Năm 2016: Nấc thang cơ hội, thách thức cạnh tranh

07:36' - 01/01/2016
BNEWS Năm 2016, Việt Nam sẽ hội nhập ở mức sâu rộng hơn. Từng ngành, từng lĩnh vực phải chỉ ra được những thách thức đối với từng hiệp định thương mại như thế nào và đánh giá đúng đối thủ của mình.

Kinh tế 2015 vừa đi qua với nhiều thách thức nhưng cũng thu được một số kết quả đáng ghi nhận. Đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tích cực tham gia ký kết các Hiệp định thương mại tự do.

Năm 2016, Việt Nam sẽ bước chân vào hội nhập ở mức sâu rộng hơn. Và điều này cũng dự báo, kinh tế Việt Nam sẽ còn nhiều khó khăn hiện diện trước mắt; trong đó đặc biệt phải kể tới khối doanh nghiệp. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đã chia sẻ với phóng viên BNEWS xung quanh nội dung này.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.

Bước ngoặt trong hội nhập

BNEWS: Năm 2015 là năm đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Vậy Việt Nam sẽ phải đối mặt với những thách thức nào trong hội nhập, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Việt Nam đang rất tích cực trong việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và bước vào năm 2016, Việt Nam sẽ bắt đầu bước chân vào hội nhập ở mức cao hơn so với mức hội nhập hiện nay.

Thứ nhất là chúng ta tham gia thành lập Cộng đồng Asean; trong đó, có Cộng đồng kinh tế Asean vào ngày 31/12/2015. Khi tham gia vào cộng đồng này, chúng ta sẽ phải đối mặt với 3 thách thức: đó là tự do luân chuyển hàng hóa, tự do về luân chuyển đầu tư và tự do luân chuyển về lao động có kỹ thuật  cao.
Theo tôi, nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh, chúng ta sẽ có thể mất việc làm “ngay trên sân nhà”. Tôi lấy ví dụ như: việc tuyển chọn tiếp viên hàng không của Hãng hàng không Vietnam Airlines vừa qua. Nếu trước đây chỉ lựa chọn lao động trong nước. Nhưng bây giờ, Vietnam Airlines có thể tuyển chọn trong toàn khu vực Asean và đây sẽ là thách thức hiện hữu trước mắt.
Tiếp đến, năm 2016, Việt Nam phải bước chân vào thực hiện FTA Việt Nam- Hàn Quốc có hiệu lực từ 1/1/2016. Một FTA nữa giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-  Âu đang chuẩn bị được phê chuẩn. Chưa kể đến những FTA khác đang chờ đợi như: Việt Nam – EU; TPP… Cho nên, đây có thể nói là những vấn đề rất lớn, là bước ngoặt trong hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
BNEWS: Thưa Bộ trưởng, sự hội nhập kinh tế này sẽ tác động đến nền kinh tế của Việt Nam như thế nào trong thời gian tới? Chính phủ Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị những gì để đón cơ hội từ các FTA mang lại?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Quốc hội và các chuyên gia kinh tế, báo chí nói rất nhiều về vấn đề này. Theo tôi, có 2 luồng quan điểm. Một luồng quan điểm cho rằng, chúng ta đã và đang chuẩn bị tốt. Chính phủ chuẩn bị tốt và doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị.

Việt Nam cần có kế hoạch rõ ràng hơn, cụ thể hơn để cho mỗi doanh nghiệp, người dân có thể tận dụng được cơ hội từ hội nhập. Ảnh: An Hiếu/TTXVN.

Một luồng quan điểm lớn hơn như thế cho rằng, chúng ta cần có kế hoạch rõ ràng hơn, cụ thể hơn để cho mỗi doanh nghiệp, người dân hiểu được cơ hội khi mà các hiệp định này mang lại. Và chỉ cho cách làm thế nào để tận dụng cơ hội đó; đồng thời, phải chỉ ra được những thách thức trong từng ngành, từng lĩnh vực.
Tôi nói như vậy vì các hiệp định không giống nhau. Không phải, FTA nào cũng giống FTA nào. Mỗi hiệp định đều có một số điểm chung, ví dụ ngành dệt may thách thức khác, lĩnh vực công nghệ điện tử khác, nông nghiệp hoàn toàn khác. Do đó, mỗi lĩnh vực, các Bộ, ngành phải chỉ ra được những thách thức đối với từng hiệp định thương mại như thế nào. Và phải đánh giá đúng đối thủ của mình.
Tôi ví dụ: FTA song phương Việt Nam - Hàn Quốc, thì Hàn Quốc mạnh về cái gì và không mạnh điểm gì so với Việt Nam. Nếu FTA Việt Nam – Hàn Quốc mở ra thì tác động của Hàn Quốc đối với Việt Nam khi mở cửa như thế nào? Và ngược lại chúng ta có cơ hội gì khi xuất khẩu sang Hàn Quốc.

Đó là những vấn đề rất cụ thể. Tôi nghĩ rằng, chúng ta đã làm được một số vấn đề cơ bản về thông tin đến doanh nghiệp, đến ngành hàng nhưng chúng ta chưa làm đủ những điều như tôi vừa nói.
Theo tôi, chúng ta cần họp các hiệp hội lại và bàn với các doanh nghiệp. Từ đó, xây dựng những cơ chế chính sách thúc đẩy cho nội lực trong nước có thể tận dụng được những cơ hội mà FTA mang lại và có kế hoạch vượt qua những thách thức đó.
Tôi thấy rằng, trách nhiệm của Chính phủ và các Bộ, ngành phải làm nhiều hơn như thế, nhất là chúng ta còn có thời gian. Bởi, hiệp định lớn nhất mà chúng ta phải đối mặt, đó chính là FTA Việt Nam – EU và TPP.

Cần soạn thảo một kế hoạch chi tiết để lợi dụng được những lợi thế mang lại, vượt qua được những thách thức sẽ phải đối mặt khi tham gia các FTA toàn cầu.
Thiếu hành lang pháp lý cho doanh nghiệp tư nhân

BNEWS: Có nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay rất đơn độc, không được ưu đãi bằng những doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Bộ trưởng đánh giá về ý kiến này thế nào?

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Theo tôi, Chính phủ coi trọng tất cả các thành phần kinh tế và Chính phủ cũng đang làm rất nhiều việc cho khối doanh nghiệp này. Không chỉ Chính phủ mà cả Quốc hội, kể cả hệ thống chính trị đều tham gia.

Cụ thể, hàng loạt các luật đã ra đời như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi và hàng loạt Luật thuế sửa đổi thời gian qua đều có sự ưu tiên cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp tư nhân.
Tuy nhiên, đang có sự so sánh doanh nghiệp FDI được ưu ái nhiều hơn. Điều đó, có thể đúng ở một khía cạnh nào đó nhưng không đúng toàn bộ. Bởi, luật pháp là chung cho tất cả các thành phần. Tôi ví dụ: không phải Luật Công nghệ cao chỉ áp dụng cho doanh nghiệp FDI.

Hiện còn thiếu hành lang pháp lý cho khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: TTXVN.

Luật Công nghệ cao là áp dụng cho cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Vấn đề là những doanh nghiệp trong nước có tiếp cận và đủ điều kiện để hưởng ưu đãi này không và đăng ký để thực hiện không?

Và luật này không quy định là dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng vì doanh nghiệp nước ngoài là những tập đoàn lớn quốc tế, họ có những sản phẩm đạt chất lượng cao và họ có đủ yêu cầu.
BNEWS: Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã và đang tham mưu cho Chính phủ xây dựng hành lang pháp lý như thế nào để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân phát triển, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: Tôi đồng tình một ý là chúng ta chưa quan tâm đầy đủ và chưa có đủ luật mạnh để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ của Việt Nam phát triển. Đấy cũng là điều tôi trăn trở.

Mặc dù, đã ưu đãi rồi nhưng cần phải làm, làm nữa để cho doanh nghiệp yếu vực dậy, mạnh lên để trở thành lực lượng nòng cốt của nền kinh tế Việt Nam.
Cho nên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng nhiều Luật; trong đó có nhiều luật tạo điều kiện thông thoáng cho doanh nghiệp như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp sửa đổi. Và tới đây chúng tôi còn làm nhiều hơn thế nữa. Năm 2015, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ cho phép thành lập Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Quỹ này sẽ dùng tiền ngân sách, rồi thông qua một số ngân hàng thương mại, để cho vay khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang làm chủ của Quỹ hỗ trợ này.
Tới đây, chúng tôi đang soạn thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chứ không chỉ ở cấp Nghị định, việc này đã được Quốc hội thống nhất. Hiện nay, Ban soạn thảo đang tích cực để có được dự thảo đầu tiên để thảo luận về những chính sách ưu đãi hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, chúng tôi đang trình Chính phủ, thành lập những Trung tâm ươm mầm các doanh nghiệp cũng như là hỗ trợ sáng tạo. Vì ý tưởng sáng tạo này sẽ bắt đầu từ mọi người dân, mọi thành phần.

Và chúng ta cần khuyến khích các lớp trẻ, những người có học để họ có thể tư duy đến những sáng tạo, đến những ý tưởng mới, đầu tư mạo hiểm từ đó khuyến khích các thành phần doanh nghiệp trẻ phát triển./.          

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục