Mạng xã hội: Cách thức kinh doanh mới của doanh nghiệp (Phần 2)

06:00' - 25/02/2018
BNEWS Sức ảnh hưởng rộng lớn thực sự là nguyên nhân chính tạo ra sự ưu ái của nhiều tên tuổi trong làng thời trang đối với các trang mạng xã hội.
Mạng xã hội: Cách thức kinh doanh mới của doanh nghiệp. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Quiz Clothing, đặt trụ sở tại thành phố Glasgow ở Scotland, tự cho rằng mình là công ty thời trang phát triển cực nhanh nhờ mạng xã hội. Mới đây, Quiz Clothing xuất hiện trên sàn chứng khoán AIM và được định giá 200 triệu bảng Anh.

Giám đốc kinh doanh Sheraz Ramzan của Quiz Clothing cho biết công ty đang lớn mạnh hơn với trên 300 cửa hàng bán lẻ nằm rải rác ở hơn 20 quốc gia trên thế giới.

Giám đốc Ramzan đã phát biểu rằng: “Chúng tôi luôn là thương hiệu 'fast fashion'. Và chúng tôi đang nỗ lực phát triển kênh phân phối cho phép thương hiệu phản ứng cực nhanh trước những xu hướng thời trang mới”.

Ngoài việc chăm chỉ cập nhật tài khoản Instagram của mình, nhiều hãng thời trang nổi tiếng còn biết tận dụng những Instagrammer (người có tài khoản Instagram) có lượng người theo dõi cao đáng kể để quảng bá sản phẩm.

Những Instagrammer này sẽ được các thương hiệu nổi tiếng mời chào hợp tác để trở thành “influencer” (người gây ảnh hưởng) hay “đại sứ thương hiệu” đại diện cho họ và dĩ nhiên được trả tiền. Các sản phẩm được chèn vào ảnh hay video của những Instagrammer này hứa hẹn mang lại khoản tiền thù lao lớn.

Người ta chắc vẫn nhớ câu chuyện về chiếc váy trắng với những đường cắt eo quyến rũ được Taylor Swift diện trong đêm trao giải Billboard Music Award 2015 đã được bán hết veo chỉ ít giờ sau khi nữ ca sỹ đăng ảnh mình mặc nó lên trang Instagram cá nhân hay như câu chuyện thành công cổ tích của nàng “Lọ lem” Michelle Phan, một trong những người sử dụng YouTube sớm nhất để chia sẻ các video hướng dẫn làm đẹp, đã được hãng mỹ phẩm danh tiếng Lancome mời về làm phát ngôn viên.

Lancome nói rằng điều đầu tiên khiến họ chú ý đến Michelle chính là kênh Youtube đang "đắt như tôm tươi" của cô.

Cũng tại Mỹ, nữ người mẫu nổi tiếng Kendall Jenner, được mệnh danh là “Instagirl tối thượng” do có lượng người hâm mộ khổng lồ trên mạng xã hội – 85,4 triệu người theo dõi trên Instagram và 15,3 triệu người khác trên Twitter, hiện đang là gương mặt đại diện cho rất nhiều hãng thời trang danh tiếng.

Domenic Venneri, người sáng lập công ty tiếp thị kỹ thuật số Vokent ở Malibu bang California miền Tây nước Mỹ, tuyên bố công ty luôn theo dõi các thông tin cá nhân trên mạng xã hội trước khi quyết định chọn ai cho chiến dịch quảng cáo.

Trong một số trường hợp, không chỉ những người mẫu mà còn cả đội ngũ hậu trường - bao gồm nghệ sĩ trang điểm, chuyên gia thời trang và nhà sản xuất - được chọn theo ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội. Rõ ràng, việc khai thác mạng xã hội mang lại nhiều lợi ích cho các công ty thời trang lẫn khách hàng.

Emma Parlons, nữ lãnh đạo công ty PR (quan hệ công chúng) thời trang và sắc đẹp Push PR ở London (Anh), thừa nhận mạng xã hội có hiệu quả cao, mang đến một lượng người theo dõi mới và trẻ tuổi hơn so với những khách hàng chỉ sử dụng trang web hay cửa hàng của thương hiệu.

Parlons nhận định mạng xã hội giống như là “tạp chí sống” và có ba nền tảng chính dành cho các hãng thời trang là: Instagram, Facebook và Twitter.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục