Lệnh trừng phạt kinh tế mới của châu Âu đối với Nga liệu có hiệu quả?

05:30' - 03/04/2018
BNEWS Nhiều nước đang cáo buộc Kremlin đứng sau vụ đầu độc điệp viên Nga Sergei Skripal và con gái tại thành phố Salisbury của Anh. Liệu châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với nước Nga?
Quang cảnh bên ngoài tòa nhà Đại sứ quán Nga tại London (Anh). Ảnh: THX/TTXVN

Hàng loạt nước thành viên EU đã thông báo trục xuất các nhà ngoại giao Nga, một vài ngày sau khi Liên minh châu Âu (EU) quyết định triệu hồi đại sứ của mình tại Nga để tham vấn.

Có thể châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt kinh tế mới đối với nước Nga. Nhưng liệu biện pháp này có thực sự đem lại hiệu quả? Trang mạng Euractiv mới đây có bài phân tích dựa trên quan điểm của các chuyên gia.

Nếu sự trừng phạt được phối hợp theo một cách đặc biệt thì điều đó cũng chỉ mang tính biểu tượng. Và các tín đồ của đường lối cứng rắn với Nga sẽ kêu gọi áp dụng những lệnh trừng phạt kinh tế mới. Tuy nhiên, nhìn vào kết quả trong quá khứ thì việc đưa ra các lệnh trừng phạt mới chưa phải là một lựa chọn mang tính thuyết phục.

Các giới hạn tiếp cận thị trường vốn châu Âu, công nghệ sử dụng trong lĩnh vực năng lượng, hoặc cấm vận về vũ khí được áp đặt sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea đã khiến cho EU phải trả giá đắt, thậm chí còn chịu nhiều thiệt hại hơn là Nga.

Giám đốc nghiên cứu tại Viện quan hệ quốc tế chiến lược, chuyên gia Jean de Gliniasty, giải thích các biện pháp trừng phạt đã có tác động ngay từ đầu cuộc khủng hoảng, nhưng hiệu quả của nó ngày càng giảm theo thời gian.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê Nga Rosstat, sau hai năm khủng hoảng 2015-2016, kinh tế Nga đã lấy lại đà tăng trưởng vào năm 2017 với tốc độ tăng trưởng 1,5%.

Theo vị chuyên gia này, kinh tế Nga đã dần hồi phục bởi sự phát triển của "chu trình thay thế", điều cho phép giảm thiểu tác dụng của các lệnh trừng phạt của châu Âu, mặt khác cũng nhờ vào chiến lược của Nga thay thế các sản phẩm nhập khẩu bằng các sản phẩm nội địa.

Sản xuất trong nước được chính phủ khuyến khích thông qua các biện pháp phản trừng phạt lên các sản phẩm châu Âu, nhất là lệnh cấm vận đối với các mặt hàng thực phẩm. Thành công đáng kể nhất là năm 2016 Nga trở thành nước đứng đầu thế giới về xuất khẩu lúa mỳ, trước cả đối thủ cạnh tranh là Mỹ.

Phía EU cũng là nạn nhân của những biện pháp trừng phạt do phương Tây áp đặt lên Nga. Nhà kinh tế của Trường đại học khoa học xã hội, Renaud Bouchard, đánh giá "tên lửa đã trượt mục tiêu" và EU bị ảnh hưởng đáng kể bởi thị phần của họ bị giảm và không mong muốn tiếp tục là nạn nhân.

Theo một báo cáo năm 2017, Nghị viện châu Âu đã đánh giá mức giảm xuất khẩu của EU sang Nga liên quan trực tiếp đến các lệnh trừng phạt lên tới 27,96 tỷ euro (34,7 tỷ USD).

Để so sánh với con số thống kê của hãng truyền thông Vedomosti đầu năm 2016, cựu Thứ trưởng phát triển kinh tế Nga Alexeï Likhachev ước tính phía Nga cũng mất khoảng 40 tỉ euro thiệt hại do trừng phạt của EU vào năm 2014 và 50 tỉ euro vào năm 2015.

Nếu trong ngắn hạn, các biện pháp trừng phạt chống Nga đã mất ảnh hưởng trên diện rộng, thì nỗi lo lại tập trung vào tương lai. Về dài hạn, việc hạn chế các doanh nghiệp và ngân hàng Nga tiếp cận vào thị trường vốn châu Âu có thể tác động đến khả năng tài chính và đầu tư của những đơn vị này.

Lệnh cấm vận về công nghệ của châu Âu trong lĩnh vực năng lượng cũng đặt ra vấn đề đối với khả năng hiện đại hóa nền kinh tế của Nga. Nhưng chuyển giao công nghệ cũng có thể tận dụng được "chu trình thay thế". Liên quan đến vấn đề tài chính, Renaud Bouchard đánh giá rằng sẽ luôn có những nước khác sẵn lòng cho Nga vay.

Nhà nghiên cứu đưa ra hai nguồn tài chính có thể lấp chỗ trống nguồn vốn châu Âu, đó là thu nhập từ việc bán chất hydrocarbon, trong bối cảnh giá dầu tăng và các nhà đầu tư Trung Quốc khi Nga đang ngày càng xích lại gần người hàng xóm châu Á này.

Theo Jean de Gliniasty, dù không thỏa mãn nhưng khó có khả năng các lệnh trừng phạt sẽ gây tác động nặng hơn đến kinh tế Nga trong tương lai gần.

Các biện pháp trừng phạt của EU liên quan đến thỏa thuận Minsk ký kết năm 2015 giữa Pháp, Đức, Nga và Ukraine nhằm chấm dứt các cuộc giao tranh tại vùng Donbass, phía Đông của Ukraine. Nhưng thỏa thuận này hiện không được thực thi cả từ phía chính quyền Ukraine cũng như phe li khai ở Donbass.

Trở lại vụ việc Skripal, nhà nghiên cứu đánh giá rằng các lệnh trừng phạt mới sẽ không phải là một sự đáp trả tương xứng. Dư luận Nga sẽ không tuân thủ các biện pháp trừng phạt, nhất là khi vẫn chưa có gì chắc chắn về việc ai là thủ phạm của vụ đầu độc.

Nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh về phản xạ bị bao vây hay cảm giác "thành bị vây hãm" do các biện pháp trừng phạt gây ra. Và người chơi trận chung kết chiếm ưu thế nhiều khả năng sẽ là ông Vladimir Putin, người vừa tái đắc cử chức Tổng thống Liên bang Nga nhiệm kỳ thứ 4.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục