Công bố quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội

15:13' - 22/09/2015
BNEWS Quy chế quản lý sẽ giúp cho địa phương thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch trên địa bàn.

Một góc Thủ đô Hà Nội. Ảnh: Huy Hùng – TTXVN

Ngày 22/9, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức công bố quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ, với diện tích khoảng hơn 500 ha, thuộc 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng và Tây Hồ.

Theo ông Trần Việt Thắng, Trưởng phòng Quy hoạch - Kiến trúc 4, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, quy chế chỉ rõ khu phố cũ Hà Nội sẽ được bảo tồn và phát huy cấu trúc, không gian đô thị cũ - thành phố vườn, duy trì và khôi phục các không gian công cộng.

Quy chế quy định, trong khu vực phố cũ được Hà Nội, các công trình xây chủ yếu từ 4 đến 6 tầng, chiều cao khoảng 16 đến 22m. Về hình thức vật liệu, màu sắc của các công trình phải đảm bảo hài hòa, phù hợp với cả dãy phố.

Đặc biệt, không sử dụng các vật liệu, màu sắc mặt nhà có độ phản quang cao, có tính chất quảng bá sản phẩm hoặc che phủ chống thấm bằng màu đen, xám. Không sử dụng các chi tiết kiến trúc pha tạp nhiều phong cách trên cùng một công trình hoặc sử dụng nhiều chi tiết kiến trúc cổ điển rườm rà.

Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc khu phố cũ Hà Nội quy định, việc phát triển công trình hạ tầng xã hội phải đảm bảo các yêu cầu: không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây mới các cơ sở sản xuất công nghiệp, khu, cụm, công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đặc biệt, toàn bộ tuyến đường điện phải được hạ ngầm.

Tại quy chế này, thành phố Hà Nội cũng sẽ tiếp tục thực hiện di dời các cơ sở sản xuất, kho tàng, văn phòng, trụ sở cơ quan của một số bộ nghành, cơ quan ngang bộ, trường đại học, cao đẳng, các cơ sở y tế, gây ô nhiễm không phù hợp với mục tiêu bảo tồn khu phố cũ ra ngoài khu vực theo quy hoạch, kế hoạch.

Các quỹ đất sau di dời được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng như: sân chơi, cây xanh, quảng trường..., tuyệt đối không sử dụng để xây dựng nhà ở cao tầng sai quy hoạch.

Với công trình có giá trị đặc biệt, quy chế quản lý phố cũ Hà Nội cũng yêu cầu, bảo tồn nguyên trạng về mật độ xây dựng, số tầng, chiều cao, hình thức kiến trúc, nhất là với những biệt thự xây dựng từ trước năm 1954.

Cũng theo ông Trần Việt Thắng, quy chế cũng đề ra hướng dẫn xử lý những kiến trúc kém hấp dẫn, trong đó có việc trồng cây xanh che lấp hoặc sử dụng bức tường với màu sắc hài hòa để nhằm hạn chế phần xây dựng manh mún tại các khu phố cũ Hà Nội.

Ông Trần Đức Dũng, Trưởng phòng Quản lý đô thị, quận Ba Đình cho biết, khi có quy chế quản lý sẽ giúp cho địa phương thực hiện tốt hơn chức năng quản lý nhà nước về xây dựng, quy hoạch trên địa bàn. Tuy nhiên, để thực hiện nghiêm quy chế quản lý cần có sự vào cuộc đồng bộ, đồng thuận của các cơ quan liên quan cũng như người dân trên địa bàn trong khu phố cũ Hà Nội./.

Mạnh Khánh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục