IMF - WB cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn

10:51' - 27/04/2017
BNEWS Hội nghị Mùa xuân của IMF và Wb năm nay diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh luận về xu hướng phản đối toàn cầu hóa diễn ra ở một số nước với việc tỷ phú Donald Trump thắng cử và trở thành Tổng thống Mỹ.
Hội nghị Mùa xuân của IMF và Wb cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn. Ảnh:  AFP

Trong tuyên bố bế mạc Hội nghị Mùa xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), vừa diễn ra trong các ngày 21-23/4/2017, các nhà lãnh đạo tài chính đã cảnh báo về những nguy cơ do tình hình địa chính trị tác động đến kinh tế toàn cầu, đồng thời cam kết chống lại chủ nghĩa bảo hộ nhằm duy trì đà tăng trưởng chung.
Hội nghị năm nay diễn ra trong bối cảnh cuộc tranh luận về xu hướng phản đối toàn cầu hóa diễn ra ở một số nước với việc tỷ phú Donald Trump thắng cử và trở thành Tổng thống Mỹ.

Trong chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái, ông Trump đã dọa sẽ áp đặt mức thuế tới 45% lên hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Trung Quốc và các quốc gia mà ông cho rằng đang cạnh tranh không lành mạnh với các công ty của Mỹ.

Điều này đã khiến các nhà hoạch định chính sách toàn cầu và các thị trường tài chính quan ngại về làn sóng bảo hộ thương mại có thể gia tăng. Mỹ hiện là một trong những thành viên đóng góp tài chính lớn nhất cho IMF.
Chính quyền của ông Trump cam kết chấm dứt các chính sách thương mại phổ biến đã được thực thi trong hàng thập kỷ bằng việc đàm phán lại hoặc xoá bỏ các thoả thuận thương mại, áp đặt thuế quan và hướng tới các thoả thuận thương mại song phương.

Cũng trong cuộc gặp với Tổng Giám đốc IMF Lagarde tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tuyên bố Mỹ, quốc gia đang cân nhắc các chính sách bảo hộ mới, hoàn toàn ủng hộ thương mại tự do nhưng phải mang tính công bằng, có nghĩa là các bên đều phải được hưởng lợi.
Trong thông cáo chung, Thống đốc Ngân hàng trung ương Mexico kiêm Chủ tịch Ủy ban điều hành IMF (IMFC), ông Agustin Carstens nêu rõ chủ nghĩa bảo hộ là một thuật ngữ mang tính tương đối và không có quốc gia nào trên thế giới lại không sử dụng biện pháp hạn chế thương mại.

Ông Agustin Carstens cho rằng thay vì tập trung vào ý nghĩa của khái niệm này, IMFC đã quyết định giải quyết vấn đề thông qua một cơ chế tích cực và xây dựng hơn.
Các nguy cơ về chính trị tác động tới kinh tế cũng là chủ đề được hội nghị thảo luận. Tổng Giám đốc IMF Lagarde cho rằng các nước thành viên đều nhận thức được rằng thế giới có thể đang chuyển từ các nguy cơ tài chính và kinh tế cao sang các nguy cơ về địa chính trị.

Theo bà Lagarde, nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Pháp, điều này có thể sẽ dẫn tới một bước ngoặt về kinh tế và chính trị, do đó cần có một sự chuyển biến về chính sách từ thúc đẩy phát triển sang tăng trưởng toàn diện và đồng đều hơn.
Hội nghị của IMF và WB diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang được cải thiện. Dự báo kinh tế mới nhất của IMF cho biết tăng trưởng kinh tế toàn cầu ước đạt 3,5% trong năm 2017,cao hơn mức tăng 3,1% hồi năm 2016.

Dù đây sẽ là nhịp độ tăng trưởng nhanh nhất trong 5 năm qua, song thông cáo của IMF cũng cảnh báo về một số rủi ro, từ nhịp độ tăng năng suất thấp, đến mức nợ cao và những bất ổn địa chính trị ngày càng gia tăng.
Các nhà lãnh đạo tài chính cũng thừa nhận những ảnh hưởng bất lợi của suy thoái sâu rộng đã đóng vai trò chính trong việc gia tăng áp lực lên tự do thương mại và vấn đề người nhập cư.

Bên lề Hội nghị mùa Xuân của IMF - WB tại Washington (Mỹ), bộ trưởng tài chính các quốc gia thuộc Nhóm 20 nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ngày 21/4 đã nhóm họp nhất trí rằng chủ nghĩa bảo hộ gia tăng đang gây ra mối đe dọa cho kinh tế toàn cầu.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Wolfgang Schaeuble của Đức - nước giữ chức Chủ tịch luân phiên G20 - nói các Bộ trưởng đồng thuận rằng thương mại tự do là cần thiết cho tăng trưởng và chủ nghĩa bảo hộ sẽ cản trở kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế liên quan.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục