PCI 2017 với những lạc quan và khởi sắc

15:22' - 30/03/2018
BNEWS Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI kiêm Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã chia sẻ về quá trình đánh giá các tiêu chí điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Ảnh: Thạch Huê/BNEWS
Sau sự kiện công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, Đà Nẵng đã hoán đổi ngôi vị quán quân bảng xếp hạng PCI cho tỉnh Quảng Ninh. Trong khi đó, hai Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh lại có thứ hạng không cao. Xoay quanh vấn đề này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiêm Giám đốc Dự án Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh đã chia sẻ với Phóng viên TTXVN về quá trình khảo sát, đánh giá các tiêu chí điều hành kinh tế của chính quyền các tỉnh, thành phố.
Phóng viên: Báo cáo về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2017 có điều gì đáng nói, thưa ông?
Ông Đậu Anh Tuấn: Năm nay, chúng ta vui mừng đón nhận bức tranh PCI với những lạc quan và khởi sắc. Điểm số PCI bình quân cao nhất kể từ giai đoạn khởi đầu của Báo cáo PCI năm 2005 đến nay. Gần như tất cả các tỉnh đều tăng điểm số của mình và điều này phản ánh rõ nét môi trường kinh doanh ở các địa phương đã có những cải thiện rất ấn tượng dưới sự điều hành của Chính phủ.
Báo cáo PCI 2017 cũng cho thấy, ở cấp độ quốc gia, những chỉ số phản ánh về chi phí không chính thức và thủ tục hành chính đã được cải thiện. Qua đó khẳng định những nỗ lực phòng chống tham nhũng và cải cách thủ tục hành chính mà Đảng và Nhà nước quyết tâm thực hiện đem lại hiệu quả.
Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào môi trường kinh doanh cũng được khơi dậy với 52% doanh nghiệp tư nhân trong nước và 60% doanh nghiệp FDI cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh trong 2 năm tới. Đây là chỉ số niềm tin cao nhất của cộng đồng kinh doanh kể từ năm 2011 trở lại đây.
Trong quá trình cải thiện môi trường kinh doanh, đáng chú ý là các tỉnh thuộc nhóm cuối bảng xếp hạng đã có nhiều bứt phá "ngoạn mục” so với các tỉnh, thành phố thuộc nhóm tiên phong. Tác động cải cách đã có sức lan tỏa và 5 thành phố trực thuộc Trung ương là Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ đã cải thiện đáng kể chất lượng điều hành và lần đầu tiên góp mặt đầy đủ trong trong Top 15 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong năm qua.
Phóng viên: Vậy theo ông, so với thời gian trước, các tiêu chí đánh giá năng lực cạnh tranh của các tỉnh và thành phố có điểm gì khác biệt?
Ông Đậu Anh Tuấn: Việc xây dựng chỉ số PCI được thực hiện theo quy trình 3 bước, gồm: thu thập thông tin từ dữ liệu điều tra và các nguồn dữ liệu đã công bố khác. Tính toán 10 chỉ số thành phần và chuẩn hóa theo thang điểm 10. Tính điểm số PCI tổng hợp gồm điểm trung bình có trọng số của 10 chỉ số thành phần theo thang điểm tối đa 100.
Định kỳ 4 năm/lần, chỉ số PCI được rà soát và hiệu chỉnh nhằm cập nhật và phản ánh những chuyển động của môi trường kinh doanh và nền kinh tế Việt Nam. Theo đó, loại bỏ các chỉ tiêu không còn phù hợp, bổ sung các chỉ tiêu mới, sắp xếp lại các chỉ số thành phần và điều chỉnh trọng số trong các chỉ số thành phần. Năm nay, báo cáo PCI có tổng cộng 128 chỉ tiêu và sẽ được duy trì trong giai đoạn 4 năm tới.
Kết quả khảo sát PCI 2017 cho thấy, những tỉnh có GDP/người và tăng trưởng cao nhất có xu hướng là những nơi có chất lượng điều hành và cơ sở hạ tầng tốt nhất. So với năm 2015, chỉ số cải cách thủ tục hành chính trong năm 2017 được ghi nhận kết quả rất khả quan. Theo đó, 67% doanh nghiệp cho biết thời gian thực hiện các thủ tục hành chính đã được rút ngắn hơn so với quy định; 72% doanh nghiệp đánh giá cán bộ công chức giải quyết công việc đạt hiệu quả; 67% doanh nghiệp bày tỏ sự hài lòng về thái độ thân thiện của cán bộ công chức Nhà nước (chỉ số này chỉ là 59% vào năm 2015) và chỉ còn 13% doanh nghiệp cho rằng, nội dung làm việc của các đoàn thanh, kiểm tra bị trùng lặp (năm 2015 chỉ số này là 26%).
Một tiêu chí quan trọng trong báo cáo PCI 2017 là chỉ số chi phí không chính thức cũng có xu hướng giảm rõ rệt. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp phải chi trả chi phí không chính thức là 66% vào năm 2016 đã giảm xuống 59% trong năm 2017 và xu hướng giảm này không chỉ về tần suất mà cả quy mô; tỷ lệ doanh nghiệp phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức vào năm 2015 là 11,1% thì cũng giảm xuống 9,8% vào năm 2017.
Điểm sáng của PCI 2017 phải kể đến là chỉ số chính quyền đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Nếu như năm 2015, chỉ có 35% doanh nghiệp đồng tình về thái độ tích cực của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân thì năm 2017 tỷ lệ này đã tăng lên 45%. PCI 2017 cũng ghi nhận 67% doanh nghiệp cho biết những khó khăn, vướng mắc đã được tháo gỡ kịp thời qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc với doanh nghiệp.
Đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2017 là Quảng Ninh, tỉnh có chất lượng điều hành liên tục được xếp trong Top 5 cả nước kể từ năm 2013 đến nay (Đà Nẵng từng giữ vị trí đầu trong suốt 4 năm) cùng với Đồng Tháp nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành xuất sắc. Bốn tỉnh có chất lượng điều hành tốt là Long An, Bến Tre, Vĩnh Long và Quảng Nam.
Bên cạnh xu hướng tích cực, báo cáo PCI2017 cũng ghi nhận không ít chỉ số có xu hướng đáng lo ngại. Khả năng tiếp cận đất đai của đa phần doanh nghiệp ngày càng khó khăn, nhất là khi mở rộng mặt bằng sản xuất kinh doanh; đồng thời là gia tăng rủi ro bị thu hồi đất. Tính minh bạch về cơ chế tiếp cận thông tin, tiếp cận tài liệu quy hoạch hay tham gia đấu thầu dự án... cũng khó khăn không kém. Đặc biệt, chỉ có 36% doanh nghiệp sẵn sàng sử dụng Tòa án để giải quyết các tranh chấp (thấp hơn nhiều so với tỷ lệ 60% vào năm 2013)...
Kỳ vọng thuận lợi về cải cách hành chính. Ảnh minh họa: TTXVN
Phóng viên: Mặc dù những thành phố lớn như Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã có bước tiến về chỉ số năng lực cạnh tranh, song theo ông đâu là rào cản khiến cho những địa phương này khó có sự bứt phá?
Ông Đậu Anh Tuấn: Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh là hai Trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước và năm nay đã có sự chuyển động tích cực. Trong 5 năm qua, Hà Nội đều lần lượt tăng điểm số và thứ hạng trong PCI, từ nửa sau bảng xếp hạng đã vươn lên vị trí thứ 13 trong năm 2017, thể hiện sự bền vững trong cải thiện chất lượng điều hành. Trong giai đoạn này, thành phố Hồ Chí Minh cũng nằm trong top 10 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành cao nhất.
Hai thành phố lớn nhất cả nước có những điểm mạnh được các doanh nghiệp đánh giá cao như chất lượng đào tạo lao động, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp luôn trong top đầu cả nước. Tuy nhiên, một số lĩnh vực lại chưa cao và thường nằm nhóm sau của cả nước như chi phí không chính thức, gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai.
Phóng viên: Vậy sau PCI 2017, ông có điều gì khuyến nghị tới các tỉnh, thành phố để tăng cường năng lực chỉ số cạnh tranh của địa phương mình?
Ông Đậu Anh Tuấn: Điều tra PCI của VCCI tiến hành hàng năm có thể được xem là tập hợp tiếng nói của doanh nghiệp về chất lượng điều hành và môi trường kinh doanh của địa phương. Do vậy, quan trọng là các địa phương cần tìm hiểu và xem xét đằng sau những con số, thứ hạng là những vấn đề của môi trường kinh doanh địa phương và đề ra các thức giải quyết nó.
Thường mỗi sở, ngành, địa phương ít khi tự rà soát và đưa ra vấn đề nên PCI là căn cứ để lãnh đạo địa phương thúc đẩy quá trình cải cách và thay đổi; đồng thời đặt câu hỏi tại sao các địa phương khác làm được mà mình không làm được.
Điều quan trọng nữa là từ việc công bố PCI hàng năm sẽ thúc đẩy quá trình rà soát môi trường kinh doanh của địa phương một cách định kỳ, thay vì chờ đến khi có sự cố hay có những chương trình chỉ đạo từ Trung ương. Chúng tôi mong rằng, vượt lên khỏi điểm số và thứ hạng, PCI là cái "cớ" để mỗi tỉnh, thành phố thúc đẩy chương trình cải cách môi trường kinh doanh bởi nó mang lại lợi ích cho hoạt động đầu tư, kinh doanh cũng như cho doanh nghiệp.../.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Thạch Huê (Thực hiện)

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục