Hoàn thiện dự thảo cơ chế đặc thù xây dựng các dự án điện

20:56' - 27/10/2016
BNEWS Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về cơ chế đặc thù để đảm bảo tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh.
Hoàn thiện dự thảo cơ chế đặc thù xây dựng các dự án điện. Ảnh: Mai Phương/BNEWS/TTXVN

Thông báo nêu rõ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, trước nhân dân trong việc bảo đảm cung ứng đủ điện, ổn định, an toàn cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là đối với khu vực phía Nam trong thời gian tới, phải coi đây là nhiệm vụ chính trị của Ban cán sự đảng và lãnh đạo Bộ Công Thương; giao các Bộ, ngành liên quan phối hợp với Bộ Công Thương tích cực, hỗ trợ thực hiện các giải pháp nhằm bảo đảm cung ứng điện; đồng thời, xác định tiếp tục xem xét, ban hành một số cơ chế đặc thù để bảo đảm tiến độ đầu tư xây dựng các dự án điện trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh nhất là đối với các dự án cấp bách.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương cần nghiên cứu tiếp thu ý kiến góp ý của các Bộ, ngành liên quan, đề xuất của EVN để bổ sung, sửa đổi hoàn chỉnh dự thảo Cơ chế đặc thù một cách đầy đủ, chặt chẽ.

Trong đó, về phạm vi áp dụng của Cơ chế đặc thù, thống nhất xem xét, ban hành một số cơ chế đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng, bảo đảm cung ứng điện cho hệ thống điện quốc gia và hệ thống điện khu vực; rà soát thêm về thẩm quyền quyết định, sự phù hợp với các Luật và Nghị định hiện hành có liên quan đối với các cơ chế, chính sách đặc thù đề xuất áp dụng chung cho các dự án điện.

Về các dự án điện cấp bách, xem xét, tách riêng (thành một Điều riêng) quy định tiêu chí xác định các dự án điện cấp bách kèm theo danh mục cụ thể, đồng thời bổ sung quy định về thủ tục và các trường hợp xem xét bổ sung danh mục.

Sửa đổi cơ chế lựa chọn nhà thầu các dự án điện cấp bách

Về các đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù áp dụng cho các dự án điện cấp bách, Phó Thủ tướng thống nhất cơ bản với các cơ chế đặc thù trong công tác chuẩn bị đầu tư các dự án điện cấp bách.

Tuy nhiên, cần xem xét, bổ sung thêm quy định cho phép chủ đầu tư triển khai ngay công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi, không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, không phải lập hồ sơ chủ trương đầu tư đối với các dự án điện cấp bách đã có trong kế hoạch đầu tư xây dựng.

Về lựa chọn nhà thầu, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương nghiên cứu, sửa đổi cơ chế về lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu của các dự án điện cấp bách theo hướng: Cho phép áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt để thực hiện một số gói thầu của các dự án điện cấp bách.

Bộ Công Thương và chủ đầu tư chịu trách nhiệm toàn diện về phương án lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với các gói thầu, bảo đảm thực hiện các gói thầu đạt tiến độ, chất lượng và hiệu quả; xem xét, bổ sung thêm quy định cho phép áp dụng lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt không chỉ giới hạn đối với đơn vị tư vấn trong nước.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam rà soát, sửa đổi cơ chế đặc thù vay nước ngoài và vay thương mại trong nước đối với các dự án điện cấp bách trên tinh thần tháo gỡ tối đa thu xếp vốn cho các dự án, đồng thời phù hợp với các quy định quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Cơ chế đặc thù đầy đủ, chặt chẽ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 10 năm 2016; khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ (đồng thời với Cơ chế đặc thù) việc sửa đổi quy định một số nội dung chủ yếu trong Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ đối với các dự án nhà máy nhiệt điện đầu tư theo hình thức Hợp đồng BOT tại Công văn số 1604/TTg-KTN ngày 12/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ để áp dụng thống nhất, đẩy nhanh tiến độ đàm phán Hợp đồng BOT và Bảo lãnh Chính phủ các dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục