Đã có 57/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn

18:08' - 11/02/2018
BNEWS Thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước cũng đã có 57/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.
Đã có 57/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn. Ảnh minh họa: TTXVN

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải tại đô thị của Việt Nam hiện đạt khoảng 85,5%, tăng 0,5% so với năm 2016. Cùng đó, cả nước cũng đã có 57/63 địa phương phê duyệt quy hoạch quản lý chất thải rắn.

Việc quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những nội dung được nhiều địa phương quan tâm. Đáng chú ý là Dự án tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị do Cơ quan Hợp tác Nhật Bản (JICA) phối hợp với Cục Hạ tầng Kỹ thuật - Bộ Xây dựng triển khai với việc thí điểm tại 2 địa bàn Hà Nội và Thừa Thiên Huế thực hiện thời gian qua đã hoàn thành một số mục tiêu tổng thể quan trọng.

Bà Mai Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật cho biết, sau 4 năm thực hiện, dự án tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị đã hoàn thành cơ bản các mục tiêu đề ra về nâng cao năng lực thể chế cho Bộ Xây dựng; triển khai thực hiện Quy hoạch quản lý chất thải rắn của Thủ đô Hà Nội; thí điểm lập Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Thừa Thiên Huế và thực hiện các dự án ưu tiên theo quy hoạch.

Cùng đó, các sản phẩm của dự án cũng được tuyên truyền và chuyển giao kết quả cho các địa phương trên cả nước. Hoạt động của dự án đã có tác động sâu rộng tới các địa phương thông qua các hoạt động thu thập số liệu quản lý chất thải rắn, hội thảo chuyên môn, chương trình tập huấn trong nước và tại Nhật Bản; giao lưu chia sẻ và học tập kinh nghiệm… Thông qua đó, dự án cũng góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường của các nhà quản lý, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực môi trường và người dân.

Theo ông Naoki Kakioka - Đại diện JICA Việt Nam, những năm qua, JICA đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Xây dựng và lĩnh vực quản lý chất thải rắn luôn là một trọng tâm hợp tác của tổ chức này với Cục Hạ tầng kỹ thuật.

Trong quá trình triển khai “Dự án tăng cường năng lực quản lý tổng hợp chất thải rắn đô thị tại Việt Nam”, đoàn chuyên gia của JICA và các đối tác như Cục Hạ tầng kỹ thuật, UBND thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có sự phối hợp rất chặt chẽ để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Những kết quả thu được từ dự án cũng như các kiến thức và kinh nghiệm, thông tin được cập nhật trong 4 năm qua sẽ đóng góp thiết thực cho việc nâng cao năng lực quản lý chất thải rắn ở cấp Trung ương và địa phương của Việt Nam - ông Naoki Kakioka bày tỏ.

Mục tiêu tổng thể dài hạn của dự án nhằm thiết lập hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn trên toàn quốc theo Chiến lược quốc gia về Quản lý tổng hợp chất thải rắn. Dự án này sẽ hoàn thành sau 5 năm thực hiện.

Với vai trò cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực này, Bộ Xây dựng cũng đã ban hành hướng dẫn phương pháp định giá dịch vụ xử lý chất thải rắn sinh hoạt; thực hiện rà soát định mức, chi phí cho bảo vệ môi trường trong quá trình thẩm tra thiết kế cơ sở, thẩm định các dự án đầu tư xây dựng.

Bộ đang nghiên cứu, hoàn thiện suất vốn đầu tư xây dựng cơ sở xử lý và mức chi phí xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đây sẽ là cơ sở để cải thiện các hoạt động liên quan đến quản lý và xử lý chất thải rắn trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục