Việt Nam – Tây Ban Nha nhiều dư địa hợp tác đầu tư thương mại

16:36' - 10/04/2025
BNEWS Việt Nam – Tây Ban Nha có rất nhiều dư địa để hợp tác toàn diện từ thương mại, đầu tư, du lịch đến khoa học công nghệ, giao lưu văn hoá.

Hai bên cần hành động để biến những tiềm năng đó thành các quan hệ liên kết hợp tác hiệu quả, góp phần thúc đẩy quan hệ song phương cũng như sự phát triển thịnh vượng giữa hai khu vực EU và Asean.

 

Đây là nội dung được Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez nhấn mạnh tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Tây Ban Nha do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp Phòng Thương mại Tây Ban Nha, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tây Ban Nha (ICEX), Liên đoàn các Tổ chức Doanh nghiệp Tây Ban Nha (CEOE) tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 10/4.

Theo Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sánchez, năm 2009, Tây Ban Nha trở thành nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) thiết lập khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược với Việt Nam. Kể từ đó, hợp tác kinh tế hai nước không ngừng phát triển; đặc biệt chỉ trong thời gian ngắn từ năm 2020 - 2024, kim ngạch thương mại song phương đã tăng hơn gấp đôi. Cả Việt Nam và Tây Ban Nha đều ưu tiên chính sách mở cửa hợp tác thương mại và giành được thành công nhất định. Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động và bất ổn, việc hợp tác giữa các quốc gia càng trở nên quan trọng.

“Việt Nam là một nền kinh tế năng động và đang phát triển mạnh mẽ với mức tăng trưởng trên 7% vào năm 2024. Đây là con số không phải quốc gia nào cũng đạt được trong bối cảnh nhiều biến động, thách thức. Tây Ban Nha mong muốn trở thành một đối tác tích cực trong mục tiêu hiện đại hoá, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2050 của Việt Nam. Với thế mạnh về công nghiệp, năng lượng, hạ tầng giao thông và đặc biệt là đường sắt đô thị, doanh nghiệp Tây Ban Nha có thể tham gia tích cực vào các dự án chiến lược của Việt Nam. Chúng ta phải cùng nhau biến các tiềm năng thành hiện thực trên cơ sở sự tin tưởng, tôn trọng hướng tới lợi ích chung của hai quốc gia.”, Thủ tướng Tây Ban Nha  Pedro Sánchez nhấn mạnh.

Bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, Tây Ban Nha luôn là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực cũng như trên thế giới. Trao đổi thương mại giữa hai nước đã không ngừng tăng trưởng trong những năm qua, đạt đến con số 4,7 tỷ USD năm 2024, đưa Tây Ban Nha trở thành đối tác thương mại thứ 5 của Việt Nam tại EU. Ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn nhất của Tây Ban Nha trong Asean.

Tuy nhiên, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của hai nước. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam với Tây Ban Nha chỉ chiếm 0,7% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Tây Ban Nha và 0,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Đầu tư của Tây Ban Nha vào Việt Nam còn khiêm tốn, đứng thứ 46/147 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Điều đó cho thấy dư địa để mở rộng quan hệ kinh tế  – thương mại – đầu tư còn rất lớn.

Theo bà Phan Thị Thắng, Việt Nam và Tây Ban Nha là hai nền kinh tế có nhiều lợi thế mang tính bổ sung cho nhau; trong đó, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 3 Asean và thứ 32 thế giới; nằm trong top 20 về thương mại quốc tế và top 15 về thu hút FDI; với môi trường chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế cao, chính sách thương mại và đầu tư thông thoáng, chi phí sản xuất cạnh tranh sẽ là điểm đến đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với các doanh nghiệp Tây Ban Nha. Ngược lại, với thế mạnh về năng lượng, vật liệu, tài nguyên và công nghệ, Tây Ban Nha đang là một lựa chọn quan trọng trong chiến lược tối ưu hoá chuỗi cung ứng toàn cầu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) với gần 100% dòng thuế về 0% theo lộ trình từ 7-10 năm là đòn bẩy rất lớn cho thương mại giữa hai nước. Hơn nữa, Việt Nam – Tây Ban Nha có vị trí chiến lược nằm ở cửa ngõ của châu Á và châu Âu, là cầu nối giữa hai khu vực kinh tế năng động nhất của thế giới. Hàng hóa của Việt Nam vào Tây Ban Nha là hướng đến thị trường gần 500 triệu dân của EU, ngược lại doanh nghiệp Tây Ban Nha khi đến Việt Nam cũng có thể tiếp cận thị trường Asean với gần 700 triệu dân, cũng như thị trường gần 6 tỷ người tiêu dùng trong 17 Hiệp định thương mại tự do (song phương và đa phương) mà Việt Nam là thành viên.

“Việt Nam – Tây Ban Nha đang phối hợp chuẩn bị tổ chức Kỳ họp lần thứ nhất Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư. Đây sẽ là cơ chế quan trọng để các cơ quan của hai bên rà soát tình hình hợp tác, xác định các lĩnh vực ưu tiên và hỗ trợ doanh nghiệp hai bên kinh doanh, đầu tư tại thị trường của nhau. Các lĩnh vực mà hai bên có thế mạnh và nhu cầu phát triển như công nghiệp chế biến thực phẩm, dệt may, da giầy, cơ khí chế tạo, hạ tầng giao thông và dịch vụ logistics; du lịch; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hướng tới phát triển bền vững.”, bà Phan Thị Thắng thông tin thêm.

Ở góc độ địa phương, ông Bùi Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, Tây Ban Nha là một trong những đối tác thương mại - đầu tư quan trọng của TP. Hồ Chí Minh. Kim ngạch thương mại song phương TP. Hồ Chí Minh – Tây Ban Nha năm 2024 đạt gần 412 triệu USD; Tây Ban Nha hiện có 44 dự án đầu tư tại thành phố với tổng số vốn đăng ký đạt 16,2 triệu USD.

Mục tiêu của TP. Hồ Chí Minh là đạt tăng trưởng 2 con số trong năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị thông minh, trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á, là điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư toàn cầu. Thành phố hiện đang tích cực thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm như công nghệ cao, hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục, văn hóa – thể thao, môi trường và thương mại – dịch vụ.

Trong số đó, một số dự án tiêu biểu bao gồm: phát triển Trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh, xây dựng hệ thống đường sắt đô thị dài 355 km kết hợp phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD), xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Trung tâm dữ liệu lớn, cùng các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và vi mạch bán dẫn.

Để thực hiện được mục tiêu đó, TP. Hồ Chí Minh mong muốn có sự hợp tác, đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư Tây Ban Nha trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng giao thông, sản xuất năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến thực phẩm, du lịch và chuyển đổi số. TP. Hồ Chí Minh cam kết tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Tây Ban Nha và châu Âu mở rộng sự hiện diện tại thành phố, đóng góp vào việc xây dựng chuỗi cung ứng hiệu quả, linh hoạt và bền vững, không chỉ tại Việt Nam mà còn trong toàn khu vực Asean.

Chia sẻ kinh nghiệp đầu tư tại Việt Nam, bà Emma Antolín Granet, Phó Chủ tịch Tập đoàn Antolín cho biết, quyết định xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam và hợp tác cùng VinFast là một điển hình của đầu tư thành công. Doanh nghiệp Việt Nam nói chung, Vinfast nói riêng rất năng động, sáng tạo và có chiến lược phát triển phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững của chúng tôi.

Trong khi đó, ông Triết Lưu, Đồng sáng lập và Trưởng nhóm R&D Impact Technical Resources (ITR)cho biết, (ITR) đã hợp tác với Mjn-neuro - một doanh nghiệp startup công nghệ Tây Ban Nha sản xuất thiết bị y tế tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) dự báo cơn động kinh. Đây là thành quả trong việc phát huy thế mạnh về nghiên cứu khoa học của Tây Ban Nha và khả năng thiết kế kỹ thuật của Việt Nam.

Theo ông Triết Lưu, khoa học công nghệ đang là lĩnh vực được Chính phủ Việt Nam và Tây Ban Nha đặc biệt quan tâm phát triển. Đây là điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp hai nước đẩy mạnh hợp tác, tạo thành các liên minh công nghệ, phục vụ cho nhiều lĩnh vực khác nhau không chỉ về kinh tế, thương mại mà cả về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục