Gắn tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế địa phương

11:08' - 31/10/2016
BNEWS Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, đây là vấn đề lâu dài và đã được quan tâm, nhưng chưa làm được nhiều.
Hội thảo "Lồng ghép các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương". Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 31/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo "Lồng ghép các mục tiêu của chiến lược tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương".

Phát biểu tại hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết, mục tiêu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, theo định hướng hiện đại hóa đặt ra yêu cầu là cần có cách tiếp cận và tư duy mới; lấy phát triển bền vững kết hợp bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng sống của cộng đồng làm mục tiêu chiến lược.

Đây là vấn đề lâu dài và đã được quan tâm, nhưng chưa làm được nhiều. Vì vậy, phải được quán triệt, hợp sức để làm tốt, từ nghiên cứu đến triển khai trên diện rộng nhằm hướng tới tương lai thịnh vượng thông qua tăng trưởng xanh.

Ông Trần Trung Hiếu, Phó Trưởng ban Thể chế kinh tế (CIEM) nhấn mạnh, cần lồng ghép tăng trưởng xanh vào quá trình, công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế tại các tỉnh, thành phố. Trước mắt là tính theo từng năm và từ nay đến năm 2020 và giai đoạn tiếp theo; trong đó, tập trung vào việc thực hiện xanh hóa lối sống, xanh hóa hoạt động sản xuất, phấn đấu nâng cao tỷ lệ đóng góp từ sản xuất xanh vào GDP.

Việt Nam hiện là quốc gia chủ động, thường xuyên tham gia, ủng hộ các sáng kiến, nội dung tăng trưởng xanh trên các diễn đàn khu vực, cũng như trên toàn cầu…

Theo CIEM, nội dung xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững được tiếp cận theo kế hoạch hành động quốc gia của Việt Nam, gồm 13 hoạt động (2 nhóm). Trong đó, nhóm 1 là phát triển đô thị xanh và bền vững; nhóm 2 là thúc đẩy thực hiện lối sống xanh.

Từ đó, mỗi tỉnh, thành phố cần chủ động nghiên cứu triển khai cụ thể tùy theo quy mô, mật độ dân số, thói quen sinh hoạt và điều kiện kinh tế của mình.

Đặc biệt, xác định một số vấn đề cấp bách như mức độ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt và chất thải rắn còn hạn chế; mức độ ô nhiễm có nguy cơ lan rộng và khó kiểm soát (nhất là ở khu vực nông thôn); tình trạng thiếu cây xanh, mặt nước…

Tuy nhiên, thời gian qua, chính quyền các địa phương cũng đối diện một số khó khăn khi triển khai mục tiêu tăng trưởng xanh, chủ yếu do thiếu kinh phí, sự không đồng đều về nhận thức giữa các cấp cũng như trong cộng đồng dân chúng, năng lực cán bộ còn hạn chế…

Các chuyên gia cho rằng, các tỉnh nên tham khảo những mô hình tăng trưởng xanh, phù hợp, có biện pháp huy động và khai thác các nguồn lực tổng hợp, theo hướng đa dạng hóa để phục vụ chiến lược tăng trưởng xanh; tạo chuyển biến tích cực từ khâu lập kế hoạch đến thực hiện kế hoạch.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, các tỉnh, thành phố cần nghiên cứu, đánh giá thực trạng môi trường, mức độ ô nhiễm, nhất là phát thải khí nhà kính để cải thiện tình hình; xây dựng thói quen sinh hoạt và xử lý rác thải triệt để xây dựng lộ trình thực hiện sản xuất xanh và lối sống phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh.

Đồng thời, có phương án phù hợp, khuyến khích ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tiết kiệm năng lượng, phương pháp sản xuất thân thiện với môi trường.

Đặc biệt, cần xác lập các biện pháp chăn nuôi mới, hiện đại gắn liền với xử lý chất thải từ chăn nuôi để duy trì chất lượng môi trường sống; phòng tránh ô nhiễm tại các vùng nông thôn, ngoại ô. Bên cạnh đó, chính quyền cấp tỉnh nên triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về tăng trưởng xanh./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục