Quyết định cấm xe tải lưu thông trên Quốc lộ 5 gây khó doanh nghiệp

17:08' - 16/12/2015
BNEWS Bộ Giao thông Vận tải đã ra thông báo quy định xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ không đi vào Quốc lộ 5 điều này đã gây cho các doanh nghiệp vận tải ở Hải Phòng nhiều bức xúc
Việc phân làn chưa hợp lý trên cao tốc Hải Phòng-Hà Nội gây bức xúc cho doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN

Với lý do phân luồng để sửa chữa Quốc lộ 5, Bộ Giao thông Vận tải đã ra thông báo quy định xe tải trên 15 tấn từ cảng Đình Vũ không đi vào Quốc lộ 5 (đoạn đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Văn Linh dài hơn 10 km) mà phải đi theo đường cao tốc mới Hà Nội - Hải Phòng. Quy định phân làn này cũng vừa được Sở Giao thông Vận tải Hải Phòng hướng dẫn cụ thể bằng văn bản số 600/TB-SGTVT ngày 15/12 vừa qua.

Tuy nhiên, thông báo này đã gây ra phản ứng mạnh mẽ của các doanh nghiệp vận tải tại Hải Phòng. Theo ông Bùi Thế Sơn, Giám đốc Công ty vận tải Xuyên Việt (Hải Phòng), không chỉ doanh nghiệp bức xúc mà còn nhiều doanh nghiệp khác tại Hải Phòng và các địa phương khác cũng bức xúc.

Quyết định này của Bộ Giao thông Vận tải ảnh hưởng nhiều mặt đến doanh nghiệp. Cụ thể là sẽ đẩy chi phí của doanh nghiệp lên cao trong điều kiện kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn như hiện nay.

"Việc phân làn trên là bất hợp lý không có sự cạnh tranh. Đường cũ nếu tăng cường sửa chữa thì phải nghiên cứu để phân làn sao cho hợp lý, chứ ra quy định như vậy chẳng khác gì ép doanh nghiệp chúng tôi.

Với khẩu hiệu vì sự hài lòng hơn cho người dân và doanh nghiệp mà Bộ Giao thông Vận tải đang thực hiện dường như Bộ đang đi ngược lại với khẩu hiệu đó", ông Sơn bức xúc.

Còn theo ông Trần Quốc Hoàn, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Hoàn Cầu (Hải Phòng), quy định của Bộ Giao thông Vận tải sẽ gây thiệt hại cho doanh nghiệp vận tải, bởi hiện nay các đơn vị, nhà máy sản xuất, các khu công nghiệp đều đang nằm chủ yếu trên trục Quốc lộ 5. Vì vậy, nếu yêu cầu doanh nghiệp đi vào đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng sẽ gây khó cho đơn vị vì phải đi vòng vo hơn, tốn kém thời gian, tiền bạc hơn.

Cụ thể, doanh nghiệp hiện có 20 xe, nếu phải chạy theo tuyến này với mức phí mỗi xe container 40feet phải trả thêm 250.000 đồng/lượt thì doanh nghiệp sẽ phải đội thêm chi phí không ít.

Tuy nhiên, ông Trần Quốc Hoàn kiến nghị, trong trường hợp phân làn để sửa chữa Quốc lộ 5 mà yêu cầu doanh nghiệp đi vào đường cao tốc thì cần có chính sách giảm giá phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp đỡ thiệt thòi.

Ông Đặng Thế Phương, Giám đốc Công ty cổ phần Giao nhận vận tải Phương Lâm (Hải Phòng) đánh giá, việc sửa chữa Quốc lộ 5 để đảm bảo lưu thông tốt hơn về bản thân doanh nghiệp hoàn toàn ủng hộ. Nhưng việc thi công phân luồng cần phải cân nhắc thiệt hơn để không ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vì đây là tuyến đường chính vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu từ Cảng Hải Phòng đi các tỉnh phía Bắc và ngược lại.

“Việc yêu cầu doanh nghiệp đi cao tốc Hà Nội- Hải Phòng trong khi doanh nghiệp chưa có nhu cầu sẽ làm tăng chi phí cầu đường cho doanh nghiệp. Tăng chi phí giữa đường cao tốc và đường 5 cũ là rất lớn sẽ dẫn tới việc doanh nghiệp phải điều chỉnh hợp đồng đã ký với khách hàng. Việc điều chỉnh này dẫn đến thiệt hại cuối cùng vẫn là các doanh nghiệp vận tải”. – ông Đặng Thế Phương phân tích.

Liên quan đến vấn đề bức xúc của cộng đồng doanh nghiệp vận tải Hải Phòng về vấn đề này, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng Lê Văn Tiến cũng vừa ký văn bản gửi UBND Tp. Hải Phòng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị quyết định này.

Theo đó, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải Phòng nhận định, quyết định của Bộ Giao thông Vận tải là quá nóng vội, đẩy các doanh nghiệp vận tải đang khó khăn càng thêm chồng chất khó khăn khi phải tăng đột biến chi phí vận tải với mức quá lớn, thậm chí làm tê liệt hoạt động của một số doanh nghiệp dọc theo tuyến Quốc lộ 5 (đoạn từ km94 đến km104+600) có hệ thống kho bãi chứa hàng, bán hàng…”

Vì vậy, Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ Hải phòng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tp. Hải Phòng yêu cầu nhà thầu sửa chữa có phương án thi công hợp lý, rút ngắn tối đa thời gian hoàn thành sửa chữa để hoạt động giao thông trên Quốc lộ 5 được trở lại bình thường.

Thời gian phân luồng nên lùi lại theo một lộ trình nhất định để các doanh nghệp vận tải thương thảo với chủ hàng điều chỉnh lại giá cước. Trong trường hợp cần phân luồng ngay như thông báo, Bộ Giao thông Vận tải, UBND Tp. Hải Phòng cần có giải pháp chỉ đạo các đơn vị thu phí trên đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng miễn mức thu phí từ Đình Vũ đến nút giao thông ra Quốc lộ 10, giảm mức phí qua các trạm sao cho bằng mức thu phí trên đường 5 đối với xe tải trên 15 tấn từ Cảng Đình Vũ đi Hà Nội trong suốt thời gian phân luồng sửa chữa Quốc lộ 5 trên địa bàn Hải Phòng.

Quyết định của Bộ Giao thông Vận tải ít nhiều cũng gây sự hiểu nhầm đối với chủ đầu tư dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) là có sự tác động để Bộ Giao thông Vận tải ra quyết định này nhằm có lợi cho VIDIFI.

Về vấn đề này, đại điện VIDIFI cho biết, VIDIFI cũng chỉ là một trong những đối tượng phải chấp hành quyết định của cơ quan nhà nước cấp trên.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cho hay, việc sửa chữa Quốc lộ 5 trong điều kiện mật độ 10.000 xe/ngày, đêm thì rất khó tiến hành. Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng vừa đưa vào khai thác toàn tuyến, vì vậy Bộ Giao thông Vận tải muốn phân lượng xe sang bên cao tốc này từ nay đến tết Nguyên đán.

Ngoài ra, để hoàn thành sửa chữa Quốc lộ 5 trước Tết Nguyên đán phục vụ nhân dân đón tết thì cần phải thực hiện việc điều chỉnh này, thậm chí cấm xe.

Về phản ứng của doanh nghiệp cho rằng quyết định này làm khó cho doanh nghiệp, đồng thời cũng gây thiệt hại cho doanh nghiệp, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trưởng khẳng định: Khi thực hiện quyết định này thì Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu và thấy rằng tất cả những đoạn đường trên Quốc lộ 5 đều có đường kết nối với cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và không có đoạn nào ngược đường nên không ảnh hưởng nhiều đến các doanh nghiệp vận tải.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng thừa nhận, khi yêu cầu các doanh nghiệp đi cao tốc Hà Nội – Hải Phòng thì chi phí của doanh nghiệp cũng tăng lên, nhưng doanh nghiệp cũng nên ủng hộ vì được đi đường tốt hơn, tiết kiệm được thời gian và nhiên liệu hơn thì phải trả chi phí cao hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục