Nâng cao năng lực chuỗi cung ứng dệt may thông qua logistics

16:10' - 03/11/2016
BNEWS Nếu doanh nghiệp xuất nhập khẩu dệt may và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hợp tác với nhau sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của cả hai phía.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS. Ảnh: Hằng Trần/BNEWS/TTXVN.

Tiếp theo các hội thảo bên cạnh Hội nghị giữa các thành viên Liên đoàn Dệt May các nước Đông Nam Á (AFTEX) và Triển lãm quốc tế HANOITEX 2016, ngày 3/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo về “Tăng cường năng lực chuỗi cung ứng thông qua hoạt động logistics”.

Hội thảo được tổ chức với sự phối hợp lần đầu tiên giữa Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA).

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, ngành dệt may Việt Nam có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu rất lớn, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu là 43,5 tỷ USD; trong đó, 27 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu. Tương ứng với đó là cả triệu tấn bông nhập khẩu, gần 2 triệu tấn xơ, sợi xuất khẩu và nhập khẩu hàng trăm nghìn container quần áo xuất khẩu.

Hoạt động logistics vì thế đóng vai trò quan trọng giúp nâng cao khả năng cạnh trạnh của doanh nghiệp thông qua các tiêu chí như: giảm thời gian lưu thông hàng hóa, tăng độ tin cậy và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

“Các tiêu chí trên có thể được cải thiện tốt hơn nếu có sự phối hợp chặt chẽ giữa các doanh nghiệp logistics và các doanh nghiệp xuất nhập khẩu dệt may”, ông Cẩm nói.

Theo ông Trương Văn Cẩm, nếu doanh nghiệp xuất nhập khẩu dệt may và các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics hợp tác với nhau sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh của cả hai phía. Tuy nhiên, nếu muốn hợp tác tốt các doanh nghiệp cần phải tìm hiểu về hoạt động, các điểm mạnh, điểm yếu để bổ sung cho nhau trên tinh thần thiện chí, cùng có lợi.

Mặc dù vậy, để làm được việc này, các doanh nghiệp logistics Việt Nam cũng phải canh tranh gay gắt với các doanh nghiệp logistics nước ngoài.

Ông Nguyễn Tường, Phó Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 3.000 doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ logistics, nhưng chỉ có 1.300 doanh nhgiệp hoạt động tích cực; trong đó chiếm tới 70% tại Tp. Hồ Chí Minh.

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hoạt động logistics là sức cạnh tranh hạn chế, chi phí cao, áp dụng công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu, quy mô nhỏ, hạn chế về tài chính….

Về kết cấu hạ tầng, tuy tương đối đầy đủ nhưng vẫn có những khó khăn cụ thể như: hạ tầng giao thông vận tải không đồng bộ thiếu hành lang đa phương thức; vận tải đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu của chủ hàng và cảng biển chưa được khai thác hết tiềm năng. Hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu vẫn chưa lưu thông nhanh vào giờ cao điểm bởi đường hẹp, hay các kho chứa hàng còn hạn chế.

Trong khi đó, sự phối hợp giữa các bên liên quan giữa chủ hàng và chủ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chưa tốt. Chủ hàng chưa tin tưởng vào các doanh nghiệp cung cấp logistics Việt Nam bởi chất lượng chưa tốt, giá thành cao.

Vấn đề hiện nay làm sao phải kết hợp giữa các nhà xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics. Việc này cần được sự ủng hộ của hai Bộ Công Thương và Bộ Giao thông Vận tải đối với doanh nghiệp hai bên.

Để làm được việc này theo các đại biểu tham dự hội thảo, trước hết, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics phải có sự cạnh tranh tốt, giá thành giảm. Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ gắn kết, tạo điều kiện và thúc đẩy mạnh mẽ việc phát triển dịch vụ logistics.

Đặc thù của ngành dệt may là nhập nguyên phụ liệu và xuất hàng đi do vậy doanh nghiệp có thể kết hợp giữa hàng nguyên phụ liệu nhập về với hàng xuất đi nếu kết hợp logistics thì giá cước sẽ giảm cả về chi phí, thời gian và về các thủ tục…. Giảm được chi phí có nghĩa là nâng cao được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp dệt may.

Theo các đại biểu, các doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam hiện nay có đủ năng lực và chuyên nghiệp để tư vấn cho khách hàng các giải pháp logistics tốt nhất phù hợp đặc thù chuỗi cung ứng của từng khách hàng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục