Lập nghiệp với bánh đa nem

07:02' - 04/06/2018
BNEWS Anh Định luôn tìm tòi hướng đi, nâng cao chất lượng bánh hơn để chiếm lĩnh tại các thị trường nhỏ lẻ, như tại các chợ, siêu thị nhỏ.

 “Tôi đã hình dung một lúc nào đó phải nâng tầm bánh đa nem, từ khâu nguyên liệu cho đến lúc phơi bánh, ra sản phẩm đều phải hoàn toàn sạch sẽ, không có sạn, vật lạ. Có như thế, bánh đa nem Việt Nam mới có thể xuất bán ra các nước một cách chính ngạch được, đến được với bạn bè các nước”.

Đó là ước mơ được nung nấu và cũng là đầu khởi nghiệp bước đầu của một chàng trai trẻ 8x xuất thân từ làng nghề làm bánh đa nem truyền thống của Việt Nam.

Sản phẩm bánh đa nem được đóng gói, xuất bán vào siêu thị. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

* Những khó khăn bước đầu

Sinh ra và lớn lên tại làng nghề bánh đa nem nổi tiếng ở miền Bắc, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam, ít ai trong làng nghĩ rằng, anh Nguyễn Văn Định, một thanh niên mới hơn 30 tuổi, lại có thể thành công với dự án làm bánh đa nem “sạch” lên đến hơn nửa tỷ đồng.

Anh Định chia sẻ, tốt nghiệp đại học kinh tế trong Tp. Hồ Chí Minh, nhưng trong lòng anh lúc nào cũng đau đáu nghĩ về quê hương, lập nghiệp từ quê hương.

“Sau nhiều năm tích lũy kinh nghiệm và vốn, tôi quyết định nghiên cứu về nghề làm bánh đa của gia đình và thấy đây là nghề có hướng phát triển tốt, nhưng sự đầu tư tại quê hương chưa nhiều. Làm sao để áp dụng được những khoa học tiên tiến, kết hợp với nguồn nhân lực tay nghề cao của làng để nâng tầm sản phẩm bánh đa nem Việt”.

Những ngày đầu, làm bánh, quảng cáo, giao hàng...gần như chỉ một mình anh Định xây dựng và bươn trải, nên gặp nhiều khó khăn.

“Làm nghề một cách bài bản, hướng đến xuất khẩu không dễ như mình nghĩ. Lập nghiệp với bánh đa nem, bản thân tôi đã nếm trải những bài học cay đắng. Sản phẩm bước đầu đã có logo và đăng ký thương hiệu. Nhưng, chất lượng lại bị khách hàng phản hồi là kém, mẫu mã không đẹp và còn nhiều lỗ rách, thủng”.

“Tất cả là do trong lúc phơi bánh, không cẩn thận nên bánh dễ rách. Hoặc, có nhiều vật lạ như xác ruồi muỗi, tóc, bụi bẩn bám vào bánh”..., anh Định nói.

Từ đó, anh Định luôn tìm tòi hướng đi, nâng cao chất lượng bánh hơn để chiếm lĩnh tại các thị trường nhỏ lẻ, như tại các chợ, siêu thị nhỏ. Nhưng dù đã cố gắng, sản phẩm của anh vẫn bị không được thị trường đón nhận, “một lần bất tín, vạn lần bất tin”.

“Nếu cứ làm theo hướng truyền thống thì sản phẩm bánh đa nem sẽ không thể thoát khỏi “ao làng” được. Mong muốn đầu tư nhà xưởng, thiết bị làm bánh theo dây chuyền khép kín, sẽ mất khoảng hơn 500 đến 700 triệu đồng, nhưng cái cần nhất là vốn thì mình lại không đủ, đầu mối tiêu thụ hàng ra các thị trường mình không có. Nhiều đêm, trăn trở tìm hướng đi mà “lực bất tòng tâm”, anh Định nghĩ lại những năm cũ.

* Liên kết để vươn lên

Với nỗ lực của riêng bản thân, sẽ phải mất 2 đến 3 năm nữa, doanh nghiệp sản xuất bánh đa nem của anh Định mới có được nguồn vốn để đầu tư nhà xưởng sản xuất hiện đại. Nhưng ý định đó đã trở thành hiện thực sớm hơn nhờ sự liên kết với Công ty xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam, để cùng phát triển, tìm đối tác bán hàng.

Cùng với mong muốn đưa sản phẩm truyền thống Việt Nam ra thế giới, bà Trần Thị Thu Hằng, Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu nông sản Việt Nam đã tìm đến cơ sở sản xuất của anh Định và hợp tác.

Đầu tư hơn 500 triệu đồng cho xây dựng nhà xưởng, đảm bảo sản xuất sạch hơn. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Bà Hằng cho hay, nhiều lần thăm dò và giới thiệu sản phẩm tại thị trường các nước, nhu cầu về bánh đa nem rất tốt. Nhưng các sản phẩm này lại tràn lan, rất dễ bị làm giả, mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Bà trở lại Việt Nam và tìm nguồn cung hàng. Bánh đa nem Việt Nam muốn xuất khẩu phải đảm bảo tuyệt đối các nguyên tắc trong chế biến thực phẩm, từ nhà xưởng, nhân viên, thiết bị dụng cụ, máy móc.

Những yêu cầu, đầu tư sẽ là rất tốn kém với các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp nhỏ trong nước. Nhờ chung hướng đi, bà Hằng đã quyết định góp vốn để nâng cấp xưởng sản xuất bánh đa nem của anh Định một cách khép kín với số vốn hơn 500 triệu đồng. Trước mắt, thị trường chính ngạch sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc.

“Thị trường Trung Quốc là thị trường vô cùng lớn, hơn nữa, hiện tôi đã có đầu mối xuất khẩu bánh đa dế sang đó khá ổn định. Mỗi tháng có thể xuất sang khoảng 3 container”, bà Hằng cho hay.

Người lao động có thu nhập 200.000 đồng/ngày tại xưởng sản xuất bánh đa nem của anh Định. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS/TTXVN.

Chỉ vào những phên bánh mới sản xuất, anh Nguyễn Văn Định vui vẻ cho hay, với quy mô hiện tại của xưởng sản xuất, có thể đạt khoảng 500kg bánh/ngày. Sau này tiếp tục đưa thêm dây chuyền tráng bánh và đầu tư hệ thống sấy bánh liên tục, xưởng hoàn toàn có đủ sản lượng xuất khẩu.

Bản thân ở Nguyên Lý, cũng đã có cả trăm hộ làm bánh. Tuy nhiên, để làm bánh xuất khẩu, anh Định chia sẻ, phải làm cẩn thận 100%. Bánh từ máy ra phải nhẹ nhàng xếp ra phên. Lúc phơi thì phải phơi từng phên một cách cẩn thận. Hệ thống nhà phơi tôi đã đầu tư căng lưới chống côn trùng để không có một con muỗi nào có thể lọt vào, kể cả bụi bặm, giám đốc trẻ Nguyễn Văn Định khẳng định.

Không những vậy, ở xưởng của anh Định, người lao động đến làm sẽ có 1 phòng thay quần áo, đeo đồ bảo hộ để đảm bảo tất cả đều sạch. Thu nhập của lao động trong làng chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày. Nhưng ở xưởng, người lao động sẽ có mức thu nhập 200.000 đồng/ngày, nhưng tuyệt đối phải đảm bảo các yêu cầu cao về vệ sinh an toàn thực phẩm.

“Thời gian tới, tiếp tục đầu tư đổi mới, nâng cấp nhà xưởng, yêu cầu sạch sẽ hơn nữa, mức thù lao cho lao động sẽ lên 250.000 đồng/ngày, cải thiện nhiều so với trước”.

Vừa lập nghiệp từ sản phẩm làng nghề địa phương, tìm hướng đi xuất khẩu, vừa tạo thu nhập cao cho người dân, anh Định đang là điển hình doanh nghiệp trẻ ngay tại quê hương mình.../.

>>>>Những doanh nhân cựu chiến binh - Bài 2: Khởi nghiệp… để không tụt hậu

>>>>Những doanh nhân cựu chiến binh - Bài 1: Khởi nghiệp ở tuổi..."lên lão" ​

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục