PCI 2015: 66% doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức

20:54' - 31/03/2016
BNEWS Có doanh nghiệp ở tỉnh này bị thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm, ở tỉnh kia lại bị kiểm tra, nhũng nhiễu tới 2 đến 3 lần/năm. Đây là nơi phát sinh những chi phí không chính thức, thậm chí là tham nhũng.
Lễ công bố xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Báo cáo PCI2015 ghi nhận rằng, có đến 66% tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức; trong đó, 11% doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản nêu trên; 65% doanh nghiệp cho biết tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tồn tại khá phổ biến.

Xét về tình trạng đối xử chưa công bằng, 39% doanh nghiệp được hỏi cho rằng, địa phương ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước; 49% doanh nghiệp cho rằng địa phương ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước và 56% doanh nghiệp cho rằng ưu đãi với các công ty lớn chính là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bày tỏ quan ngại về điều này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế (VCCI) – Trưởng nhóm nghiên cứu PCI nhận định, cần phải làm sao để rút ngắn khoảng cách này. Không thể trong cùng 1 quốc gia, thực thi cùng một hệ thống pháp luật với những quy định chung về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng có tỉnh chỉ 3 đến 4 ngày là hoàn tất thủ tục cấp đăng ký kinh doanh cho doanh nghiệp, trong khi, có tỉnh phải mất từ 7 đến 8 ngày.

Có doanh nghiệp ở tỉnh này bị thanh tra, kiểm tra 1 lần/năm, nhưng ở tỉnh kia lại bị kiểm tra, nhũng nhiễu tới 2 đến 3 lần/năm. Đây là nơi phát sinh những chi phí không chính thức, thậm chí có thể là cả tệ tham nhũng.

Đà Nẵng tiếp tục được vinh danh là nhà quán quân bảng xếp hạng PCI2015. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

“So với thời điểm ban đầu khi tiến hành khảo sát, các tỉnh có điểm xếp hạng thấp nhất là 39 điểm thì đến nay đã tăng 48 điểm; các tỉnh có điểm xếp hạng cao nhất vẫn dậm chân tại chỗ với mức dưới 70 điểm. Như vậy, sau 11 năm, mức điểm 70 vẫn là ngưỡng không thể vượt qua nổi, kể cả đối với những tỉnh có thành tích xuất sắc cùng những đột phá về thể chế như Đà Nẵng”. Nhận định này của ông Trần Hữu Huỳnh, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thể hiện nỗi niềm trăn trở của người từng nhiều năm nỗ lực thúc đẩy các hoạt động cải cách nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Nhìn vào bảng xếp hạng PCI2015 có thể thấy, Đà Nẵng tiếp tục giữ vững ngôi vị quán quân với mức 68,34 điểm. Á quân là tỉnh Đồng Tháp với thành tích nổi bật 66,39 điểm. Quảng Ninh xếp vị trí thứ 3 với 65,75 điểm. Thấp nhấp bảng xếp hạng là tỉnh Đăk Nông với mức 48,95 điểm.

Như vậy, điểm trung vị PCI2015 đạt 58,47 điểm - mức tương đối ổn định so với 3 năm trước. Tuy nhiên, khoảng cách giữa tỉnh có mức điểm cao nhất và tỉnh có mức điểm thấp nhất trong bảng xếp hạng năm nay dường như dãn rộng hơn, phản ánh sự khác biệt về chất lượng điều hành kinh tế giữa chính quyền các tỉnh, thành phố.

Chính quyền các tỉnh, thành phố cũng cần nhận thức đúng về PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh để có những quyết sách và hành động thực chất. Đây không chỉ là cơ sở và là bảng ghi nhận thành tích về cải thiện môi trường kinh doanh để các tỉnh, thành phố ganh đua. Đây là tấm gương phản chiếu những việc mà địa phương đã làm được và chưa làm được nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

PCI ghi lại những cảm nhận của doanh nghiệp đánh giá chất lượng điều hành kinh tế; sự chuyển hóa từ lời nói đến việc làm của chính quyền địa phương nhằm nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp được thụ hưởng.

Phân tích cơ sở trụ hạng hoặc thăng hạng của một số tỉnh, thành phố trong Bảng xếp hạng PCI2015, ông Joakim Parker, Giám đốc Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cho rằng, sự hoàn thiện về hệ thống cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực chính là điểm tạo nên sự khác biệt giữa các địa phương.

Ngoài ra, một số điểm sáng khác như Quảng Ninh, Lào Cai…thăng hạng chính là nhờ những đột phá về thể chế, những sáng kiến về cải cách hành chính đã có sức lan tỏa và ảnh hưởng tích cực tới nhiều tỉnh, thành phố khác lân cận.

Ông Phạm Ngọc Thạch, đại diện VCCI cũng nhấn mạnh tới hiệu quả truyền tải thông điệp, cách thức mà một số tỉnh, thành phố đang làm để tỏ rõ quyết tâm, ý chí chính trị của địa phương trong việc cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi nhiều hơn và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp. Đó cũng chính là yếu tố ghi điểm.

Lý giải nguyên nhân một số tỉnh bị tụt hạng theo Báo cáo PCI2015, ông Parker (USAID) nhận định, sự tụt lùi về thứ hạng có liên quan tới sự gia tăng các chi phí không chính thức ở một số tỉnh, thành phố; tình trạng tham nhũng hay những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Những tỉnh bị tụt hạng vì những nguyên nhân này sẽ gặp nhiều bất lợi, bởi hầu hết các nhà đầu tư thường ra quyết định dựa trên tính ổn định của việc hoạch định chính sách tại địa phương.

Lễ công bố xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2015. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS

Chia sẻ bài học kinh nghiệm và cách mà Đà Nẵng đang làm ở ngôi vị quán quân Bảng xếp hạng PCI2015, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng cho biết, địa phương đã ban hành quy chế phối hợp nhằm thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực như đầu tư, đất đai…, yêu cầu các ban, ngành thực hiện đề án liên thông, liên kết trong việc giải quyết các thủ tục hành chính.

Nhờ đó, rút ngắn thời gian chờ đợi, các thủ tục không cần thiết và những chi phí không đáng có để tạo thuận lợi hóa cho doanh nghiệp. Song song với đó, các cán bộ công sở cũng tích cực đổi mới cách thức phục vụ người dân, tăng cường tuyên truyền về văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử và thay đổi phương pháp hỗ trợ người dân trong việc tiếp nhận và giải quyết các hồ sơ, giấy tờ, thủ tục.

Doanh nghiệp ở mọi quy mô, lĩnh vực và thuộc các thành phần kinh tế đều được địa phương đánh giá cao và tạo nhiều thuận lợi để phát triển, được hỗ trợ bằng nhiều cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn và từng bước vươn lên.

Đà Nẵng có thể làm được nhiều hơn thế và cần phải làm nhiều hơn thế để vượt mức điểm 70 và đáp ứng lòng mong đợi của cộng đồng doanh nghiệp cùng các nhà đầu tư. Song ít nhất, với điển hình của Đà Nẵng, các tỉnh, thành phố khác cũng cần tăng tốc và hòa nhịp cùng với Đà Nẵng hướng tới mục tiêu chung nhằm cải thiện môi trường kinh doanh trong bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu và rộng hơn với cộng đồng quốc tế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục