IMF hối thúc Trung Quốc cắt giảm nhanh công suất thép

15:49' - 02/03/2018
BNEWS Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde ngày 1/3 cho rằng Trung Quốc cần giảm nhanh hơn công suất dư thừa và nâng cao tính hiệu quả trong sản xuất thép và than đá.
Tổng Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde hối thúc Trung Quốc cắt giảm nhanh công suất thép. Ảnh: AP/TTXVN

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde đồng thời lưu ý đến lời khuyên của tổ chức này khi Mỹ chuẩn bị áp dụng biểu thuế quan mới.

Người đứng đầu IMF đưa ra bình luận này chỉ mấy giờ trước khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ cho áp dụng mức thuế quan mới (25% và 10%) đối với hai mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào tuần tới.

Trung Quốc hiện sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới và đang bị cáo buộc “làm tràn ngập” các thị trường trên thế giới với thép xuất khẩu giá rẻ.

Mặc dù không có nhiều thép từ Trung Quốc trực tiếp cập cảng Mỹ, song các quan chức trong ngành sắt thép Mỹ cho biết lượng thép do đất nước châu Á này sản xuất vẫn được chuyển tới Mỹ thông qua một nước thứ ba.

Theo bà Lagarde, IMF đã luôn hối thúc Trung Quốc giảm công suất thép dư thừa cũng như “trong khu vực năng lượng, trong đó có ngành sản xuất than đá” những năm qua.

Trong bản đánh giá mới nhất đưa ra hồi tháng 8/2017, IMF cho biết sự dư thừa công suất trong ngành thép cũng như các ngành khác không chỉ gây căng thẳng với các đối tác thương mại, mà còn đang làm hại triển vọng tăng trưởng trong trung hạn của Trung Quốc, ảnh hưởng tới môi trường và tính ổn định tài chính tại nước này.

Bà Lagarde cho biết Trung Quốc đã bắt đầu thực thi một số biện pháp tái cấu trúc cần thiết song cần làm nhiều hơn thế.

Về đề xuất áp thuế của Tổng thống Trump, tin tức cho biết hầu hết các nhà sản xuất thép ở châu Á lo ngại việc Mỹ nâng mức thuế đối với thép nhập khẩu sẽ kéo theo các biện pháp trả đũa và đẩy ngành sản xuất thép trên thế giới vào vòng xoáy chiến tranh thương mại.

Hàn Quốc - nhà cung cấp thép lớn thứ 3 của Mỹ sau Canada và Brazil, cho biết sẽ tiếp tục làm việc với giới chức Mỹ cho tới khi Washington công bố một mức áp thuế cuối cùng. Trong lúc các đối tác thương mại khác của Mỹ cũng có thể có những biện pháp trả đũa tương xứng đối với hàng xuất khẩu của Mỹ, hoặc khiếu kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục