Mắt xích phát triển dịch vụ logistics

06:49' - 22/12/2016
BNEWS Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn thấp khi chi phí cho dịch vụ này còn cao so với các nước.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Công. Ảnh: Vnews

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ngành giao thông vận tải đã có bước phát triển mạnh mẽ đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu phát triển mọi mặt của đất nước.

Tuy nhiên, theo đánh giá năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics của nước ta vẫn còn thấp khi chi phí cho dịch vụ này còn cao so với các nước. Phóng viên BNEWS/TTXVN có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Công xung quanh những giải pháp thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.

BNEWS: Có thể nói ngành giao thông vận tải là một trong những mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics. Xin Thứ trưởng cho biết những đóng góp của ngành giao thông trong lĩnh vực này đối với sự phát triển kinh tế - xã hội?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Như đã biết logistics là một hoạt động tổng hợp mang tính dây chuyền, hiệu quả của quá trình này có tầm quan trọng quyết định đến tính cạnh tranh của ngành công nghiệp và thương mại mỗi quốc gia. Mặt khác, nếu hoạt động logistics phát triển tốt sẽ mang lại khả năng tiết giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ.

Hiện nay, logistics được ghi nhận như một chức năng kinh tế chủ yếu, một công cụ hữu hiệu mang lại thành công cho các doanh nghiệp cả trong khu vực sản xuất lẫn khu vực dịch vụ. Ở các nước phát triển, chi phí logistics tương đương từ 9 - 15% GDP; tại Việt Nam chi phí logistics tương đương khoảng 20,9% GDP; trong đó chi phí cho vận tải chiếm 59%. 

Có thể nói giao thông vận tải là một bộ phận cấu thành của dịch vụ logistics, là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của hàng hóa, sản phẩm.

Việt Nam chưa phát triển được hệ thống logistics chuyên nghiệp, hiện đại. Ảnh: TTXVN

Với vai trò quản lý về kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, hệ thống kho bãi tại các nhà ga, bến cảng, kết nối vận tải đa phương thức...., Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan xây dựng các chính sách liên quan đến giao thông vận tải để bảo đảm hoạt động của ngành dịch vụ logistics.

Tuy nhiên, so với nhu cầu, giao thông vận tải nước ta nói chung và lĩnh vực vận tải nói riêng vẫn còn những hạn chế như: Cơ cấu phát triển các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải, kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn thiếu, chưa đồng bộ, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế…

Để khắc phục những hạn chế, yếu kém nêu trên, Bộ Giao thông Vận tải đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án như: Phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải, tái cơ cấu ngành giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển bền vững giai đoạn đến năm 2020.

BNEWS: Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến 2030. Vậy Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai các nội dung trong đề án này như thế nào ? Các khó khăn cần tháo gỡ khi thực hiện Đề án này ra sao ?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Ngày 22/1/2014, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 169/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu:

“Đến năm 2020, phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khai thác, sử dụng hệ thống cảng biển, đặc biệt là các cảng biển quốc gia; góp phần thực hiện thành công Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Đến năm 2030, phát triển dịch vụ logistics trong lĩnh vực giao thông vận tải thành một ngành dịch vụ quan trọng tại Việt Nam, đóng góp từ 5 - 10% vào tổng thu nhập sản phẩm quốc gia – GDP”.

Việt Nam cần phát triển hơn nữa các loại hình vận chuyển và hạ tầng giao thông, tạo đà phát triển dịch vụ logistic. Ảnh: bbc

Đề án đã được triển khai quyết liệt và có hiệu quả, đặc biệt đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển các lĩnh vực vận tải. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm hiện nay là sự kết nối chưa đồng bộ giữa các phương thức vận tải, nhất là giữa cảng biển với hệ thống đường bộ, đường sắt và hệ thống dịch vụ hỗ trợ sau cảng biển. Điều này đã làm hạn chế sự phát triển của dịch vụ vận tải đa phương thức cũng như dịch vụ logistics.

Ngoài ra, vấn đề phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương cũng còn nhiều bất cập, đòi hỏi việc thành lập một cơ quan đầu mối để thực hiện công tác quản lý nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics.

BNEWS: Theo Đề án trên, giải pháp về kết cấu hạ tầng giao thông vận tải là một trong những nội dung lớn. Vậy Bộ giao thông Vận tải có kế hoạch như thế nào để huy động nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này ?

Thứ trưởng Nguyễn Văn Công: Trong điều kiện ngân sách nhà nước dành cho đầu tư hạ tầng giao thông chỉ đáp ứng khoảng hơn 50% so với nhu cầu, nhiều dự án phải tạm dừng, giãn tiến độ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24/02/2011 của Chính phủ. Nhiều dự án quan trọng, cấp bách đều không thể cân đối được nguồn vốn ngân sách để đầu tư.

Bám sát những mục tiêu trọng tâm về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Nghị quyết số 13-NQ/TW về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020”, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, huy động tối đa mọi nguồn lực để tạo ra đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong giai đoạn 2011-2015, Bộ đã kêu gọi đầu tư ngoài ngân sách nhà nước cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ được 186.660 tỷ đồng (trên tổng số 202.556 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay).

Lĩnh vực cảng biển thu hút được 121.453 tỷ đồng (trên tổng số 157.600 tỷ đồng huy động được từ trước tới nay). Hệ thống cảng, bến thủy nội địa phần lớn do các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân xây dựng hình thành qua nhiều năm với giá trị đầu tư khoảng 18.997 tỷ đồng.

Các cảng hàng không, sân bay phần lớn được đầu tư từ nguồn vốn của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, là doanh nghiệp được Nhà nước giao quản lý, khai thác hệ thống 22 cảng hàng không, sân bay dân dụng trên toàn quốc. Riêng xã hội hóa lĩnh vực đường sắt chủ yếu là hình thức cho thuê mặt bằng để kinh doanh dịch vụ.

Một nguồn lực khác cũng được ngành giao thông vận tải ưu tiên thu hút mạnh mẽ, sử dụng có hiệu quả là nguồn vốn ODA bằng việc quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành các dự án đã ký kết, tạo được lòng tin đối với các nhà tài trợ.

Cùng với đó Bộ Giao thông Vận tải đã chủ động đẩy mạnh xúc tiến, thu hút nguồn vốn này cho các dự án kết cấu hạ tầng giao thông; tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư tại các quốc gia có tiềm năng như Australia,, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ… Nhờ vậy, trong giai đoạn 2011-2015 đã thu hút, ký kết được hơn 6,2 tỷ USD vốn ODA cho 33 dự án (tổng số vốn ODA đã ký kết được đến nay là  trên 18,4 tỷ USD cho 133 dự án).

Để sử dụng hiệu quả các nguồn lực huy động, Bộ Giao thông Vận tải đã tăng cường chấn chỉnh công tác quản lý đầu tư trên cơ sở các quy định của nhà nước và hệ thống các quy định riêng của ngành về gắn trách nhiệm của cơ quan, đơn vị liên quan trong sử dụng các nguồn lực này.

Các quy định của ngành về kiểm tra, kiểm soát tiến độ, chất lượng công trình; về hành vi vi phạm và hình thức xử lý trong quản lý chất lượng công trình giao thông; về tiêu chí đánh giá, xếp hạng năng lực các chủ đầu tư, tổ chức tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát và nhà thầu tham gia các dự án kết cấu hạ tầng giao thông; quy chế phối hợp với các địa phương, bộ, ngành, doanh nghiệp... thực sự là những đột phá về quản lý xây dựng cơ bản của ngành giao thông vận tải.

Điều này góp phần không nhỏ giúp cho ngành giao thông vận tải sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả mọi nguồn lực hiện có để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.

Trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc thu hút mọi nguồn lực, đặc biệt khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông thông qua hoàn thiện các cơ chế, chính sách theo hướng thông thoáng, minh bạch.

BNEWS: Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục