Doanh nghiệp Việt chưa quan tâm tới phát triển thị trường logistics

15:16' - 18/05/2016
BNEWS Thị trường cơ sở hạ tầng kỹ thuật (logistics) Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP; trong đó vận tải chiếm từ 50 - 60%, thấp hơn nhiều so với nhu cầu phát triển kinh tế.
Việt Nam chưa phát triển được hệ thống logistics chuyên nghiệp, hiện đại. Ảnh: TTXVN

Hiện nay, tại nhiều quốc gia, phát triển kinh tế không thể tách rời chuỗi cung ứng toàn cầu và Việt Nam cũng không là một ngoại lệ. Đây là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo “Logistics và chuỗi cung ứng: Làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam có thể nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập?” được tổ chức ngày 18/5, tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ năm 2014, Việt Nam chính thức mở cửa thị trường dịch vụ logistics cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đã giúp lĩnh vực logistics tại Việt Nam phát triển, nhưng điều này cũng tạo ra thách thức rất lớn cho doanh nghiệp nội địa.

Tuy nhiên, ông Bùi Quốc Nghĩa, Viện trưởng Viện Logistics Việt Nam cho rằng, thực tế trong những năm qua, Việt Nam đã đầu tư không ít để phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật (phần cứng), nhưng hiệu quả mang lại chưa như kỳ vọng.

Việt Nam chưa phát triển được hệ thống logistics chuyên nghiệp, hiện đại. Đồng thời, nhận thức về logistics chưa cao trong xã hội, doanh nghiệp sản xuất chưa tham gia nhiều vào các chuỗi cung ứng. Cụ thể, hiện nay thị trường logistics Việt Nam chiếm khoảng 25% GDP; trong đó vận tải chiếm từ 50 - 60%.

Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các hoạt động đầu tư và thương mại không ngừng gia tăng, đặc biệt là hoạt động sản xuất phát triển. Theo đó, nhu cầu vận tải hàng hóa cùng các dịch vụ hỗ trợ từ khâu sản xuất đến khâu phân phối, lưu thông hàng hóa ngày càng cao, đang tạo ra cơ hội lớn cho phát triển các dịch vụ cảng và logistics.

Doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực cập nhật xu hướng cũng như yêu cầu phát triển trong lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chủ động tìm kiếm, nắm bắt những cơ hội và thách thức trong lĩnh vực logistics để nâng cao sức cạnh tranh trên trường quốc tế.

Theo ông Nestor Scherbey, Cố vấn cấp cao Liên minh thuận lợi hóa Thương mại Việt Nam (VTFA), lĩnh vực logistics và chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ để phù hợp với tốc độ phát triển của thị trường thương mại tự do.

Để hòa nhập vào xu hướng phát triển chung, Việt Nam cần hướng đến nền sản xuất dựa trên hệ thống Logistics chuyên nghiệp, hiện đại hơn.

Quản lý chuỗi cung ứng gắn liền với hầu như tất cả các hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, từ việc hoạch định và quản lý nguồn hàng, thu mua, sản xuất thành phẩm từ nguyên liệu thô, quản lý logistics… đến việc phối hợp với các đối tác, nhà cung ứng, kênh trung gian, nhà cung cấp dịch vụ và khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục