Phát triển doanh nghiệp tư nhân: Những bà đỡ "chính sách"

10:10' - 02/10/2017
BNEWS Trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển của doanh nghiệp tư nhân, một trong những yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp có thể phát triển ổn định chính là bệ đỡ chính sách.

Từ yêu cầu này, cùng với các chính sách chung của Chính phủ, Tp. Hồ Chí Minh cũng đã có những chính sách, cách làm riêng để hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn một cách hiệu quả.

Điểm nhấn về hỗ trợ nguồn vốn

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố hiện là hơn 309.000 doanh nghiệp với tổng số vốn điều lệ là hơn 3,5 triệu tỷ đồng.

Để hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, thành phố đã tổ chức triển khai thành công nhiều chương trình, giải pháp hỗ trợ kinh tế tư nhân phát triển như: cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đăng ký kinh doanh (chương trình một cửa liên thông, đăng ký kinh doanh qua mạng...); chương trình kích cầu thông qua đầu tư, chương trình hỗ trợ phát triển khoa học công nghệ, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp…

Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai hiệu quả. Ảnh minh họa: TTXVN

Về tiếp cận nguồn vốn, thành phố bố trí gói đầu tư 2.000 tỷ đồng từ ngân sách thành phố cho chương trình kích cầu đầu tư để hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp đổi mới thiết bị, ứng dụng khoa học công nghệ.

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố đã và đang phát huy vai trò tác động. Cụ thể là, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp tích cực đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đổi mới máy móc thiết bị, cung cấp các dịch vụ chất lượng cao, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất kinh doanh mang lại giá trị gia tăng cao, tập trung vào nhóm 4 ngành công nghiệp chủ yếu và 9 ngành dịch vụ chất lượng cao.

Một trong những điểm sáng về hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh là Chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp được triển khai hiệu quả. Tính đến nay, tổng số tiền cho vay doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh đã đạt 139.000 tỷ đồng cho hơn 4.600 khách hàng vay vốn.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Tp. Hồ Chí Minh cho biết, chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp đã được triển khai ở cả 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đưa đồng vốn hỗ trợ đến hầu hết các thành phần và lĩnh vực kinh tế. Qua đó, Chương trình đã trở thành công cụ hiệu quả trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về vốn và lãi suất; thúc đẩy sản xuất, kinh doanh; phát triển kinh tế thành phố.

Để hỗ trợ cho doanh nghiệp, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định 15/2017 về hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất lĩnh vực công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ với mức vốn vay được hỗ trợ lãi suất không quá 200 tỷ đồng cho 1 dự án.

Các dự án đầu tư được hỗ trợ phải đảm bảo phù hợp với quy hoạch ngành, chủ trương đầu tư và thuộc các lĩnh vực theo quy định của thành phố. Cụ thể, những dự án đầu tư được ngân sách của thành phố hỗ trợ 100% lãi suất gồm các dự án: đầu tư sản xuất các loại máy móc, thiết bị mới hoặc ứng dụng công nghệ mới được tự động hóa, điều khiển theo các chương trình máy tính.

Dự án đầu tư trang thiết bị sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo nhằm tiết kiệm năng lượng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó là các dự án đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm, chi tiết linh kiện như thuộc nhóm ngành ngành cơ khí; hóa chất nhựa, cao su; chế biến lương thực - thực phẩm; điện tử - công nghệ thông tin, dệt – may, da – giày.

Bên cạnh đó, Tp. Hồ Chí Minh cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế.

Điển hình, từ đầu năm 2017 đến nay, Thành phố đã đào tạo cho hơn 2.800 nhân sự của hơn 850 tổ chức và hơn 1.100 doanh nghiệp về đổi mới sáng tạo, năng suất - chất lượng, quản lý năng lượng, quản trị tài sản trí tuệ; hỗ trợ tư vấn về năng suất chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ, sử dụng Quỹ khoa học công nghệ, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đổi mới sáng tạo… cho hơn 780 nhân sự của gần 180 tổ chức và hơn 600 doanh nghiệp.

Chính sách phục vụ doanh nghiệp

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Trình, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị trong việc xóa bỏ các gánh nặng cho doanh nghiệp. Cụ thể, phải đồng bộ hóa cơ chế chính sách và giải quyết các bất cập trong cơ sở pháp lý, thống nhất việc hướng dẫn thực hiện của các cơ quan nhằm đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Tuệ, Giám đốc Trung tâm dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thành phố cần có quan điểm xóa bỏ nhiều giấy phép con, cắt bỏ quy trình thủ tục không cần thiết nhằm nâng cao vai trò tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của doanh nghiệp; tạo ra chuyển biến căn bản công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay. Đồng thời, có các giải pháp khuyến khích doanh nghiệp chỉ ra những nơi còn “chi phí không chính thức” cao để xử lý.

Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được vốn. Ảnh minh họa: TTXVN

Để đồng hành với doanh nghiệp cũng như đạt mục tiêu phát triển 500.000 doanh nghiệp đến năm 2020, Tp. Hồ Chí Minh đã và đang từng bước xây dựng môi trường kinh doanh ngày càng thông thoáng, hiệu quả. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh và gia nhập thị trường.

Cụ thể như kết hợp 3 thủ tục liên quan đến đăng ký doanh nghiệp (gồm thủ tục thành lập doanh nghiệp, đăng ký mẫu dấu và thủ tục đăng ký cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng), giảm 50% thời gian so với quy định; phấn đấu hướng dẫn 100% hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng; tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp qua mạng điện tử đạt tối thiểu 40%...

Chia sẻ về các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cho hay, Thành phố quan tâm hỗ trợ cho các doanh nghiệp gắn với nâng cao chất lượng hoạt động. Các thủ tục hải quan được rút ngắn đáng kể như việc cắt giảm trên 50% thời gian làm thủ tục hải quan so với quy định đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu hàng hóa. Các dịch vụ đăng ký trực tuyến tại nhà tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp và khai báo thuế.

Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Bé, Chủ tịch Hiệp hội Khu công nghiệp Tp. Hồ Chí Minh chia sẻ, để phát triển, doanh nghiệp cần vốn, lao động, đổi mới công nghệ, thông tin thị trường, kinh tế.... Tuy nhiên, cái mà doanh nghiệp cần nhất chính là hệ thống luật pháp, chính sách thông thoáng để giúp họ tồn tại và phát triển. Điều này kể cả doanh nghiệp đang phát triển hay khởi nghiệp đều cần.

Cùng với các chính sách cụ thể, Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, Hiệp hội Doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, song song với đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ, Thành phố cần chú trọng phát triển mạng lưới phân phối, hệ thống kho bãi, ngành logistic, công nghiệp hỗ trợ... để kịp đón một làn sóng doanh nghiệp thành lập mới. Để phục vụ cho con số 500.000 doanh nghiệp, thành phố cần đầu tư hạ tầng phục vụ rất lớn cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ các doanh nghiệp này đến năm 2020./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục