Cần có khung dung sai quy định chất lượng thực phẩm

20:11' - 12/09/2016
BNEWS Cần phải có một khung pháp lý cụ thể về khung dung sai chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng cho các sản phẩm thực phẩm để các doanh nghiệp vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa kinh doanh thuận lợi.
Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

An toàn thực phẩm đang là mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Đặc biệt là gần đây, cơ quan chức năng liên tục phát hiện nhiều vụ việc vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân. Các phương tiện thông tin đại chúng cũng phản ánh nhiều vụ vi phạm VSATTP với mật độ dày đặc, khiến dư luận hoang mang.

Ngày 12/9 tại Hà Nội, Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Nhóm Công tác phát triển ngành thực phẩm đồ uống đã tổ chức hội thảo “Đối thoại chính sách quản lý an toàn thực phẩm thực hiện Nghị quyết 19/2016/NQ-CP và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP”, nhằm tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính, cụ thể là xây dựng một khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm.

Ông Nguyễn Quang Vinh, Tổng thư ký VCCI nhận định, hiểu rõ những quan ngại của người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm đã không ngừng nâng cao chất lượng, kiểm soát các mối nguy hại và quá trình đó luôn có sự đồng hành của các cơ quan Nhà nước.

Vấn đề là cần phải có một khung pháp lý cụ thể về khung dung sai chuẩn về hàm lượng dinh dưỡng cho các sản phẩm thực phẩm để các doanh nghiệp vừa đảm bảo an toàn thực phẩm, vừa kinh doanh thuận lợi và vừa hòa hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; đồng thời, minh bạch với người tiêu dùng.

Khung dung sai chuẩn cho các sản phẩm thực phẩm thực sự là điều cần thiết, qua các nghiên cứu và thực tiễn đã được áp dụng tại một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới.

Tiến sĩ E-Song Tee, nguyên Trưởng Trung tâm nghiên cứu tim mạch, dinh dưỡng và tiểu đường, Viện Nghiên cứu Y khoa, Bộ Y tế Malaysia, cho biết, “các sản phẩm thực phẩm chế biến thường có thời gian sử dụng nhất định, phần lớn là trong khoảng 1 năm. Trong thời gian đó, hàm lượng dưỡng chất sẽ có sự suy giảm dần trong quá trình lưu kho và bảo quản, đặc biệt là những dưỡng chất.

Tuy nhiên, mức độ suy giảm này thường không vượt quá 20% tổng lượng dưỡng chất vốn có của sản phẩm. Vì thế, cần có quy định về khoảng dung sai, để các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu đi nước ngoài, cũng như các sản phẩm nước ngoài nhập khẩu vào Việt Nam sẽ được lưu thông một cách thuận lợi”.

Đại diện Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y Tế, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục Trưởng, cho biết, các quy định của Việt Nam luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; đồng thời, việc bảo về quyền lợi của người tiêu dùng luôn là ưu tiên số 1.

Cục An toàn thực phẩm cũng đã có nhiều nỗ lực cải thiện và đơn giản hóa các thủ tục hành chính công như thực hiện mô hình phê duyệt hồ sơ đăng ký thực phẩm điện tử ở cấp độ 4, hay trình tự, thủ tục cấp giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy, giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc công bố chất lượng sản phẩm và quảng cáo cho các sản phẩm thực phẩm, ông Phong cho biết thêm.

Tuy nhiên, qua phản ánh của nhiều doanh nghiêp, vẫn còn bất cập về thời gian thẩm xét hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; hệ thống thực hiện dịch vụ công cấp độ 4 chưa được nâng cấp nên còn chậm do quá tải. Quan trọng nhất là cần phải có quy định về dung sai định lượng kết quả kiểm duyệt với mức ghi trên nhãn bởi nhiều lý do.

Theo ý kiến của đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam, không thể có trị số tuyệt đối (trên nhãn so với thực tế), trọng lượng tịnh (định lượng) cũng được phép có sai số, sự khác nhau giữa phương pháp thử, người phân tích, trong suốt vòng đời chất lượng của sản phẩm không thể tránh khỏi sự biến đổi của các chất…

Cùng với nhiều kiến nghị khác, đa phần doanh nghiệp cho rằng các cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu xây dựng khoảng sai số đối với các loại vitamin và khoáng chất, chất sinh năng lượng cũng như chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục