Mua bán qua mạng: Quản lý chất lượng... còn bỏ ngỏ

10:32' - 22/01/2017
BNEWS Mua sắm online đã trở nên phổ biến vì sự tiện lợi và tiết kiệm thời gian, nhưng vào các dịp Lễ, Tết, nhiều đơn vị kinh doanh đang lợi dụng tung hàng kém chất lượng hoặc trục lợi, lừa đảo.
Cẩn trọng mua hàng online. Ảnh: ReadyTechGo

>>> Bài 1:Mua bán qua mạng: Nhộn nhịp chợ Tết online

Trên thực tế, đã không ít người mua phải hàng dỏm, nhận hàng không đúng như cam kết, do đó các chuyên gia cảnh báo người mua nên hết sức thận trọng mỗi khi giao dịch online để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Chia sẻ kinh nghiệm mua hàng đặc sản online trong dịp Tết, nhiều người tiêu dùng thường chú ý đến các khía cạnh như nguồn gốc hàng hóa, đã là hàng đặc sản thì phải đúng địa danh đó bán chứ không nên mua hàng trôi nổi; phương thức giao nhận.

Người mua cần hỏi kỹ và giao kèo trước với bên bán để thống nhất cách nhận hàng; thanh toán tiền, tốt nhất là nhận hàng mới trả tiền hoặc chỉ chuyển đặt cọc trước không quá 30% giá trị món hàng cần mua.

Tuy vậy, trên thực tế nhiều người tiêu dùng đã phải thất vọng hoặc chịu thiệt hại khi mua sắm online, bởi hàng hóa không giống quảng cáo và chất lượng kém.

Đặc biệt, hiện nay hầu hết các đơn hàng thông qua các kênh bán hàng online, trang mạng xã hội, người mua và người bán giao dịch với phương châm "tin nhau" là chủ yếu, chỉ khi hàng giao đến nơi thì may ra người mua mới kiểm tra được sản phẩm trong đơn hàng của mình.

Chị Thanh Hà, cư ngụ tại quận Tân Phú, Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, xuất hiện món đặc sản khô gà cay rất hấp dẫn. Sau khi tìm kiếm trên nhiều trang thương mại điện tử cũng như mạng xã hội, đã chọn được một địa chỉ bán hàng online để mua.

Do là người cẩn thận nên đơn hàng đầu tiên chị Hà chỉ đặt số lượng nhỏ để dùng thử, khi thấy sản phẩm phù hợp với gia đình chị đã đặt số lượng lớn. Tuy nhiên, khi đơn hàng thứ 2 giao đến thì chất lượng sản phẩm kém hơn đơn hàng đầu tiên, nhưng chị Hà cũng đành "ngậm ngùi" nhận hàng, vì để trả được hàng phải tốn kém thời gian và thương lượng với người bán.

Khảo sát thực tế tại nhiều trang thương mại điện tử cũng có thể thấy, các thương hiệu mắt kính như Dior chỉ có giá 210.000 đồng; đồng hồ Movado giá chỉ 890.000 đồng; giày thể thao Nike và Adidas chỉ có giá 350.000 đồng... thấp hơn nhiều lần so với giá bán niêm yết chính thức tại website của các thương hiệu này.

Còn các mẫu mã giày Classic của Converse có giá bán khoảng 1 triệu đồng, giày Converse chuck II nữ có giá gần 2 triệu đồng, được niêm yết trên website của hãng tại Việt Nam (converse.com.vn), nhưng các sản phẩm này được nhiều trang bán hàng online rao với giá chỉ vài trăm nghìn đồng.

Ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc Dự án thương mại điện tử Vuivui.com cho hay, thương mại điện tử có nhiều mô hình khác nhau, tuy nhiên mô hình thương mại điện tử B2C (mô hình chỉ bao gồm các giao dịch thương mại trên internet giữa doanh nghiệp và khách hàng, trong đó đối tượng khách hàng là cá nhân mua hàng) đang được Vuivui.com chọn lựa.

Với mô hình thương mại điện tử này, Vuivui.com sẽ là đơn vị chịu trách nhiệm trước khách hàng về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, từ đó nâng cao trách nhiệm với khách hàng và đảm bảo cam kết chất lượng sản phẩm.

Theo ông Phạm Văn Trọng, thị trường thương mại điện tử hiện nay rất phúc tạp, còn tâm lý người tiêu dùng là mua sắm online phải giá rẻ, khuyến mãi, do đó cần làm sao để cải thiện "bộ mặt xấu" của thị trường thương mại điện tử và xây dựng những thương hiệu bán hàng uy tín, phục vụ tốt.

Bởi vì thị trường thương mại điện tử cũng tương tự thị trường truyền thống, nếu hàng giả và hàng kém chất lượng... kinh doanh tràn lan thì thiệt hại trước mắt là người tiêu dùng.

Còn liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ trên thị trường thương mại điện tử, Luật sư Nguyễn Văn Viễn, Chủ tịch Hội Sở hữu trí tuệ Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay, luật pháp Việt Nam cho phép nhập khẩu song song các hàng hóa, sản phẩm mang đối tượng sở hữu trí tuệ.

Đối với chủ sở hữu Việt Nam thường dễ xử lý hơn vì có thể phát hiện hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, trong khi đó đối với chủ sở hữu ở nước ngoài thường gặp khó khăn trong chứng minh hàng được bày bán là hàng nhái, hàng giả.

Khó siết bán hàng qua mạng trong bối cảnh hội nhập kinh tế, thương mại điện tử ngày càng phát triển. Cần có sự nỗ lực của cơ quan quản lý Nhà nước trong tăng cường các giải pháp hiệu quả để phòng chống hàng gian, hàng giả, gian lận thương mại.

Đồng thời, phải có quy định cụ thể, từ đó các cơ quan thực thi mới có thể thể hiện vai trò kiểm soát của mình.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam cho biết, ngành thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển nhanh, nhưng mới chỉ ở mức độ phổ cập, quy mô không lớn và ai cũng tham gia.

Thách thức lớn nhất của ngành thương mại điện tử hiện nay là vấn đề pháp lý, do tại Việt Nam chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể quy định về các hoạt động thương mại điện tử, chưa có cơ sở để xác định mô hình hoạt động và phương hướng quản lý đối với các mô hình này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục