Đánh thức tiềm năng vùng Đồng Tháp Mười - Bài 1: Chuyên canh nơi vùng lũ

17:20' - 17/10/2017
BNEWS Nhân dân từ các nơi đổ vào Đồng Tháp khai hoang, lập nghiệp, xây dựng những mô hình làm ăn kinh tế theo hướng “chung sống với lũ”.

Vùng Đồng Tháp Mười thuộc địa bàn ba tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang. Đây là vùng đất ngập nước có diện tích tự nhiên hơn 697.000 ha (khoảng 7.000 km2), chiếm 17,7% diện tích tự nhiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Trước kia, Đồng Tháp Mười hoang hóa, bạt ngàn là căn cứ địa vững chắc của cách mạng qua suốt hai thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Bé Hai chăm sóc ruộng dứa gia đình. Ảnh: Minh Trí - TTXVN

Hòa bình lập lại, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, nhân dân từ các nơi đổ vào khai hoang, lập nghiệp, đánh thức tiềm năng vùng đất mới đưa vào trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng những mô hình làm ăn kinh tế theo hướng “chung sống với lũ”, ổn định cuộc sống, tạo nền tảng cho miền đất này đi lên giàu đẹp và thịnh vượng.
Tân Phước là huyện duy nhất nằm trong vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Tiền Giang. Tân Phước hướng mục tiêu phát huy tiềm năng kinh tế vùng đất khó, nhiễm phèn nặng đưa vào khai hoang, sản xuất, hình thành vùng chuyên canh dứa nguyên liệu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và chế biến xuất khẩu, giúp bà con mới vào lập nghiệp sớm ổn định cuộc sống.
Dứa là cây trồng có khả năng chịu phèn tốt, giá trị kinh tế cao và là nguồn nguyên liệu quí phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu. Dứa đóng hộp, nước dứa, dứa đông lạnh là những sản phẩm chủ lực được xuất khẩu sang nhiều nước trên khắp thế giới mang về một nguồn lợi kinh tế.
Theo ông Nguyễn Văn Mẫn, Chủ tịch UBND huyện Tân Phước, từ khi triển khai chương trình khai hoang Đồng Tháp Mười những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ XX, Nhà nước đã đào mới và nạo vét gần 680 km kênh mương bao gồm các kênh trục chính, kênh nhánh, kênh sườn và trên 1.100 km kênh mương nội đồng giúp thau chua, rửa phèn, tiêu thoát lũ, cải tạo đất đai.

Bên cạnh đó, địa phương còn xây dựng hoàn chỉnh 135 ô bao chống lũ với tổng chiều dài toàn tuyến lên đến gần 400 km kết hợp lắp đặt 125 trạm bơm điện. Mỗi trạm quy mô phục vụ trên 100 ha, bảo đảm bơm tiêu úng chống lũ, bảo vệ diện tích canh tác và khu dân cư.
Bà Lê Thị Yến, Trưởng phòng Kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang cho hay, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp cùng các cơ quan hữu quan triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển toàn diện cây dứa vùng Tân Phước bao gồm nhiều nội dung thiết thực.

Cụ thể là chuyển giao kỹ thuật thâm canh tiên tiến, quy trình quản lý dịch hại tổng hợp và phòng trị các đối tượng sâu bệnh gây hại, phổ biến những giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản hàng hóa; quy trình canh tác theo hướng GAP, thành lập hợp tác xã chuyên canh; xây dựng thương hiệu và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; chứng nhận cây đầu dòng, thay thế các giống đã thoái hóa, phẩm chất kém…
Nhờ vậy, huyện Tân Phước đã hình thành được vùng chuyên canh dứa trên 16.000 ha nằm giữa rốn lũ Đồng Tháp Mười. Đây là vùng trồng dứa hàng hóa lớn nhất tỉnh Tiền Giang nói riêng và khu vực sông Tiền nói chung, mỗi năm đạt sản lượng gần 300.000 tấn quả.

Nhờ có cơ sở hạ tầng, kênh mương, đê bao hoàn chỉnh đủ khả năng đương đầu với lũ lụt và thiên tai, vùng chuyên canh dứa phát triển bền vững, bà con an tâm an cư lạc nghiệp và ổn định cuộc sống trên quê hương mới. Nhiều hộ không chỉ vượt khó, thoát nghèo mà còn dựng nên cơ nghiệp bền vững, trở thành tỉ phú miền Đồng Tháp Mười hôm nay.
Điển hình như vợ chồng chị Phạm Thị Mai, cư ngụ tại xã Thạnh Mỹ, huyện Tân Phước. Vợ chồng chị vào làm công nhân lâm trường Trương Văn Sanh (khu vực xã Thạnh Mỹ ngày nay) từ những năm cuối thập niên 80. Lâm trường giải thể, chị nhận khoán 1,5 ha đất khai hoang trồng dứa. Nhờ trồng dứa hiệu quả, gia đình chị tậu thêm đất đai, mở rộng diện tích chuyên canh dứa lên 10 ha.

Mỗi năm đạt sản lượng trung bình 200 tấn dứa quả cung ứng thị trường thu hảng tỉ đổng, trừ chi phí còn lãi ròng không dưới 500 triệu đồng. Nhờ trồng dứa theo mô hình “chung sống với lũ”, gia đình chị đã có của ăn của để, xây cất nhà cửa đàng hoàng, nghiễm nhiên là một tỉ phú miệt Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) hôm nay.
Tương tự có ông Nguyễn Văn Bé Hai, quê quán xã Long Khánh, thị xã Cai Lậy. Hưởng ứng chủ trương Nhà nước, ông vào định cư lập nghiệp trồng dứa ở xã Thạnh Mỹ, Tân Phước. Ban đầu vỏn vẹn chỉ có 1,5 ha. Nhờ cần cù, chịu khó và trúng mùa, có tích lũy, ông tậu thêm 1,5 ha, nâng tổng quỹ đất canh tác 3 ha đất trồng dứa. Với 3 ha, mỗi năm ông đạt sản lượng từ 60 tấn đến 80 tấn quả, bán thu 250 triệu đến 300 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi gần 200 triệu đồng.
Thấy hiệu quả, ông thuê thêm 6 ha đất trồng dứa, nâng tổng quỹ đất sản xuất lên 9 ha. Với số đất trồng chuyên canh dứa kể trên, năm qua gia đình anh đạt sản lượng dứa gần 200 tấn, bán giá bình quân cả năm 4.000 đồng/kg, đạt giá trị sản lượng 800 triệu đồng, trừ chi phí, lãi ròng gần 500 triệu đồng.

Hiện nay, ông cất một căn nhà khang trang trên đất nhà, kề bên con lộ Nam Tràm Mù (xã Thạnh Mỹ, Tân Phước). Nói về thành quả làm ăn, ông Nguyễn Văn Bé Hai cho biết, nhờ cây dứa và chủ trương đúng đắn của Nhà nước gia đình ông đã thực sự đổi đời.
Tháng 10/2017, cũng là thời điểm nước lũ từ thượng nguồn sông Cửu Long tràn về nhưng cuộc sống nông dân vùng chuyên canh dứa Tân Phước vẫn rộn ràng trong niềm vui khó tả. Niềm vui của sự an bình, mùa vàng bội thu, của sự ấm no và nông thôn đổi mới. Ngay trước nhà chị Phạm Thị Mai, con lộ mới ngày nào nắng bụi mưa bùn nay đã được nâng cấp, mở rộng, tráng nhựa phẳng phiu.

Theo con đường này, dứa quả được chở nườm nượp ra Nhà máy rau quả Long Định ở hướng nam hay ngược về phía bắc qua Long An, về Tp Hồ Chí Minh, đến các thị trường tiêu thụ khắp nơi trong cả nước hoặc đóng hộp xuất khẩu đi Mỹ, đi Châu Âu.
Nhờ nguồn lợi từ cây dứa, nông thôn Tân Phước hôm nay đổi mới, diện mạo khác xa một trời một vực so với ngày mới thành lập huyện vào năm 1994, hơn 20 năm về trước. Đường sá, cơ sở vật chất hạ tầng, điện – đường – trường – trạm kiện toàn, mở mang đáp ứng mọi mặt cuộc sống người dân, thúc đẩy giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế - văn hóa, giáo dục trên vùng đất mới.
Ông Nguyễn Bình Xuyên, Phó Bí thư, Huyện ủy Tân Phước cho biết, hiện nay, địa phương đã ra mắt được 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới là Tân Hòa Thành và Phú Mỹ. Năm 2017, tiếp tục ra mắt thêm xã nông thôn mới Thạnh Hòa. Tất cả có được cũng nhờ vào chủ trương đúng đắn xây dựng vùng chuyên canh dứa “chung sống với lũ” trên Đồng Tháp Mười (Tiền Giang) đã thiết thực mở ra hướng đột phá đi lên cho một Tân Phước giàu đẹp.

Bài 2: Đảm bảo phát triển nông nghiệp bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục