Kinh tế Trung Quốc qua các số liệu mới nhất

18:33' - 19/01/2018
BNEWS Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố báo cáo cho hay đầu tư vào tài sản cố định và doanh số bán lẻ của nước này trong năm 2017 đều tăng chậm lại so với của năm trước đó.
Doanh số bán lẻ năm 2017 của Trung Quốc đã tăng chậm lại. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Tuy nhiên, thu nhập trung bình của người dân lại khả quan hơn nhờ nền kinh tế sáng lên.
Cụ thể, theo NBS, trong năm 2017, vốn đầu tư vào tài sản cố định của Trung Quốc đạt 63.170 tỷ NDT (9.800 tỷ USD), tăng 7,2% so với năm 2016, song mức tăng này lại giảm 0,9 điểm phần trăm so với mức tăng của năm trước đó.

Đáng chú ý, đầu tư của khu vực tư nhân tại Trung Quốc đạt 38.150 tỷ NDT trong năm vừa qua, tăng 6% so với năm 2016 và cao hơn 2,8 điểm phần trăm so với mức tăng của năm trước đó, chiếm 60,4% tổng giá trị đầu tư vào tài sản cố định của nước này.
Báo cáo của NBS cũng nêu rõ, doanh số bán lẻ hàng hóa tiêu dùng của Trung Quốc trong năm 2017 tăng 10,2% so với năm 2016, đạt 36.630 tỷ NDT (khoảng 5.690 tỷ USD). Dù vậy, mức tăng này vẫn giảm 0,2 điểm phần trăm so với mức tăng của năm trước.

Tính riêng trong tháng 12/2017, doanh số bán lẻ của Trung Quốc tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ hoạt động tiêu dùng trực tuyến và đà tăng trưởng mạnh mẽ của khu vực nông thôn. Trong năm ngoái, tăng trưởng doanh số bán lẻ của khu vực nông thôn Trung Quốc đạt 11,8%, vượt mức tăng trưởng 10% của khu vực thành thị.
Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người sau thuế của người dân Trung Quốc trong năm 2017 cũng tăng lên mức 25.974 NDT (4.033 USD), tăng 7,3% so với năm 2016. Mức tăng này cao hơn 1 điểm phần trăm so với mức tăng 6,3% của năm trước đó, nhờ đà phục hồi tích cực của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của “người khổng lồ” châu Á đạt nhịp độ tăng trưởng 6,9% trong cả năm 2017, cũng là lần gia tăng đầu tiên kể từ năm 2010. Con số này cũng cao hơn mức mục tiêu 6,5% do Chính phủ Trung Quốc đề ra cho năm vừa qua, giữa lúc Bắc Kinh đang đẩy mạnh việc giám sát hoạt động đầu tư rủi ro, cũng như mở rộng “cuộc chiến” chống ô nhiễm môi trường.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục