Dự báo các xu hướng ảnh hưởng đến kinh tế năm 2018

05:30' - 08/02/2018
BNEWS Năm 2018 dường như đang khởi đầu với nhiều hy vọng khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra những dự báo khả quan hơn cho hai năm tới, sau 10 năm kinh tế thế giới đình trệ kể từ cuộc khủng hoảng năm 2008.
Tổng thống Mỹ Donald Trump mập mờ cho biết Mỹ có thể đàm phán lại về TPP. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, những dự báo kinh tế dựa trên viễn cảnh dài hạn và các biến động ngắn hạn làm cơ sở. Những gì xảy ra trong năm 2008 là kết quả của những chuyển động sâu xa từ trước đó và ông gọi đó là những “điểm lật”, thể hiện sự thay đổi trong tình hình kinh tế thế giới. 

Chuyên gia này nhắc lại rằng thời điểm diễn ra khủng hoảng tài chính năm 2008, các hoạt động kinh tế lên xuống theo chu kỳ và tăng trưởng èo uột như tình hình của kinh tế Mỹ  từ cuối năm 2007 tới tháng 7/2009.

Người ta ca ngợi trào lưu toàn cầu hoá và quy luật tự do của thị trường mà ít thấy nạn nhân của hiện tượng đó là giới trung lưu có lợi tức thấp vì lương không tăng mà việc làm bấp bênh do sức cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi. 

Điều đó dẫn tới phản ứng xã hội và chính trị, khiến thành phần bị thất thế trong xã hội phản đối toàn cầu hoá và di cư, đồng thời họ không tin vào giải pháp của các đảng phái chính trị truyền thống, theo xu hướng trung tả hay trung hữu, mà tìm người lãnh đạo ở vòng ngoài. 

Tại châu Âu, các đảng phái nhỏ, có tinh thần quốc gia, cũng đều thắng phiếu ở nhiều nước và đặt lại vấn đề với cơ chế Liên minh châu Âu (EU).

Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, vấn đề khủng hoảng niềm tin vào các chính đảng hay giải pháp truyền thống, cổ điển không phải là mới. Hiện tượng đó xảy ra ngày càng nhiều hiện nay, như khi truyền thông báo chí cổ điển đã bị bất ngờ khi dự đoán sai về việc Vương quốc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU (Brexit) hay việc ông Donald Trump vượt qua 16 ứng cử viên trong đảng Cộng hoà và đắc cử.

Chính trường và Quốc hội Mỹ phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nên vừa nhậm chức, Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định này. Vì vậy, nhiều người vội vàng kết luận rằng ông Trump và nước Mỹ đang lui về khuynh hướng bảo hộ mậu dịch mà không thấy Trung Quốc, Ấn Độ hay thậm chí nước Pháp cũng có phản ứng bảo hộ.

Ngược lại, tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sỹ, năm nay ông Trump lại mập mờ cho biết Mỹ có thể đàm phán lại về TPP của 11 quốc gia. Theo ông Nguyễn Xuân Nghĩa, lối xoay chuyển lập trường như vậy là chuyện bình thường bởi điều đó phụ thuộc và hoàn cảnh.

 Đề cập đến cái gọi là “điểm lật 2008”, chuyên gia kinh tế này cho rằng mọi sự chú ý tập trung quá nhiều đến kinh tế hay tốc độ tăng trưởng sản xuất mà ít nhận thấy các yếu tố xã hội và chính trị đằng sau. 

Sau cuộc Đại suy thoái 2008-2009, các nước đều tăng chi và hạ lãi suất để bơm tiền kích thích kinh tế. Ngày nay, người ta mừng rằng kinh tế toàn cầu đã phục hồi và sẽ có đà tăng trưởng cao hơn mà không thấy rằng những tác động của khủng hoảng tài chính năm 2008 đã ngấm sâu vào xã hội khi sự phân biệt giàu nghèo gia tăng và nền tảng chính trị phân hoá hơn trước.

Nhờ chính sách kích thích sau năm 2008, thành phần thượng lưu lại giàu hơn xưa và giới ưu tú vẫn cứ ngợi ca toàn cầu hoá, trong khi tầng lớp trung lưu thất thế và dân nghèo thì lui về chủ nghĩa quốc gia dân tộc và cánh hữu.

Tại các nước đang phát triển, dù ngợi ca toàn cầu hoá và thương mại tự do, nước nào cũng muốn bảo vệ quyền lợi của mình và áp dụng chế độ bảo hộ mậu dịch.

 Ông Nguyễn Xuân Nghĩa đặt câu hỏi liệu có phải tiến bộ quá nhanh về công nghệ đã đảo lộn thế giới nhưng những người tạo ra dư luận hay làm chính sách lại theo không kịp?

 Nhìn lại 60 năm về trước, sự tiến bộ về kỹ thuật vận chuyển hàng hải và phát minh của Mỹ về container có thể chất cả tấn hàng bên trong làm thay đổi chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu và giúp các nước đang phát triển tại Đông Á cơ hội tham gia vào tiến trình sản xuất đó từ thập niên 60 trở đi. 

Theo trào lưu này, các quốc gia đang phát triển đã mau chóng công nghiệp hoá và có sức cạnh tranh rất cao.Đó là mặt tích cực của hiện tượng toàn cầu hoá, nhưng các nước đã phát triển lại cạnh tranh không kịp và thấy bị thua thiệt.

Sau đó, vấn đề lão hoá dân số tại các nước tiên tiến cũng dẫn tới nhiều phát minh khác, như người máy tự động hay kỹ thuật robot, hoặc trí thông minh nhân tạo (AI). Những tiến bộ ấy không tập trung vào một lĩnh vực mà lan tỏa khắp quy trình giao dịch toàn cầu, làm thay đổi phương thức thông tin và quản lý, và tạo ra một thế cạnh tranh khác.

Trong các yếu tố dẫn đến thay đổi thì sự tiến bộ công nghệ là hiện tượng có ảnh hưởng nhất mà cũng khó đoán nhất. Ngày nay, tiến bộ thuật toán, hoặc sản xuất trong không gian ba chiều (3D printing) cũng có thể đào thải cả một thành phần trung gian của tiến trình sản xuất kể cả trong các lĩnh vực dịch vụ, ví dụ như y tế hay bảo hiểm,…

Bên cạnh đó, còn xuất hiện những hiện tượng mới lạ hơn, như mạng xã hội trong việc truyền bá thông tin thật và giả, hay tiền kỹ thuật số Bitcoin, v.v… Trong bối cảnh đó, các chính trị gia và giới làm luật còn gặp nhiều lúng túng và không thể hứa hẹn rằng kết quả của tiến bộ sẽ nâng cao lợi tức cho tất cả quần chúng.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Nghĩa dự đoán về hai xu hướng, bên cánh tả thì vẫn lý tưởng toàn cầu hoá đang suy sụp, bên cánh hữu là chủ nghĩa quốc gia dân tộc.Tại các nước dân chủ, nhiều người bất ngờ đắc cử khi hứa hẹn phép lạ, như tại Mỹ.

Nhưng cơ chế dân chủ có những ràng buộc và giới hạn khiến một cá nhân khó phá rào và thay đổi tất cả. Trào lưu thứ hai là tại các nước độc tài, lãnh tụ phải nhân danh quyền lợi quốc dân mà tập trung quyền lực để cải cách theo yêu cầu của tình thế mới, ví dụ là Trung Quốc hoặc trường hợp như Saudi Arabia./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục