng của 25 thành phố lớn trên thế giới cam kết sẽ cắt giảm lượng khí thải carbon xuống mức 0 vào năm 2050.

Đồng thời thúc đẩy những giải pháp giúp những khu vực này tăng cường khả năng ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan cũng như những hệ lụy khác do tình trạng biến đổi khí hậu gây ra.

Trong một cuộc họp gồm các nhà lãnh đạo địa phương và khu vực bên lề Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về biến đổi khí hậu (COP23) đang diễn ra tại thành phố Bonn (Bon) của Đức, thị trưởng 25 thành phố đại diện cho 150 triệu dân đã cam kết thực hiện các kế hoạch hành động về khí hậu đầy tham vọng vào năm 2020, vốn được phát triển với sự hỗ trợ từ mạng lưới các thành phố lớn trên thế giới (C40).

Cụ thể, các kế hoạch này sẽ giúp các thành phố lớn trên thế giới giảm mạnh lượng khí thải carbon trong thập kỷ tới, hướng đến việc không còn phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính này vào năm 2050.

Các kế hoạch này cũng vạch ra cách thức để mỗi thành phố có thể thích nghi và nâng cao khả năng chống đỡ trước các cuộc khủng hoảng liên quan đến khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Những thành phố trên, trải khắp toàn cầu từ Accra (Ghana) đến London (Anh) và Rio de Janeiro (Brazil), cũng sẽ tuyên truyền cho người dân những lợi ích to lớn về kinh tế, môi trường và xã hội khi hưởng ứng và thúc đẩy kế hoạch hành động khí hậu này.

Ngoài ra, mạng lưới C40, kết nối hơn 90 thành phố lớn nhất thế giới với mục đích hỗ trợ các thành phố trong việc ứng phó tình trạng biến đổi khí hậu, cũng sẽ hỗ trợ 9 thành phố lớn của châu Phi, bao gồm Cape Town (Nam Phi), Addis Ababa (Ethiopia), Lagos (Nigeria) và Nairobi (Kenya), thực hiện các kế hoạch xanh dài hạn phù hợp với các mục tiêu mà Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu hồi năm 2015 đã đặt ra, với sự hậu thuẫn của Chính phủ Đức.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Thỏa ước toàn cầu của các thị trưởng thành phố về khí hậu và năng lượng, bà Christiana Figueres, cho biết hầu hết 7.500 thành phố thành viên cũng đã khẳng định cam kết nỗ lực cắt giảm gần 1,3 triệu tấn khí thải carbon mỗi năm vào năm 2030 - tương đương với lượng khí thải của Nhật Bản hay Brazil.

Liên minh này cũng công bố một tiêu chuẩn toàn cầu mới về việc đo lường và ghi nhận thông tin lượng khí thải từ các thành phố và chính quyền địa phương, dự kiến sẽ được áp dụng từ năm 2018.

Bà Figueres nhấn mạnh việc đẩy mạnh chương trình hành động nhằm cắt giảm lượng khí thải độc hại gây hiệu ứng nhà kính sẽ mang lại cuộc sống chất lượng "tốt hơn rất, rất nhiều" tại các thành phố, khi người dân được hưởng bầu không khí trong lành.

Mặc dù vậy, bà Figueres và một số giới chức thành phố cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm kiếm và huy động thêm các nguồn tài trợ cho các thành phố để thúc đẩy xây dựng cơ sở hạ tầng và sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Ông Maros Sefcovic, Phó Chủ tịch phụ trách vấn đề năng lượng của Ủy ban châu Âu, cho rằng tiêu chuẩn đo lường khí thải chung có thể là "một điểm đặc biệt" để các thị trưởng thu hút các nhà đầu tư trong khu vực tư nhân thông qua việc trình bày những tác động tích cực của các dự án ít phát thải carbon.

Trong khi đó, thị trưởng thủ đô Quito của Ecuador Mauricio Rodas Espinel cho biết thành phố này đang hợp tác với các chính quyền địa phương khác trong việc kêu gọi các chính phủ thuộc Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) và các tổ chức tài chính quốc tế tham gia tìm kiếm tài trợ cho chương trình hành động khí hậu tại các thành phố trên khắp thế giới.

Tại bang California của Mỹ, giới chức bang này đã đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% năng lượng của bang phải đến từ các nguồn năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, Thống đốc bang này Jerry Brown hối thúc giới chức địa phương thay đổi các tiêu chuẩn xây dựng và hệ thống quản lý rác thải để giảm thiểu khí thải carbon, trong khi khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện chạy bằng điện, xe đạp hoặc đi bộ./.

Xem thêm:

>>>Lượng khí thải của các loại ô tô hybrid cao gấp nhiều lần quảng cáo

>>>Hơn 700 doanh nghiệp toàn cầu chung tay thúc đẩy định giá khí thải carbon

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục