Kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực phía Nam

17:02' - 08/12/2017
BNEWS Ghi nhận thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn mang tính tự phát, thiếu hệ thống ngành cũng như thông tin thị trường.
Kết nối ngành công nghiệp hỗ trợ khu vực phía Nam. Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 8/12, tại buổi "Kết nối cung – cầu sản phẩm công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ", do Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, phát triển gành công nghiệp hỗ trợ luôn là chính sách ưu tiên của Tp. Hồ Chí Minh trong những năm gần đây và giai đoạn tiếp theo.

Đặc biệt, Tp. Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện chủ trương của Chính phủ, là đến năm 2020 sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 45% nhu cầu nội địa và năm 2025 lên mức 65%.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Phương Đông, cũng nhận định, để hoàn thành các mục tiêu trên là vô cùng khó khăn, nên Tp. Hồ Chí Minh đã và đang thực hiện nhiều cơ chế chính sách và giải pháp; trong đó chú trọng liên kết với các tỉnh, thành phố khác để cùng phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ.
Bên cạnh đó, trao đổi kinh nghiệm, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và làm sao đưa được các cơ chế chính sách Nhà nước đến với đơn vị sản xuất, kinh doanh.

Qua đó, tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, để doanh nghiệp đầu tư đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ… đẩy mạnh nội địa hoá sản phẩm và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ngành công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong các nền kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng cho sản xuất, giảm nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào… Nhưng ghi nhận thực tế tại Tp. Hồ Chí Minh, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn còn mang tính tự phát, thiếu hệ thống ngành cũng như thông tin thị trường.
Cùng với đó, tính liên kết giữa các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành trọng yếu chưa cao, chưa kết nối sâu rộng với doanh nghiệp các tỉnh thành. Trong đó, doanh nghiệp truyền thống có xu hướng tự tìm con đường riêng thay vì liên kết, kết nối tạo sức mạnh cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập.
Đặc biệt, liên quan đến năng lực cạnh tranh của ngành công nghiệp hỗ trợ, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí – Điện Tp. Hồ Chí Minh, cho hay, đối với riêng ngành cơ khí đang trong tình trạng khó khăn khi nhập nguyên thiết bị máy móc thì thuế nhập khẩu 0%, nhưng khi chế tạo máy móc trong nước phải nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện phụ tìng thì có thuế nhập khẩu lên đến 15% như hiện nay. Do đó, Chính phủ cần thực hiện luật xuất khẩu và thuế nhập khẩu sửa đổi một cách triệt để để tạo động lực cho ngành cơ khí phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Còn liên quan đến vấn đề kết nối cung – cầu Tp. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phố khu vực phía Nam trong ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung, ngành cơ khí nông nghiệp nói riêng, đại diện các sở, ngành ở nhiều tỉnh thành chỉ ra rằng, để cơ khí hoá và hiện đại hoá ngành nông nghiệp, tăng tính liên kết các tỉnh thành khu vực phía Nam, tại Tp. Hồ Chí Minh cần nghiên cứu hình thành Trung tâm luyện kim để hỗ trợ ngành cơ khí các địa phương đi vào từng ngành nghề mà Việt Nam có lợi thế cạnh tranh như nông nghiệp và cải thiện những ngành còn yếu kém như công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch…
Theo ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ, hoạt động của doanh nghiệp tại Cần Thơ có quy mô nhỏ lẻ, với hơn 200 đơn vị hoạt động trong ngành cơ khí, 150 cửa hàng kinh doanh linh phụ kiện…

Vì vậy, muốn phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và thực hiện vai trò của Thành phố Cần Thơ ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cần hình thành Trung tâm công nghiệp hỗ trợ vùng, đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết không chỉ đối với địa phương mà còn đối với cả khu vực.
Đây sẽ là nơi phục vụ thật chất cho doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành cơ khí nói riêng; trong đó, dự kiến các doanh nghiệp sẽ được tham gia trong quá trình thiết kế, tư vấn công năng sử dụng phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu phát triển thực tế, đảm bảo khi doanh nghiệp vào hoạt động có thể đạt hiệu quả cao.
Dẫn chứng cụ thể, ông Nguyễn Thể Hà, Tư vấn đầu tư Công ty Trách nhiệm hữu hạn Cơ khí - Công Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ, cho biết, hiện nay đồng bằng sông Cửu Long cần 15.000 máy cấy lúa, nếu nhập khẩu từ nước ngoài có giá gần 500 triệu đồng, còn máy do doanh nghiệp nội địa sản xuất chỉ có giá khoảng 150 triệu.

Do đó, nhu cầu cơ giới hoá ngành nông nghiệp hiện nay là rất lớn, đặc biệt Việt Nam là nước có thế mạnh về phát triển nông nghiệp.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng đang cần máy cấy trộn phân bón, máy xử lý rơm...
“Mặc dù, cơ giới hoá trong sản xuất lúa đã được cải thiện nhiều, đảm bảo phục vụ nhu cầu nội địa và có sản phẩm xuất khẩu đi 20 nước trên thế giới, đồng thời có thể cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nhưng ở các lĩnh vực trồng trọt khác vẫn còn lạc hậu, cần có giải pháp hiệu quả hơn để thúc đẩy quá trình cơ giới hoá ngành nông nghiệp thông qua phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, từ đó đưa 60% lao động ra khỏi ngành sản xuất nông nghiệp, chuyển sang lĩnh vực khác như công nghiệp chế biến… để giúp người dân cải thiện đời sống”, ông Nguyễn Thể Hà, chia sẻ thêm.

>>>Xây dựng lộ trình cụ thể để phát triển công nghiệp hỗ trợ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục