Hồ tiêu Việt Nam khẳng định lại vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới

16:54' - 23/05/2025
BNEWS Trước sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và xu hướng chuộng sản phẩm đạt chuẩn cao, đây chính là cơ hội để hồ tiêu Việt Nam tái định vị trên bản đồ xuất khẩu thế giới.

Giá hồ tiêu trong nước đang giữ ổn định ở mức khá cao, trên 150.000 đồng/kg. Trong khi giá trị xuất khẩu tăng mạnh, chất lượng hồ tiêu Việt Nam được đánh giá cao trên toàn cầu, thì nghịch lý “xuất thô, chưa có thương hiệu” vẫn là điểm nghẽn lớn.

Trước sự thiếu hụt nguồn cung toàn cầu và xu hướng chuộng sản phẩm đạt chuẩn cao, đây chính là cơ hội để hồ tiêu Việt Nam tái định vị trên bản đồ xuất khẩu thế giới – không chỉ bằng sản lượng, mà bằng thương hiệu và giá trị gia tăng.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), tính đến ngày 15/5/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 84.844 tấn hồ tiêu các loại, thu về 585,2 triệu USD. Dù sản lượng giảm khoảng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị lại tăng 45% nhờ giá xuất khẩu tăng vọt. Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 4 tháng với tiêu đen đạt 6.749 USD/tấn (tăng 96%), tiêu trắng đạt 8.611 USD/tấn (tăng 73,8%).

Các thị trường xuất khẩu hàng đầu vẫn là Hoa Kỳ (chiếm 22,5%), tuy nhiên lượng xuất sang đây giảm mạnh 26,7%. Tiếp theo là Ấn Độ chiếm 8% thị phần, tăng 6,4%; UAE chiếm 6,7% thị phần và tăng 42,2%; Đức chiếm 6,7% thị phần và giảm 9,7%; Trung Quốc chiếm 4,5% và tăng 94,4% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cũng tăng mạnh ở Hồng Kông (Trung Quốc), Australia, Ba Lan nhưng ngược lại giảm ở Hà Lan, Nga, Anh, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp.

Top doanh nghiệp xuất khẩu tiêu lớn nhất hiện nay gồm Olam Việt Nam (chiếm 10,4% thị phần), Phúc Sinh, Nedspice, Trân Châu, Haprosimex JSC...

 

Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng nhập khẩu hơn 18.388 tấn hồ tiêu, chủ yếu từ Brazil, Indonesia, Campuchia, với kim ngạch lên đến 108,6 triệu USD – tăng hơn gấp đôi về giá trị so với cùng kỳ. Việc nhập khẩu tiêu để phục vụ chế biến, tái xuất được giới chuyên gia đánh giá là bình thường trong bối cảnh thương mại toàn cầu, nhằm duy trì vị thế xuất khẩu số một của Việt Nam – quốc gia chiếm khoảng 60% thị phần tiêu toàn cầu.

Nông dân tại Đắk Nông thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Ngọc Minh – TTXVN
Tuy nhiên, so sánh về chất lượng, hồ tiêu Việt Nam có chất lượng cao hơn cả. Các chuyên gia khuyến cáo, cần có sự quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm hồ tiêu để đảm bảo chất lượng, giữ vững uy tín của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới.

Điểm nghẽn lớn hiện nay chính là việc hồ tiêu Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, thiếu vắng thương hiệu. Ông Hoàng Phước Bính – nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) chia sẻ, hiện hồ tiêu Việt Nam vẫn chủ yếu là xuất thô, tại các hàng trong các siêu thị nước ngoài, khó có thể tìm được lọ hồ tiêu hay gói hồ tiêu với thương hiệu “made in Viet Nam”.

Ông Hồ Phước Bính chia sẻ: “Tôi từng trao đổi với một chuyên gia người Hà Lan và được biết hồ tiêu Việt Nam hiện chiếm khoảng 60% thị phần toàn cầu. Tuy nhiên, khi ông ấy tìm mua tại các siêu thị ở châu Âu, gần như không thấy sản phẩm nào ghi rõ thương hiệu Việt Nam. Dù xuất khẩu với sản lượng lớn, nhưng hồ tiêu Việt vẫn chưa tạo dựng được nhiều tên tuổi trên thị trường quốc tế.”

Thực tế, nhu cầu tiêu đang gia tăng ở nhiều thị trường, góp phần đẩy giá tiêu trong nước và xuất khẩu lên cao. Tuy nhiên, do năm nay mất mùa, nguồn cung hạn chế, người dân cũng găm hàng chờ giá cao hơn nên doanh nghiệp thu mua gặp khó. Trong bối cảnh diện tích canh tác không thể tăng mạnh, thị trường hồ tiêu được dự báo sẽ tiếp tục khan hiếm trong trung và dài hạn.

Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), giá tiêu tăng không chỉ do cung giảm, mà còn nhờ tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Trung Đông, châu Âu. Các doanh nghiệp đang chủ động đa dạng hóa thị trường thay vì phụ thuộc vào một vài đối tác truyền thống.

Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch VPSA cho rằng: “Cần đi sâu hơn vào các thị trường còn chiếm thị phần thấp, cần đẩy mạnh tiếp cận những thị trường có tiềm năng thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, tham gia hội chợ, triển lãm tại nhiều quốc gia. Đặc biệt, đối với những thị trường có tiêu chuẩn cao, yêu cầu khắt khe về chất lượng nhưng có biên độ lợi nhuận tốt, các doanh nghiệp phải chú trọng hơn nữa đến khâu kiểm soát chất lượng, nhằm nâng cao tính ổn định và khả năng thích ứng của sản phẩm trước những biến động thị trường”.

Trong bối cảnh thị trường thế giới thiếu hụt nguồn cung, còn hồ tiêu Việt Nam vẫn được đánh giá có chất lượng vượt trội, đây là cơ hội để ngành hồ tiêu Việt bước sang giai đoạn mới – lấy chất lượng và thương hiệu làm nền tảng, từng bước chinh phục thị trường cao cấp và xây dựng vị thế bền vững trên thị trường quốc tế.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục