Mở rộng thị trường xuất khẩu tôm: Bài 2: Chú trọng chất lượng vùng nuôi

16:13' - 27/11/2017
BNEWS Việc đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tái cơ cấu ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng.

>>> Mở rộng thị trường xuất khẩu tôm - Bài 1: Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất

Mọi trở ngại của con tôm trong những tháng đầu năm 2017 đều liên quan đến chất lượng sản phẩm tôm. Chính vì vậy, cho dù thị trường tiêu thụ đã sẵn sàng, nhưng để ngành tôm Việt Nam phát triển bền vững và giữ vững niềm tin của khách hàng thì đầu tư một vùng nuôi chất lượng, với con giống khỏe và sản phẩm có chứng nhận là điều rất cần thiết.
Đầu tư con giống tốt
Giống tôm khỏe, tỉ lệ hao hụt thấp, kháng bệnh cao sẽ mang lại nhiều lợi nhuận cho chính người nuôi và các nhà chế biến, xuất khẩu. Thế nhưng, hiện nay cả nước hiện đang thiếu con giống tôm đạt tiêu chuẩn chất lượng phục vụ cho nuôi và xuất khẩu. Phản ánh những điều này, nhiều người nuôi tôm đã “đau đầu” vì khó tìm nơi cung cấp giống chất lượng.

 Kiểm tra tôm giống bố mẹ tại một cơ sở sản xuất ở huyện Ninh Hải, Ninh Thuận. Ảnh: Nguyễn Thành – TTXVN

Theo khảo sát của phóng viên TTXVN, nhiều hộ nuôi tôm tại huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cũng gặp không ít khó khăn trong việc phát triển ao tôm của mình. Ông Cao Văn Lợi, một trong những nông dân nuôi tôm tại xã Định Trung, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre cho biết, hiện nay chất lượng môi trường đất, nước dùng để nuôi tôm ở nhiều nơi không đảm bảo an toàn cho con tôm.

Không những vậy, con giống tôm sạch bệnh lại không nhiều để đáp ứng nhu cầu của người nuôi. Nguồn thức ăn chất lượng cao cho tôm cũng ít, giá cả chưa hợp lý.
Ông Lợi kỳ vọng rằng trong thời gian tới sẽ có nhiều đơn vị cung cấp giống tôm sạch bệnh, thiết bị công nghệ tốt hơn để cung ứng cho người nuôi, giúp con tôm khỏe và cho sản lượng tốt, chất lượng cao.
Thành phố Cần Thơ là một trong 8 địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn phục vụ cho nhu cầu chế biến và xuất khẩu; trong đó có con tôm. Toàn tỉnh hiện có khoảng 51.878 ha nuôi trồng thủy sản, tập trung ở các quận, huyện như Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Phong Điền, Ô Môn và Thốt Nốt, chiếm 36,7% diện tích tự nhiên thành phố.

Với những thách thức như vấn đề môi trường, dịch bệnh, suy thoái giống, biến đổi khí hậu…, ngành thủy sản Cần Thơ luôn phải tìm giải pháp vững chắc để quản lý con giống thủy sản thật tốt, đặc biệt là với con tôm phục vụ cho xuất khẩu, ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ chia sẻ.
Không chỉ với quản lý con giống, việc đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất cũng đóng vai trò cực kỳ quan trọng để tái cơ cấu ngành thủy sản nói chung và con tôm nói riêng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, theo kịp xu hướng phát triển khoa học công nghệ quốc tế, ông Dũng cho biết thêm.
Cùng nhau giữ chữ “tín”
Sản xuất con tôm sạch trên tinh thần tự nguyện của đại đa số nông dân đồng bằng sông Cửu Long vốn là điều tốt, nhưng chữ “tín” về chất lượng được chứng nhận bởi những tổ chức quốc tế uy tín thì mới được nhiều doanh nghiệp cả trong và ngoài nước quan tâm theo dõi, con tôm càng có nhiều cơ hội cất cánh hơn nữa.
Theo bà Quách Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, khi các Hợp tác xã nuôi tôm thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, đạt tiêu chuẩn sạch, hiệu quả thì những Hợp tác xã này trở thành những điểm sáng trong việc lựa chọn liên kết sản xuất, thu mua, chế biến của cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.

Được như vậy, lợi nhuận các hộ thành viên tăng cao hơn, họ dần nâng cao nhận thức về thực hành nuôi tôm sạch đạt tiêu chuẩn.
Để thực hiện tiêu chí sản xuất sạch, an toàn, tạo uy tín đối với các doanh nghiệp thu mua và nhu cầu thị trường, từ đầu năm 2016, tỉnh Sóc Trăng đã liên kết với Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới tại Việt Nam (WWF), Trung tâm hợp tác Quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) tiến hành tập huấn kỹ thuật, quy trình sản xuất tôm theo chuẩn quốc tế ASC (nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm).

Hiện nay người nuôi tôm nhỏ lẻ cung cấp sản lượng tôm nuôi chiếm phần lớn cho doanh nghiệp. Ảnh minh họa: TTXVN

Cho đến cuối tháng 11/2017, đã có Hợp tác xã Hòa Nghĩa nuôi tôm tại Sóc Trăng được tổ chức WWF tại Việt Nam trao giấy chứng nhận quốc tế ASC về nuôi tôm bền vững. Cũng từ đây, nhà nhập khẩu Nordic Seafood (Na Uy) và Công ty cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) tiến hành ký kết hợp tác sản xuất và thu mua tôm.
Trả lời về việc tạo chữ tín vững chắc cho ngành tôm Việt Nam, ông Huỳnh Quốc Tịnh, Điều phối viên quốc gia về thực phẩm bền vững của WWF Việt Nam cho biết, hiện nay người nuôi tôm nhỏ lẻ cung cấp sản lượng tôm nuôi chiếm phần lớn cho doanh nghiệp, nhưng sản lượng tôm sạch đạt tiêu chuẩn ASC chỉ khoảng 5%.

Vì vậy tổ chức WWF đã có hành động hỗ trợ người nuôi tôm bền vững, tạo chữ tín cho con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới lẫn người tiêu dùng trong nước. Từ đầu năm 2016 đến nay, tổ chức WWF đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC cho 30 Hợp tác xã nuôi tôm tại Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau.
Trong sản xuất cũng như kinh doanh, việc giữ chữ tín, đặc biệt là chữ tín về chất lượng sẽ giúp cho sản phẩm được trường tồn theo thời gian, và con tôm Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Có như vậy, con tôm Việt Nam mới được người tiêu dùng thế giới lựa chọn nhiều hơn, và người tiêu dùng trong nước cũng không bỏ lỡ mà lựa chọn sản phẩm tôm đến từ nước khác./.

>>> Nuôi tôm thẻ chân trắng công nghiệp giúp chống sạt lở đê biển

>>> Xây dựng liên kết chuỗi trong nuôi tôm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục