An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 3: Chủ động phòng ngừa

07:01' - 06/11/2016
BNEWS Truyền tải điện Phú Yên được Công ty Truyền tải điện 3 giao nhiệm vụ quản lý 189 km đường dây 220 kV và 46 km đường dây 110 kV lưới điện truyền tải và 1 Trạm biến áp 220 kV với tổng công suất 250 MVA.
Các dụng cụ để sửa chữa nóng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Tại đây, mùa bão lụt được xác định thường xảy ra từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm nên trong thời gian này, Truyền tải điện Phú Yên đều tổ chức các lực lượng ứng trực 24/24h, tập kết phương tiện, vật tư đầy đủ để sẵn sàng xử lý sự cố do thiên tai một cách nhanh nhất.

Để chủ động phòng chống thiên tai, đơn vị đã thực hiện nhiều biện pháp, phương án đảm bảo an toàn cho lưới điện truyền tải trong khu vực quản lý.

Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên, Nguyễn Duy Ngọ cho biết, ngay từ đầu năm, đơn vị đã triển khai lập phương án phòng chống thiên tai cấp đơn vị sát với tình hình và điều kiện thực tế, trình Công ty phê duyệt; Phổ biến phương án 100% CBCNV tổ đội.

Đồng thời tổ chức 6 đợt diễn tập xử lý sự cố cấp tổ đội, cấp đơn vị và cấp Công ty.

Song song với đó, tổng kiểm tra lưới điện, kho tàng để xác định các điểm xung yếu, khiếm khuyết, hư hỏng và thực hiện gia cố, sửa chữa, khắc phục trước mùa mưa bão.

Bên cạnh đó, đơn vị ký kết quy chế phối hợp hỗ trợ, ứng cứu trong công tác xử lý sự cố, khắc phục hậu quả bão lụt với các đơn vị như: Công ty Điện lực Phú Yên, Chi nhánh Điện cao thế Phú Yên, Truyền tải điện Bình Định-Quảng Ngãi, Truyền tải điện Khánh Hoà, Hải đội 2 - Bộ đội biên phòng tỉnh Phú Yên…

Cùng với việc tăng cường công tác quản lý vận hành, thường xuyên kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện, sửa chữa các tồn tại trên lưới điện, các tổ, đội truyền tải còn liên tục cập nhật điều kiện thời tiết, môi trường vận hành của từng cung đoạn đường dây đi qua các khu vực nhiễm mặn, bụi bẩn cao để kịp thời lập phương án vệ sinh, bổ sung, thay thế cách điện cho các cung đoạn, các vị trí nhiễm bẩn, nhiễm mặn cao.

Đồng thời tăng cường áp dụng công nghệ rửa sứ online để lưới điện truyền tải luôn vận hành thông suốt không phải cắt điện.

Sau mỗi sự cố, đơn vị đều cố gắng tìm được nguyên nhân, đề ra các biện pháp khắc phục, nghiêm khắc rút kinh nghiệm và xem xét quy trách nhiệm các cá nhân liên quan. Đối với các cung đoạn có sự cố lặp lại được xác định rõ nguyên nhân để có biện pháp khắc phục triệt để.

Không những thế, Truyền tải điện Phú Yên còn tích cực phối hợp với công an, chính quyền và nhân dân trên địa bàn triển khai thực tốt “Quy chế phối hợp bảo vệ lưới điện”, đẩy mạnh công tác tuyên truyền bảo vệ, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lưới điện, không để xảy ra các vụ việc phá hoại, vi phạm hành lang an toàn trên lưới điện.

Đặc biệt, để tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị và địa phương trong công tác bảo vệ an toàn lưới điện truyền tải, năm nay, Truyền tải điện Phú Yên đã phối hợp với Sở Công Thương tỉnh, Công ty Điện lực và Chi nhánh điện cao thế tổ chức diễu hành tại 3 huyện Tuy An, Tây Hòa, Phú Hòa và 3 trường học.

Bên cạnh đó, làm việc với UBND các xã Eacharang, Suối Bạc, Sơn Hà, Sơn Hòa, Ban Quan lý rừng Krôngchai, Đèo Cả, nhà máy đường KCP và 12 thôn ký kết biên bản phối hợp ngăn ngừa sự cố đường dây do cháy rừng, cháy mía.

Mặt khác, tổ chức tuyên truyền bảo vệ lưới điện kết hợp với giao lưu văn nghệ tại Lễ Hội cồng chiêng, tại các xã Hòa Đồng và Hòa Phong, huyện Tây Hòa; sửa chữa điện cho các hộ nghèo tại xã Eacharang, phát 5.000 cuốn vở có nội dung tuyên truyền cho học sinh.

Ngoài ra, Truyền tải điện Phú Yên còn ký cam kết bảo vệ lưới điện với 658 hộ gia đình và 19 doanh nghiệp; phát 38.080 tờ rơi tuyên truyền về công tác này.

Chuẩn bị công tác sửa chữa nóng. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

“Dự kiến trong quý IV này, đơn vị còn tiếp tục tuyên truyền ký cam kết bảo vệ lưới điện, phát tờ rơi, tổ chức tuyên truyền tại 2 địa phương và 4 trường học ở xã Xuân Thọ, Hòa Xuân nam, phát 1.500 bộ lịch-kèm nội dung tuyên truyền. Như vậy, tính đến nay, Truyền tải điện phú Yên đã phát tổng số 70.330 tờ rơi, ký biên bản với 2.287 hộ và 30 tổ chức cùng tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn”, ông Nguyễn Duy Ngọ, Giám đốc Truyền tải điện Phú Yên cho biết.

Chính vì những nỗ lực này mà trong những năm qua, trên địa bàn Truyền tải điện Phú Yên quản lý không xảy ra sự cố cháy nổ, không có thiệt hại do bão lũ vì nguyên nhân chủ quan, đảm bảo an toàn cho lưới điện, vật tư, tài sản và con người.

Trưởng phòng Kỹ thuật Trần Đình Thọ cho biết, đặc thù của khu vực tỉnh Phú Yên là thời tiết khô hạn, nắng gắt kéo dài cùng thời điểm người dân thu hoạch mía nên nguy cơ cháy xảy ra rất lớn và trong khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 6 sang năm.

Diện tích mía các tháng mùa khô năm 2017 cần phải xử lý trong và ngoài hành lang đường dây 220 kV theo tính toán là hơn 1,25 triệu m2.

Do vậy, để chuẩn bị cho mùa khô năm tới, Truyền tải điện Phú Yên cũng đã hoàn thiện phương án năm 2017 về chống cháy trong và ngoài hành lang lưới điện cao áp với các giải pháp cụ thể.

Theo đó, đơn vị sẽ ký thỏa thuận với 29 xã, 60 thôn bản, 190 hộ dân sống cạnh đường dây thông báo khi có cháy xảy ra trong và gần hành lang.

Đơn vị cũng ký kết, phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ ngăn ngừa cháy mía với UBND các xã Ea Chà Rang, Suối Bạc, Sơn Hà, Hòa Hội, Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam.

Trong thời điểm chưa thu hoạch (từ tháng 7 đến tháng 10/2016, đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương đến nhà 201 hộ dân giải thích, hướng dẫn người dân ký cam kết không đốt lá mía dưới, gần tuyến đường dây 220kV Hạ Sông Ba – Tuy Hòa.

Vào thời điểm thu hoạch, các tổ đội trong đơn vị tăng cường tần suất kiểm tra (2 lần/tuần) từ tháng 12 – tháng 3; Thời điểm cao điểm thu hoạch (tháng 4 – tháng 5) sẽ cử công nhân túc trực thường xuyên, giám sát, giải thích, vận động người dân không được đốt lá mía dưới, gần đường dây cho đến khi thu hoạch xong.

Đối với các khoảng cột có độ cao từ 12 mét trở lên, đơn vị huy động lực lượng và thuê nhân công ngoài giúp người dân di dời lá mía ra khỏi phạm vi hành lang tuyến tại các thời điểm có nguy cơ cháy cao, thời tiết khô hạn.

Không chỉ có mía, người dân còn có tập quán hay khai thác cây, tỉa cành, phát dọn thực bì, đốt vệ sinh rẫy trong điều kiện thời tiết khô hạn dễ cháy lan trong khoảng thời gian từ tháng 12 đến tháng 6 sang năm.

Do vậy, các tháng trước và đầu mùa khô, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương đến các hộ dân trồng rừng gần hành lang tuyến, nắm bắt thời điểm khai thác, vệ sinh, phát dọn thực bì…

Tuyên truyền, giải thích hướng dẫn cho người dân ký cam kết không được đốt cây dưới, gần hành lang tuyến.

Đối với đường dây đi qua khu vực rừng tự nhiên, Truyền tải điện Phú Yên đã ký kết với Ban Quản lý rừng đặc dụng Krông Trai, Ban Quản lý rừng đặc dụng Đèo Cả về việc phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ ngăn ngừa cháy rừng.

Theo ông Trần Đình Thọ, khi phát hiện hoặc được thông báo có cháy ngoài đường dây, đơn vị sẽ cử ngay lực lượng đến hiện trường tạo hành lang trống không để cháy lan vào gần đường dây.

Khi có cháy gần, trong hành lang lưới điện, đơn vị thông báo ngay cho cơ quan địa phương, ban quản lý rừng và cơ quan phòng cháy chữa cháy tỉnh để phối hợp xử lý./.

An toàn lưới điện cao áp tại miền Trung, Tây Nguyên – Bài 4: Phương châm bốn “tại chỗ”

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục