Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Thú vị với đề thi Giáo dục công dân

16:14' - 17/05/2017
BNEWS Giáo dục công dân là môn học lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia.

Ngay sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố bộ đề thi minh họa cho Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017, các trường trung học phổ thông, trung tâm giáo dục thường xuyên tại Thành phố Hồ Chí đã tập trung hướng dẫn học sinh ôn tập, rèn luyện kỹ năng làm bài theo đề thi này.

Thú vị với đề thi Giáo dục công dân

Giáo dục công dân là môn học lần đầu tiên được đưa vào kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Nhiều giáo viên bộ môn Giáo dục công dân nhận định: Các câu hỏi bao quát toàn bộ chương trình lớp 12, đồng thời tập trung từ những chi tiết rất nhỏ của bài học vì vậy học sinh cần chú ý nắm chắc vấn đề, từng chi tiết để vận dụng làm bài.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017: Thú vị với đề thi Giáo dục công dân. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN

Với đề thi này, học sinh đạt được điểm 6-7 khá dễ, nhưng để đạt được điểm 9-10 đòi hỏi học sinh biết vận dụng bài học vào thực tiễn. Tuy nhiên, đề thi lần này ít câu hỏi tình huống và thiên về lý thuyết hơn so với đề thi mẫu 2 lần trước.

Em Trương Thanh Nhi, học sinh lớp 12A10, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10) cho rằng: Đề thi minh họa môn Giáo dục công dân không khó và có những câu hỏi rất thú vị. Em đã làm thử đề thi minh họa theo đúng thời gian và chỉ sai 2 câu.

Theo ý kiến của nhiều giáo viên, đề thi minh họa lần này ở môn số môn có lượng câu hỏi ứng dụng, câu hỏi tình huống thực tế ít hơn so với đề mẫu 2 lần trước Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố.

Giáo viên các bộ môn cũng rất băn khoăn không biết đề thi chính thức cũng có cấu trúc giống đề thi minh họa lần này hay sẽ tăng cường thêm các câu hỏi ứng dụng. Bởi nếu học sinh coi đề thi minh họa lần này là mẫu đề thi chính thức thì sẽ chủ quan, không tập trung ôn tập phần câu hỏi thực tế.

Không thể chọn đáp án mặc định theo may rủi

Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh, Tổ trưởng Tổ Toán Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10) cho rằng: Đề toán lần này rất hay, bao quát toàn bộ chương trình lớp 12. Đề được sắp xếp từ dễ đến khó theo 4 mức độ, nhận biết (từ câu 1-15), thông hiểu (từ câu 16-30), vận dụng thấp (từ câu 31-45), vận dụng cao (từ câu 46-50).

Kiểu sắp xếp này khác so với đề thi minh họa 2 lần trước. Cùng với đó, đáp án của đề không phân bổ theo công thức mặc định mà được chọn ngẫu nhiên. Với đề này, nếu học sinh chỉ chọn đáp án B cho toàn bộ bài làm sẽ chỉ được 1 điểm.

Thầy Ngô Phạm Hưng Thịnh cũng cho rằng: Bên cạnh nắm chắc kiến thức, học sinh cần rèn luyện thêm kỹ năng bấm máy tính để giải nhanh bài toán.

Em Quỳnh Mai, học sinh lớp 12A10, Trường Trung học phổ thông Nguyễn Du (quận 10) chia sẻ: Đề Toán lần này khó hơn đề 2 lần trước và có tính phân hóa rõ rệt. Em đã giải đề thi theo thời gian quy định thì đạt khoảng 7 điểm. Em đã ôn tập những câu dạng tương tự như đề thi minh họa nhưng một số câu hỏi có tính phân hóa, nâng cao thì em cần ôn luyện thêm.

Học sinh miền núi phải gắng sức

Học sinh tỉnh Kon Tum nhận xét: Khối lượng kiến thức trong bộ đề thi minh họa và thời gian làm bài được cho là phù hợp bởi hầu hết các kiến thức đều rơi vào chương trình học lớp 12, trong đó có nhiều kiến thức sát với thực tế cuộc sống (như môn Ngữ văn), giúp các em tự tin hơn.

Đối với tổ hợp Khoa học tự nhiên, các thầy cô giáo, học sinh cho rằng khá vừa sức với các em học sinh ở khu vực thành thị, còn đối với các em khu vực miền núi, các em học sinh dân tộc thiểu số thì dù không rơi vào điểm liệt nhưng để được điểm 4-5 cũng cần cố gắng.

Ở môn thi thành phần Hóa học, theo cô Lê Thị Diệu Tuyền, Tổ trưởng Tổ Hóa, Trường Trung học phổ thông Kon Tum thì thời gian 50 phút để hoàn thành 40 câu là khá khó khăn, nhất là với các em học sinh vùng sâu, vùng xa. Chỉ có những em học lực khá, giỏi mới có thể hoàn thành 40 câu trong vòng 50 phút...

Đối với tổ hợp bài thi Khoa học xã hội, bộ đề thi minh họa mang lại sự hào hứng, hứng khởi cho thí sinh bởi phần đọc hiểu hay, gần với cuộc sống, mức độ khó trung bình. Với hai môn trắc nghiệm Lịch sử, Địa lý thì khối lượng kiến thức, thời lượng làm bài được đánh giá là phù hợp với học sinh, môn Văn thời gian làm bài hơi ít.

Em Lương Thị Thanh Hà, lớp 12 chuyên Văn, Trường Trung học phổ thông chuyên Nguyễn Tất Thành, thành phố Kon Tum cho biết: Ở bộ đề thi minh họa lần này, mức độ phân loại học sinh cao hơn hai lần trước.

Tuy nhiên, nội dung kiến thức tập trung chủ yếu ở lớp 12 nên em dễ dàng ôn tập. Môn Lịch sử có một số kiến thức rơi vào chương trình giảm tải nên nhiều bạn khá phân vân không biết đề thi chính thức có kiến thức này không.

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 trên địa bàn tỉnh Kon Tum có tổng số 4.077 thí sinh tham dự. Tính đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2017 ở Kon Tum đã cơ bản hoàn thiện./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục