Kinh tế Eurozone bứt phá nhưng vẫn còn nhiều thách thức

06:30' - 04/12/2017
BNEWS Hàng loạt chỉ số kinh tế vĩ mô tích cực được công bố gần đây cho thấy tăng trưởng Eurozone đã tăng tốc trong khi những thách thức cơ cấu vẫn chưa được giải quyết và tiếp tục là mối đe dọa cho khu vực.
Chủ tịch ECB Mario Draghi cho rằng các động cơ thúc đẩy kinh tế châu Âu chủ yếu có tính chất nội tại. Ảnh: AFP/TTXVN

Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu nổ ra đến nay, tăng trưởng bình quân của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa bao giờ mạnh như hiện nay. Theo đánh giá của ông Benoît Cœuré, thành viên Hội đồng giám đốc Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), xét về khía cạnh chắc chắn và cân bằng, kinh tế Eurozone đã đạt mức tương đương với giai đoạn 1999-2000. 

Các số liệu thống kê của Hãng tư vấn thị trường (IHS Markit) công bố ngày 23/11 vừa qua cho thấy lĩnh vực dịch vụ và sản xuất công nghiệp của Eurozone đã tiệm cận mức cao nhất. Còn kinh tế gia Hélène Baudchon làm việc cho Ngân hàng BNP Paribas thì đưa ra nhận xét rằng thị trường chờ đợi các số liệu tích cực, nhưng thực tế diễn ra còn hơn cả mong đợi và đây là một điều bất ngờ.

Ủy ban châu Âu dự báo tăng trưởng của Eurozone năm nay sẽ đạt khoảng 2,2%. Theo đánh giá của ông Chris Williamson, kinh tế gia trưởng của HIS Markit, thực tế này phù hợp với xu hướng chung của thế giới. 

Lần đầu tiên kể từ sau cuộc khủng hoảng 2008 đến nay, Liên minh châu Âu (EU) đã đóng góp vào đà phục hồi chung toàn cầu bên cạnh các nền kinh tế phát triển và các nền kinh tế mới nổi. Thương mại toàn cầu cũng gia tăng với tốc độ mạnh nhất kể từ 6 năm trở lại đây.

Anton Brender, kinh tế gia trưởng của Công ty tư vấn thị trường Candriam, cho rằng đà tăng trưởng của EU "được hỗ trợ một cách khéo léo bởi chính sách tiền tệ (không thể nới lỏng hơn nữa) của ECB". 

Eurozone đã tranh thủ hàng loạt yếu tố có lợi từ sự tăng trưởng toàn cầu: lãi suất thấp, đồng euro tương đối yếu mặc dù tăng giá gần đây so với đồng USD và giá dầu thấp (dù giá dầu có bắt đầu tăng nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức trước năm 2015).

Một điều rất tích cực là các động cơ thúc đẩy cỗ máy kinh tế châu Âu chủ yếu có tính chất nội tại, theo như đánh giá của Chủ tịch ECB Mario Draghi trong bài phát biểu tại Franfurt  (Đức) ngày 17/11 vừa qua. 

Sau khi chỉ đạt mức tăng trưởng rất thấp trong những năm trước, Pháp và Italy đã lấy lại được "sắc màu hy vọng" của mùa Xuân. Ở một khu vực mà các quốc gia có lượng trao đổi thương mại nội bộ với nhau chiếm tỷ trọng rất lớn thì "sức mạnh" của mỗi nước thành viên sẽ có lợi cho những thành viên khác. 

Giữa tháng này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng đưa ra nhận xét có sự chênh lệch về tỷ lệ tăng trưởng giữa 19 nước thành viên ở mức thấp nhất trong vòng hai thập kỷ qua.

Tất cả các nhà phân tích đều nhất trí ở một điểm rằng nếu như không có cú sốc lớn toàn cầu xảy ra thì đà hồi phục kinh tế của Eurozone sẽ còn kéo dài sang năm 2018. Những dấu hiệu phức tạp sẽ khó có thể xảy ra trước thời điểm cuối năm 2018, thậm chí đầu năm 2019. 

Theo bà Hélène Baudchon, dư luận đang dự đoán và lo ngại nguy cơ một cuộc suy thoái mới có thể nổ ra tại Mỹ. Nhưng dù chu kỳ tăng trưởng kinh tế Mỹ đã kéo dài hơn 8 năm, các chỉ số cho thấy kinh tế Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu. 

Cuộc cải tổ hệ thống thuế mà chính quyền Donald Trump thông báo (tập trung vào việc giảm thuế) đang kích thích bầu không khí làm ăn và tiêu dùng của các hộ gia đình. Nếu dự định này không được thông qua, thị trường sẽ rơi vào một đợt điều chỉnh rất mạnh.

Trong Eurozone, chỉ có Đức là dễ tạo ra những bất trắc lớn nhất. Theo chuyên gia kinh tế Frederik Ducrozet của hãng đánh giá thị trường Pictet: "Vào thời điểm này Đức đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất kể từ sau khi bức tường Berlin sụp đổ và người ta có thể đang chứng kiến sự kết thúc thời kỳ Merkel". 

Bên cạnh đó, kết quả cuộc tổng tuyển cử tại Italy diễn ra đầu năm 2018 tới đây cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Nếu các đảng dân túy giành thắng lợi thì có thể sẽ góp phần đưa EU vào thời kỳ rất xáo trộn.

Theo đánh giá của ông Vitor Constancio, Phó Chủ tịch ECB, quá trình phục hồi kinh tế cũng bị tác động bởi những vết sẹo do cuộc khủng hoảng gây ra. Dù tỷ lệ thất nghiệp giảm trong khu vực, số người tìm việc làm trong giới trẻ và thất nghiệp dài hạn vẫn rất cao, thậm chí tới mức không thể chấp nhận được. 

Tại một số quốc gia ở phía Nam, tỷ lệ thất nghiệp thường xuyên vượt 10% (17,4% ở Tây Ban Nha và 11,3% ở Italia). Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu đầu tư vào lĩnh vực sáng tạo, hai điểm hạn chế khiến cho năng suất của nền kinh tế giảm sút.

Nhiều năm sau khủng hoảng, một số nước như Italy vẫn chưa lấy lại được mức tăng trưởng GDP của năm 2008. Nếu như hiệu ứng bắt kịp đà của thế giới qua đi, tăng trưởng của Eurozone có nguy cơ lại bị "hụt hơi" sau năm 2020. Những vấn đề lớn khác lại nổi lên như một số nước sẽ khó giảm được nợ công (tỷ lệ nợ công Italy và Bồ Đào Nha đã vượt quá 130% GDP). 

ECB cam kết sẽ tiếp tục chính sách mua trái phiếu  cho tới tháng 9/2018. Họ cũng sẽ duy trì lãi suất sát đáy thêm một thời gian dài nữa. Sự hỗ trợ bằng chính sách tiền tệ này được coi là cần thiết để không ảnh hưởng tiêu cực đến sự hồi phục trong bối cảnh lạm phát vẫn còn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%. 

Điều nghịch lý là kinh tế châu Âu càng được cải thiện thì ECB càng khó thực hiện được nhiệm vụ (trong nội bộ hội đồng thống đốc áp lực đẩy nhanh việc từ bỏ hỗ trợ chính sách tiền tệ càng tăng lên). 

Bởi vì việc duy trì lãi suất thấp không phải không gây ra những hệ lụy khi góp phần hình thành nên bong bóng trên một số thị trường như bất động sản tại các thành phố lớn. Hơn nữa, nếu xuất hiện một cuộc khủng hoảng mới, ngân hàng trung ương sẽ không còn công cụ nào để đối phó.

Theo nhận xét của ông Benoît Cœuré, nới lỏng tiền tệ “không phải là công cụ thường trực của chính sách tiền tệ”, mà quả bóng phải được trả về cho chính phủ của các nước. Chính họ sẽ phải tiến hành những biện pháp có tính chất cơ cấu để củng cố tăng trưởng trong tương lai. 

Họ cũng phải hoàn thiện liên minh ngân hàng và củng cố một “lá chắn ngân sách” - những biện pháp cải tổ cần thiết để đảm bảo sự tồn tại của Eurozone trong dài hạn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục